Việt Nam: 800 nghìn tấn bom đạn còn sót lại sau chiến tranh

(Baonghean.vn) - Tại những khu vực xảy ra xung đột hay những vùng mà chiến tranh đã lùi xa, nhiều tàn tích vẫn còn để lại, trong đó bom, mìn, vật nổ vẫn còn sót lại và tiếp tục gây ra hậu quả thương tâm.

Ngày 8/12/2005, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã công bố chọn ngày 4/4 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế Nâng cao nhận thức phòng tránh bom mìn và hỗ trợ tháo gỡ bom mìn. Ngày quốc tế Nâng cao nhận thức phòng tránh bom mìn và hỗ trợ tháo gỡ bom mìn là dịp thu hút sự chú ý của toàn thể cộng đồng về nhu cầu cần hỗ trợ cho các nạn nhân bom mìn và các vật nổ còn lại sau chiến tranh.

Tháo gỡ bom mình giúp cứu được nhiều sự sống.
Tháo gỡ bom mình giúp cứu được nhiều sự sống.

Phòng tránh bom mìn là một loạt các hoạt động như rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; đánh dấu, khoanh vùng, rào chắn những khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, hoạt động phòng tránh bom mìn còn bao gồm các hoạt động trợ giúp nạn nhân, hướng dẫn người dân cách thức bảo đảm an toàn trong môi trường có bom mìn, vận động sự tham gia rộng rãi vào các công ước, hiệp ước quốc tế về nạn nhân bom mìn, về xử lý bom mìn, vật nổ còn lại sau chiến tranh.

Đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ thăm thực địa, gặp các đội rà phá bom mìn và tận tay kích nổ số bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại tại thôn Tràng Sòi, xã Triệu Ái, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ thăm thực địa, gặp các đội rà phá bom mìn và tận tay kích nổ số bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại tại thôn Tràng Sòi, xã Triệu Ái, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị năm 2015.

Cuộc chiến đấu chống lại bom mìn không chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là loại bỏ bom mìn trên mặt đất mà còn bao gồm nhiều biện pháp khác nhau, từ phòng chống các mối nguy hiểm trong một môi trường có bom mìn cho đến việc thúc đẩy một thế giới hoàn toàn không có bom mìn.
 

Bảo tàng Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (Hà Nội) thu hút đông người tới tham quan.
Bảo tàng Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (Hà Nội) thu hút đông người tới tham quan.

Hành động chống bom mìn của Liên Hợp quốc được xây dựng dựa trên 5 “trụ cột” chính như: giải phóng mặt đất; giáo dục về những nguy cơ liên quan đến bom mìn; hỗ trợ nạn nhân; phá hủy các loại bom mìn còn sót lại; thúc đẩy các công cụ pháp lý quốc tế.

Việt Nam còn khoảng 800 nghìn ha đất bị ô nhiễm do bom mìn.
Việt Nam hiện còn khoảng  800 nghìn tấn bom đạn sót lại sau chiến tranh và khoảng 6,13 triệu ha đất ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước

Tính từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót tại Việt Nam đã làm hơn 40.000 người chết và hơn 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tất cả các loại bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm và có thể gây nổ khi tác động phải trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học.

hướng dẫn cho các em học sinh cách nhận biết, phòng tránh BMVN còn sót lại sau chiến tranh
Hướng dẫn cho các em học sinh cách nhận biết, phòng tránh bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng.

Ngày thế giới phòng chống bom mìn (4/4) hàng năm là dịp nhắc nhở mọi người về mối hiểm nguy từ bom mìn, một loại vũ khí do con người chế tạo ra, được con người sử dụng trong các cuộc chiến tranh. Việc nâng cao nhận thức về phòng tránh bom mìn cho người dân cũng như tăng cường nỗ lực rà phá bom mìn chính là những việc làm ý nghĩa và thiết thực nhằm bảo đảm cuộc sống an toàn cho người dân và cứu được nhiều sự sống trên trái đất./.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới