Việc tiệm vàng ở Yên Thành tự phát hành sổ tiết kiệm: Nạn nhân đề nghị xem xét lại vụ việc!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn)- Đây là vụ việc kéo dài suốt nhiều năm qua, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Đã có không ít vụ xô xát xảy ra giữa chủ tiệm vàng và những người bị mất tiền...

Đề nghị hủy quyết định không khởi tố vụ án

Trung tuần tháng 1, đại diện các hộ dân bị mất tiền sau khi gửi tiết kiệm tại doanh nghiệp vàng bạc Phúc Nhiên (xã Bảo Thành, Yên Thành) cho biết, họ đã gửi đơn đề nghị hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án và xem xét trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng tới các cơ quan có thẩm quyền. Đây là động thái mới nhất liên quan đến vụ tiệm vàng Phúc Nhiên tự phát hành “sổ tiết kiệm”, huy động tiền gửi của hàng trăm người rồi tuyên bố “vỡ nợ”, không còn khả năng chi trả mà Báo Nghệ An đã nhiều lần phản ánh.

Trong đơn này, đại diện các nạn nhân đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét mức độ của vụ án để khởi tố, điều tra, truy tố kẻ phạm tội đúng với pháp luật; xem xét trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng trong vụ án này đã bỏ lọt tội phạm.

Đây là vụ việc kéo dài suốt nhiều năm qua, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Đã có không ít vụ xô xát xảy ra giữa chủ tiệm vàng và những người bị mất tiền, thậm chí có vụ gây thương tích nặng cho người dân.

bna-v2-8719.jpg
"Sổ tiết kiệm" do doanh nghiệp tự in. Ảnh: Tiến Hùng

Sau khi chủ tiệm vàng tuyên bố “vỡ nợ”, nhiều người dân đã gửi đơn tố cáo lên Công an huyện Yên Thành. Ngày 21/8/2018, Công an huyện này đã ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Cơ quan công an cho rằng: “Sau khi kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, thấy hành vi huy động vốn của 164 công dân thông qua việc phát hành sổ tiết kiệm và dùng nguồn vốn huy động được cho người khác vay với lãi suất cao hơn, nhưng đến nay chưa thu hồi được vốn để trả tiền gốc và lãi cho những người gửi tiền của bà Tạ Thị Liên – Chủ doanh nghiệp vàng bạc Phúc Nhiên không cấu thành tội phạm”.

Các hộ dân sau đó đã gửi đơn khiếu nại nhưng Công an huyện Yên Thành vẫn giữ nguyên quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Không đồng ý với quyết định này, đại diện các hộ dân tiếp tục gửi đơn lên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thành. Trong đơn, người dân một lần nữa đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với vợ chồng chủ tiệm vàng Phúc Nhiên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì cho rằng tiệm vàng này huy động vốn dưới hình thức phát hành “sổ tiết kiệm” và chiếm đoạt tiền của nhiều người dân, trong khi không được phép hoạt động huy động vốn.

Kết quả xác minh của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thành cho thấy, từ khoảng năm 2012 đến tháng 12/2016, doanh nghiệp Phúc Nhiên đã nhận tiền gửi của 164 người dân với số tiền hơn 24 tỷ đồng, kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 7,5% đến 8,5%/năm. Quá trình nhận tiền gửi, doanh nghiệp này giao cho người dân một loại sổ tiết kiệm do doanh nghiệp Phúc Nhiên tự in ấn, hình thức giống loại sổ do các ngân hàng phát hành. Bên trong sổ có ghi số tiền gửi, thời gian gửi, lãi suất… có chữ ký xác nhận của hai bên và có đóng dấu của doanh nghiệp Phúc Nhiên.

“Đối với số tiền huy động từ người dân, doanh nghiệp Phúc Nhiên đã cho người khác vay lại để lấy lãi suất chênh lệch và sử dụng vào mục đích kinh doanh. Theo đó, ngoài số tiền phục vụ kinh doanh vàng bạc, doanh nghiệp Phúc Nhiên trình bày đã cho 18 người khác vay với tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng và hiện tại chưa thu hồi được; hiện tại gia đình và doanh nghiệp không có bất cứ tài sản nào có giá trị nên chưa có khả năng chi trả lại tiền cho người dân. Số tiền lãi doanh nghiệp Phúc Nhiên thu được từ việc cho vay, hiện không thể thống kê được vì không có sổ sách, tài liệu lưu lại”, kết luận của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thành.

Viện Kiểm sát cho rằng, số tiền doanh nghiệp Phúc Nhiên cho vay “lớn hơn số tiền mà doanh nghiệp này huy động được và đang nợ người dân. Do đó, không có căn cứ xác định doanh nghiệp Phúc Nhiên gian dối trong việc sử dụng tiền để chiếm đoạt”. Chính vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thành cho rằng, cơ quan công an không khởi tố vụ án hình sự với lý do hành vi không cấu thành tội phạm là đúng quy định pháp luật.

bna-vang1-6369.jpg
8 năm sau khi tuyên bố "vỡ nợ", chủ tiệm vàng Phúc Nhiên vẫn sống trong căn nhà cao tầng ở trung tâm xã Bảo Thành, còn vợ người này đã xuất cảnh đi Australia. Ảnh: Tiến Hùng

Cần xem xét lại vụ việc

Cho rằng các cơ quan tố tụng ở huyện Yên Thành bỏ lọt tội phạm, đại diện các hộ dân tiếp tục gửi đơn lên các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Sau khi nhận đơn, ngày 15/12/2021, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã chuyển đơn đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An để xem xét kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thành. Ít ngày sau, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã có công văn báo cáo việc giải quyết đơn.

Theo đó, sau khi nghiên cứu đơn, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xét thấy đơn có nhiều nội dung, tình tiết mới cần phải xác minh làm rõ nên đã chuyển đơn đến Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, sau đó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chưa nhận được văn bản trả lời về kết quả giải quyết.

bna-v3-1596.jpg
Nhiều người dân vẫn tập trung trước tiệm vàng Tám Nhâm đòi tiền suốt hơn 1 tháng qua. Ảnh: T.H

Đại diện cho các hộ dân, luật sư Chu Thanh Hải – nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thành cho rằng, chủ tiệm vàng Phúc Nhiên đã phạm vào các tội như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự; tội Vi phạm về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, quy định tại Khoản 4, Điều 206, Bộ luật Hình sự; tội Vi phạm về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 221, Bộ luật Hình sự.

Cũng theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Thành, vụ việc của tiệm vàng Phúc Nhiên cũng tương tự vụ việc xảy ra ở doanh nghiệp vàng bạc Tám Nhâm (xã Công Thành), cách đó hơn 1km. 2 chủ tiệm vàng này đều tự in “sổ tiết kiệm” dù không được phép rồi huy động hàng chục tỷ đồng của người dân rồi sau đó tuyên bố “không còn khả năng chi trả” vào cùng một thời điểm. Khiến hàng trăm người dân ở huyện Yên Thành chịu cảnh uất ức, nhiều hộ dân lâm vào cảnh khánh kiệt, nợ nần chồng chất. “2 vụ việc này là bản sao chép của nhau. Nếu cơ quan có thẩm quyền không xử lý nghiêm, sẽ là tiền lệ rất xấu. Nhiều người khác cũng học theo mánh khóe đó để huy động tiền của người dân rồi chiếm đoạt”, ông Hải nêu quan điểm.

Phân tích về các dấu hiệu hình sự, ông Hải cho rằng, chính “sổ tiết kiệm có đóng dấu” đã làm cho người dân lầm tưởng tiệm vàng này được phép huy động vốn, “tưởng giả là thật để giao tài sản”. Đây là đặc trưng của tội lừa đảo. Các hành vi tiếp theo như thời gian đầu trả lãi sòng phẳng, lãi suất cao hơn nhiều so với ngân hàng là để củng cố lòng tin của các bị hại.

“Theo như kết luận của các cơ quan tố tụng thì số tiền tiệm vàng này huy động đã cho người khác vay, nay chưa thu hồi được. Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp này không mất vốn, vì ai vay của họ đều phải có tài sản thế chấp là đất chứ hoàn toàn không tín chấp. Mà giá trị tài sản thế chấp bao giờ cũng cao hơn số tiền doanh nghiệp đưa cho người vay, hết thời hạn mà người vay không trả thì tài sản thế chấp thuộc về tiệm vàng”, ông Hải nói và cho rằng, hành vi của chủ tiệm vàng Phúc Nhiên cũng như chủ tiệm vàng Tám Nhâm đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, đồng thời xâm phạm vào an ninh tiền tệ. Ngoài ra, luật sư còn cho rằng, các chủ tiệm vàng này còn phạm vào các tội như cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, vì sau khi nhận tiền gửi của người dân đã dùng số tiền đó cho người khác vay lãi suất cao hơn hưởng chênh lệch. Làm giả tài liệu của các cơ quan, tổ chức khi tự ý in sổ tiết kiệm để đánh lừa người dân./.

Tin mới