Vòng xung đột mới giữa Israel với Palestine ảnh hưởng như thế nào đối với cạnh tranh Trung-Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Xung đột mới giữa Israel với Palestine lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Sự kiện này ảnh hưởng đến các quốc gia láng giềng, khu vực và chiến lược của Mỹ ở Trung Đông. Đối với Trung Quốc, vòng xung đột này mang lại cả cơ hội và rủi ro.

Vòng xung đột mới nhất giữa Israel và Palestine

Đáng chú ý nhất trong cuộc xung đột là tính chất leo thang đột ngột. Trong những năm gần đây, xung đột Israel-Palestine, đặc biệt là xung đột giữa Israel và các tổ chức vũ trang như Hamas ở Gaza, là kết quả của sự leo thang xung đột dân sự. Tuy nhiên, cuộc xung đột hiện tại không giống như thế. Nó diễn ra một cách không được báo trước, gây ra cú sốc lớn cho Israel và cộng đồng quốc tế.

Trong vòng một giờ sau khi xung đột bùng nổ, Hamas đã bắn 5.000 quả tên lửa vào Israel và các chiến binh Palestine đã xâm nhập vào miền Nam và miền Trung Israel để tiến hành các cuộc tấn công, gây ra một số lượng lớn thương vong ở Israel.

Với việc Israel tăng cường phản công, điều này chắc chắn sẽ gây ra nhiều thương vong cho người Palestine ở Gaza. Một khía cạnh khác tạo nên sự khác biệt là Hamas đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ tiến hành các cuộc tấn công chống lại Israel. Hamas đã điều động gần như toàn bộ vũ khí, thiết bị và binh lính của mình tham gia các cuộc tấn công.

anh 1.jpg
Xung đột Israel-Palestine. Ảnh: AP

Dù biết rằng, các cuộc phản công và trả đũa quy mô lớn sắp tới của Israel có khả năng làm suy yếu ảnh hưởng của tổ chức, nhưng họ vẫn chiến đấu đến chết, thể hiện quyết tâm cao độ. Cuối cùng là việc Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) ở Gaza đã thể hiện hợp tác mạnh mẽ.

Sau năm 2018, quan hệ giữa Hamas và PIJ vô cùng mong manh khi PIJ có ý định thách thức sự thống trị của Hamas ở Gaza. Tuy nhiên, trong chiến dịch quân sự hiện tại, Hamas và PIJ đã đồng thời tiến hành các cuộc tấn công, cho thấy sự phối hợp chặt chẽ và hiểu biết về chiến dịch.

Vòng xung đột mới giữa Israel và Palestine trong những tuần tới sẽ có đặc điểm là cường độ leo thang, thương vong gia tăng và khó khăn trong việc hòa giải. Thứ nhất, cường độ của cuộc xung đột sẽ còn gia tăng hơn nữa. Israel đã phản công nhằm tiêu diệt phiến quân Palestine, đồng thời tuyên bố sẽ tấn công dồn dập Dải Gaza, do đó sự kháng cự của phiến quân Palestine có thể còn khốc liệt hơn trong tương lai.

Cuộc tấn công của Israel chắc chắn sẽ đi cùng với những vụ đánh bom và đột kích mạnh mẽ. Một vòng xung đột mới chắc chắn sẽ dẫn đến thương vong lớn hơn về người. Một mặt, số người Israel thiệt mạng hiện nay đang lên tới gần 1.000 người và số người bị thương đã vượt quá 2.000 người, đây là con số cao nhất trong bất kỳ cuộc xung đột nào kể từ khi thành lập Nhà nước Israel năm 1948.

Với việc Israel quyết tâm thanh trừng các chiến binh Palestine, khả năng số người thiệt mạng và thương vong sẽ còn tiếp tục tăng. Mặt khác, với cuộc phản công lớn của Israel, số người Palestine thương vong ở Gaza chắc chắn sẽ tăng nhanh và có thể vượt quá 10.000 người.

Cuối cùng, một vòng xung đột mới sẽ gây khó khăn trong việc đạt được lệnh ngừng bắn trong ngắn hạn. Đối với Israel, sau khi chịu thương vong lớn như vậy, chính phủ và quân đội phải chịu áp lực rất lớn trong nước và cần phải có một cuộc phản công mạnh mạnh mẽ vào Hamas và PIJ nhằm cứu vãn dư luận trong nước.

Trong bối cảnh đó, sáng kiến hòa giải từ Ai Cập đã bị Israel bác bỏ thẳng thừng. Sẽ khó có thể hiện thực hóa lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas trước khi dư luận trong nước tin rằng nhóm chiến binh này đã bị “trừng phạt” thỏa đáng.

Nguy cơ leo thang

Ở cấp độ quốc tế, nguy cơ leo thang có thể xảy ra. Một mặt, có một nguy cơ địa lý khiến một cuộc xung đột Bắc-Nam có thể xảy ra. Sau khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ, lực lượng vũ trang Hezbollah ở miền Nam Liban đã tuyên bố ủng hộ các phe phái vũ trang Palestine. Đã có một số cuộc đọ súng giữa Hezbollah và Israel.

israel-palestine-2-1057.jpg
Một phụ nữ Palestine tranh cãi với cảnh sát Israel ở Bờ Tây. Ảnh: Reuters

Đồng thời, ở miền Nam Syria đã chứng kiến cuộc đọ súng giữa Iran và Israel. Các nhánh vũ trang dòng Shi’ite ở miền Nam Syria, được Iran hỗ trợ, cũng có thể thể hiện tình đoàn kết với Hamas và PIJ và xung đột với Israel. Ngoài ra, còn có khả năng xảy ra xung đột giữa các nhóm vũ trang Shi’ite do Iran hậu thuẫn ở miền Nam Syria và Israel nhằm ủng hộ Hamas và PIJ.

Mặt khác, có một rủi ro là xung đột Israel-Iran có thể mở rộng ra khu vực. Không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn giữa các nhóm dân quân Iran, chẳng hạn như Hezbollah của Liban hoặc Lực lượng Động viên Nhân dân (PMF) của Syria, Lữ đoàn Fatima và các lực lượng Shi’ite khác có quan hệ chặt chẽ với Iran, với Israel.

Vấn đề mấu chốt của một sự leo thang xung đột trong tương lai nằm ở chỗ liệu một vòng xung đột mới giữa Israel và Palestine có nổ ra ở Bờ Tây hay không. Nếu trong tương lai, người dân Palestine ở Bờ Tây, đặc biệt là các thành phần vũ trang, tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel và các khu định cư của người Do Thái, điều đó chắc chắn sẽ gia tăng cường độ, phạm vi của cuộc xung đột và khuyến khích các nhóm vũ trang ở Liban và Syria tiến hành các cuộc tấn công vào Israel.

Tác động đối với Mỹ và Trung Quốc

Vòng xung đột mới này này sẽ có tác động lớn đến tình hình khu vực và quốc tế trong tương lai. Đầu tiên, uy tín của Chính phủ Netanyahu đã bị ảnh hưởng. Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thất bại trong việc chặn trước các cuộc tấn công, làm tổn hại nghiêm trọng danh tiếng của họ đối với công chúng Israel. Danh tiếng “quý ông an ninh” của Netanyahu sẽ mất đi sức hấp dẫn ở Israel.

Thứ hai, mối quan hệ giữa Mỹ và Israel đã được hàn gắn. Trước khi xung đột bùng nổ, chính quyền Biden và Chính phủ Netanyahu có quan hệ lạnh nhạt. Ông Netanyahu đã không được mời đến thăm Nhà Trắng khi ông đến Mỹ dự hội nghị của Đại Hội Đồng Liên hợp quốc. Sau khi xung đột bùng nổ, Biden ngay lập tức liên hệ với Netanyahu để bày tỏ sự ủng hộ và cử một hạm đội đến Israel.

anh 2.jpg
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Trong tương lai, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ vật chất cho Israel và ngay cả sau cuộc xung đột, Mỹ có khả năng sẽ làm việc với Israel để tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng. Thứ ba, việc bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel, điều mà Mỹ đang thúc đẩy, khó có thể đạt được trong ngắn hạn.

Vòng xung đột hiện tại này chắc chắn sẽ khiến việc bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia-Israel bị đóng băng và khó có thể có tiến triển đột phá trong ngắn hạn. Thứ tư, Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC) do Mỹ hậu thuẫn sẽ tạm thời rơi vào bế tắc.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Mỹ, cùng với Ấn Độ, Liên minh châu Âu, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Saudi Arabia, Israel và các nước khác đã đề xuất IMEC như một tuyến đường vận chuyển thay thế kết nối Ấn Độ với châu Âu. Các nhà quan sát đã đặt câu hỏi liệu Israel và Saudi Arabia có sẵn sàng hợp tác công khai với nhau để thúc đẩy hành lang này hay không.

Giờ đây, khi việc bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia Arab-Israel bị thách thức, IMEC chắc chắn sẽ phải đối mặt với những trở ngại mới để được thực thi.

Đối với Trung Quốc, vòng xung đột Israel-Palestine hiện tại có cả tác động tích cực và tiêu cực: Một mặt, cuộc xung đột trong ngắn hạn sẽ có tác động tiêu cực đến mối quan hệ Trung Quốc–Israel. Israel đã hy vọng sẽ nhận được sự an ủi và cảm thông của Trung Quốc, tuy nhiên theo Israel, Trung Quốc thiếu những biểu hiện thể hiện sự cảm thông, bên cạnh sự ủng hộ của cư dân mạng Trung Quốc đối với Hamas, làm phật lòng dư luận của Israel đối với Trung Quốc. Điều này có thể ảnh hưởng đến chính sách và thái độ của Israel đối với Trung Quốc trong tương lai.

Mặt khác, vòng xung đột này đã phá vỡ nỗ lực của Mỹ trong việc lôi kéo các nước Arab xích lại gần nhau, điều có thể có lợi cho Trung Quốc.

Vòng xung đột mới đã bộc lộ sự rạn nứt giữa các nước Arab và phương Tây về vấn đề Israel-Palestine khi phương Tây đứng về phía Israel, trong khi các nước Arab cảm thông với Palestine. Sự ủng hộ hoàn toàn đối với Israel của Mỹ chắc chắn sẽ làm tổn hại đến quan hệ của nước này với các nước Arab trong ngắn hạn./.

Tin mới