Vui, buồn nghề thả 'lưới còm' trên sông Lam

(Baonghean.vn) - Cá còm là loại đặc sản nổi tiếng trên sông Lam, với khả năng sinh sản quanh năm, dễ đánh bắt nên từ lâu đây là nghề chính cũng là nguồn lợi mưu sinh của hầu hết các hộ dân làm nghề chài lưới trên địa bàn huyện Anh Sơn.

Với những người gắn bó với nghề này, dù trải qua muôn nỗi nhọc nhằn nhưng họ vẫn cố gắng bám trụ và luôn mong sông nước yên bình để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

ông Trần Văn Huy ở tổ dân phố 1 thị trấn Anh Sơn đã có hơn 20 năm theo nghề này
Ông Trần Văn Huy ở tổ dân phố 1 thị trấn Anh Sơn đã có hơn 20 năm theo nghề này. Ảnh Thái Hiền

Được ông Trần Văn Huy ở tổ dân phố 1 thị trấn Anh Sơn cho trải nghiệm một buổi đánh bắt cá còm trên sông Lam, tôi mới cảm nhận được hết sự vất vả, cực nhọc của nghề này. Vừa thả lưới vừa chia sẻ với tôi, ông Huy trải lòng, ông đã có hơn 20 năm theo nghề này, với ông đây là nghề lắm gian nan vất vả, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, tính kiên trì, chịu khó.

Để bắt được những chú cá còm sông tươi ngon, những người làm nghề vạn chài trên sông như ông Huy thường dùng một loại lưới cỡ nhỏ mà người ta vẫn thường gọi là lưới còm, chỉ chuyên dùng để đánh bắt loại cá này. Loại lưới này hầu hết người dân sống bằng nghề chài lưới trên sông Lam đều biết đan và sử dụng. Lưới còm được kết đan bằng dây cước theo hình ô vuông rộng cỡ 1cm, phía trên gắn với phao, phía dưới kết chì, mỗi tay lưới khi chăng ra có chiều dài khoảng 50-100 mét…

Để bắt được những chú cá còm sông tươi ngon, những người làm nghề vạn chài thường dùng một loại lưới cỡ nhỏ mà người ta vẫn thường gọi là lưới còm
Để bắt được những chú cá còm sông tươi ngon, những người làm nghề vạn chài thường dùng một loại lưới cỡ nhỏ mà người ta vẫn thường gọi là lưới còm. Ảnh Thái Hiền

Để bắt được loài cá này, ông Huy chủ yếu thả lưới vào ban đêm, sáng hôm sau mới đi kéo lưới. Tính bình quân ngày ít ngày nhiều mỗi tháng gia đình ông cũng thu nhập được từ 3- 4 triệu đồng/ tháng. Cực nhọc, vất vả là vậy, nhưng đối với ông Huy, nghề này cũng đem lại nhiều niềm vui bởi không sợ lỗ, lại thoải mái, tự do, không lệ thuộc ai.

Theo ông Lê Văn Nga ở vùng thượng nguồn sông Lam xã Tam Sơn, người có hơn 30 năm hành nghề đánh bắt cá còm, thì với đặc tính sinh sản quanh năm nên loại cá này lúc nào cũng dồi dào, có thể đánh bắt ở mọi thời điểm trong năm, nhưng hiệu quả nhất, dễ đánh bắt nhất là vào những mùa nước cạn và chủ yếu là đi ban đêm.

Ngày nay do nhiều người sử dụng kích điện và các phương tiện đánh bắt mang tính tận diệt khác để khai thác, nên loại cá này bị suy giảm nghiêm trọng
Ngày nay do nhiều người sử dụng kích điện và các phương tiện đánh bắt mang tính tận diệt khác để khai thác, nên loại cá này bị suy giảm nghiêm trọng. Ảnh Thái Hiền

Theo kinh nghiệm của ông Nga, để chuẩn bị cho hành trình một buổi đi thả lưới, trước khi đi cần phải kiểm tra thật kỹ, nếu lưới bị rách phải vá lại, sắp xếp gọn gàng để khi thả lưới không bị rối. Đêm đến mang lưới đi thả cũng cần phải có ít nhất 2 người, một người chịu trách nhiệm lái thuyền, một người thả lưới. Địa điểm thả lưới chủ yếu là nơi nước đứng, cạnh bờ sông. Sông nước mênh mông nên khi thả xong lưới phải đóng cọc hai đầu để làm dấu và cố định cho lưới không bị trôi. Sau khi thả xong thì ngâm lưới đó đến khi trời gần sáng thì ra thu lưới về.

Tuy khá vất vả, nhưng nghề đánh bắt cá còm cũng cho thu nhập khá. Vào mùa cá phát triển, trung bình mỗi tay lưới như ông Nga thả qua đêm cũng thu được từ 3-4 kg cá còm, với giá bán từ 80 đến 100 ngàn đồng như hiện nay, cũng cho ông thu trên dưới 300-400 ngàn đồng.

cá được dùng để chế biến ngon nhất sẽ vẫn là cá còm kho với nghệ
Mấy ai hiểu được nỗi khổ dãi nắng, dầm mưa, thậm chí luôn phải đối mặt với nguy hiểm mà nhiều người ví như “đánh bạc” với “hà bá” của các tay lưới. Ảnh Thái Hiền

Nghề đánh bắt cá còm trên sông tưởng chừng như đơn giản, nhưng mấy ai hiểu được nỗi khổ dãi nắng, dầm mưa, thậm chí luôn phải đối mặt với nguy hiểm mà nhiều người ví như “đánh bạc” với “hà bá” của các tay lưới. Với những người theo nghề này, kiếm được những con cá còm trên dòng sông Lam không phải là chuyện dễ dàng. Khi tối trời, ăn vội miếng cơm, uống vội ngụm nước để tiếp tục công việc mưu sinh hay có những ngày mưa, họ vẫn phải dầm mưa vét lưới đánh bắt cá. Với loại cá còm này, họ phải am hiểu tập tính của chúng, thời điểm nào cá vào bờ tìm thức ăn, khi nào cá bơi ra giữa dòng, mùa nào cá phát triền nhiều. Đó là một nghệ thuật đánh bắt cá, không phải ai cũng biết.

Trung bình mỗi đêm thu được 5- 7 kg cá, thậm chí có hôm trúng đậm hàng chục kg cá. Ảnh Thái Hiền
Trung bình mỗi đêm thu được 5- 7 kg cá, thậm chí có hôm trúng đậm hàng chục kg cá. Ảnh Thái Hiền

Theo những người làm nghề đánh bắt cá còm thì trước đây loại cá này trên sông Lam rất nhiều, bất kể mùa nào chỉ cần thả một nẹp lưới để qua đêm trung bình cũng thu được 5- 7 kg cá, thậm chí có hôm trúng đậm hàng chục kg cá. Ngày nay do nhiều người sử dụng kích điện và các phương tiện đánh bắt mang tính tận diệt khác để khai thác, nên loại cá này bị suy giảm nghiêm trọng, nên cũng cho thu nhập thất thường…

cá được dùng để chế biến ngon nhất sẽ vẫn là cá còm kho với nghệ
Cá được dùng để chế biến ngon nhất vẫn là cá còm kho với nghệ. Ảnh Thái Hiền

Hiện tại ở Anh Sơn có khoảng trên dưới 50 hộ dân xóm chài sống rải rác trên sông Lam ở các xã Tam  Sơn, Đỉnh Sơn, Phúc Sơn, Long Sơn, Lạng Sơn vẫn còn theo đuổi nghề đánh bắt cá còm trên sông Lam. Là loại đặc sản nổi tiếng, khi đã chọn được những mớ cá còm tươi xanh, cá được dùng để chế biến ra thành nhiều món ngon như: cá còm nấu canh nhút, cá còm rán, cá còm kho tương…nhưng đặc biệt và ngon nhất chắc hẳn sẽ vẫn là cá còm kho với nghệ. Theo người dân Anh Sơn, món cá còm được kho với nghệ ngoài giữ được hương vị thơm ngon của cá, nghệ còn giúp khử mùi tanh, tạo màu sắc bắt mắt và làm cho món ăn thêm phần bổ dưỡng.

Nghề chim trời cá nước tuy bấp bênh, vất vả là vậy, nhưng với những người mưu sinh đánh bắt cá còm trên sông nước ở huyện Anh Sơn, động lực để họ gắn bó với nghề chính là những đồng tiền mướt mồ hôi kiếm được giúp trang trải cuộc sống hàng ngày, là cuộc sống tự do, là hòa mình với thiên nhiên, sông nước. Sau ngày lao động mệt nhoài, họ chỉ nuôi hy vọng, những mẻ lưới ngày hôm sau kéo lên sẽ mang theo nhiều tôm, cá, đó là niềm vui, là động lực để họ theo nghề.

Tin mới