Vươn lên từ chiều sâu văn hóa, lịch sử

(Baonghean) - Thị xã Thái Hòa nay sôi động, náo nhiệt, với hơi thở của một đô thị trẻ bên dòng sông Hiếu. Ở nơi được xem là trung tâm của vùng đất Phủ Quỳ trù phú, những người con trên khắp mọi miền đất nước đã về đây sinh cơ lập nghiệp trong những giai đoạn lịch sử khác nhau của thế kỷ XX. Họ đều mang trong mình một tâm thức chung đầy tự hào: Tôi là người Thái Hòa và cùng chung tay xây dựng quê hương mới.
Nghề làm báo cho tôi có cơ hội được đi và đến nhiều vùng đất khác nhau. Hẳn nhiên, mỗi nơi đều có một nét thú vị riêng có, nhưng Thái Hòa bao giờ cũng mang lại một cảm xúc rất đặc biệt bởi quá khứ, lịch sử và hiện tại luôn đan xen nhau, tạo nên sức cuốn hút kỳ lạ cho vùng đất này. Đó là di chỉ khảo cổ học Làng Vạc ở xã Nghĩa Hòa, nơi huyền thoại về nàng Y La xinh đẹp, hiếu nghĩa vẫn còn sống mãi trong truyền thuyết giải nghĩa cho định danh: Làng Vạc. Không ai có thể định lượng được có bao nhiều phần trăm sự thật trong truyền thuyết mà bao thế hệ người Nghĩa Hòa vẫn tự hào lưu truyền lại cho nhau. Nhưng, quá khứ về một vùng đất cổ của người Việt trên mảnh đất Nghĩa Hòa hôm nay là điều không thể phủ nhận. Vào thế kỷ XX, trong nhiều lần khai quật ở làng Vạc được hình thành từ xóm Đình và xóm Làng, các nhà khảo cổ học đã khai quật và phát hiện được hơn 1.000 hiện vật bằng đồng như: trống đồng, các vòng tay, dao găm… và 347 ngôi mộ táng của cư dân Đông Sơn làng Vạc.
Với đặc trưng là di tích cư trú - mộ táng, tư liệu của nó giúp chúng ta tìm hiểu cuộc sống của cư dân Việt cổ thời kỳ văn hóa Sơn Vi, Đông Sơn. Tại làng Vạc, Thị xã Thái Hòa đã xây dựng đền thờ, nhà triển lãm các hiện vật khảo cổ và tổ chức Lễ hội Làng Vạc hàng năm vào các ngày mồng 7, 8, 9 tháng 2 âm lịch, thu hút người dân và du khách thập phương về tham dự. Mang trong mình niềm tự hào về mảnh đất quê hương, người dân xã Nghĩa Hòa đang ra sức phấn đấu xây dựng xã nhà ngày càng giàu đẹp, hòa nhịp vào bước phát triển không ngừng của đô thị Thái Hòa. Ông Hoàng Nghĩa Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa chia sẻ: “Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Nghĩa Hòa đã đạt được 15/19 tiêu chí và đang phấn đấu để về đích trong năm 2015 này”.
Rước vạc về đền trong Lễ hội làng Vạc.
Rước vạc về đền trong Lễ hội làng Vạc. Ảnh: PV
Không chỉ có Lễ hội Làng Vạc, Thái Hòa còn lưu giữ một địa chỉ đỏ - đó là di tích Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu vào ngày 10/12/1961 thuộc xã Đông Hiếu. Hiện nay, tại Nhà truyền thống của Nông trường Đông Hiếu vẫn còn lưu giữ đầy đủ, nguyên vẹn những kỷ vật trong chuyến thăm của Người. Đó là chiếc micro; chiếc bát, đôi đũa Người dùng bữa trưa; chiếc giường Người nằm nghỉ trưa… và vô số hình ảnh phản ánh sinh động chuyến thăm của Bác cách đây hơn nửa thế kỷ. Hiện nay, Thị xã Thái Hòa đã đưa vào sử dụng Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại xã Đông Hiếu.
Các thế hệ lãnh đạo và người dân Thị xã Thái Hòa luôn hết sức trân trong, giữ gìn và đang phấn đấu từng ngày để những giá trị lịch sử mà không phải miền đất nào cũng có được lan tỏa rộng rãi với người dân ở khắp mọi miền gần xa. Từ năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết về xây dựng Khu bảo tồn di chỉ khảo cổ học gắn với du lịch sinh thái để xây dựng làng Vạc trở thành điểm đến, một địa chỉ du lịch tâm linh về với cội nguồn và quy hoạch chi tiết xây dựng Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Đô thị Thị xã Thái Hòa cho biết: Ngày 11/12/2014, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình bảo tồn Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc gắn với du lịch và Quyết định đầu tư tại Khu di tích lịch sử Bác Hồ về thăm xã Đông Hiếu. Qua đó, mở ra cơ hội, nền tảng để Thái Hòa mở rộng không gian đô thị theo một tam giác phát triển. Trong đó, các phường Hòa Hiếu và Long Sơn tập trung phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, kết nối khai thác tiềm năng du lịch tại Khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc ở xã Nghĩa Hòa và Di tích Bác Hồ về thăm Đông Hiếu. Đồng thời, phát triển trung tâm khám chữa bệnh, đào tạo nguồn nhân lực ở khu vực phía Tây Thị xã thuộc phường Quang Tiến và xã Tây Hiếu. Tất cả sẽ tạo nên một diện mạo mới, phù hợp với vị trí là đô thị trung tâm của vùng Phủ Quỳ, phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch.
Thi xít đu trong lễ hội.
Thi xít đu trong lễ hội. Ảnh: P.V
Để hiện thực hóa định hướng trên, trong những năm qua, Thị xã Thái Hòa đã tập trung đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, đặc biệt là các trục đường giao thông mới, kết nối các khu vực, tạo huyết mạch cho sự phát triển. Giờ đây lên với Thái Hòa, nhiều người hẳn sẽ rất ngỡ ngàng khi được hòa mình vào những con phố sôi động, náo nhiệt buôn bán đầy đủ các thứ hàng hóa, dịch vụ ở phường Hòa Hiếu hay một không gian hoài cổ, lãng mạn khi tản bộ dưới hàng me trăm tuổi vẫn xanh tươi màu lá ở phường Quang Tiến… Xa hơn một chút, trong vòng bán kính độ 10 km trở lại tính từ trung tâm Thị xã, chúng ta được hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên trù phú, không gian yên ả của những xã thuần nông như Nghĩa Mỹ, Nghĩa Thuận, Nghĩa Tiến… đang vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tất cả tổng hòa nên một bức tranh rộn rã, đầy sắc màu cuộc sống, thổi bừng dự cảm tốt đẹp vào những bước phát triển lớn lao hơn nữa trong tương lai không xa của thị xã.
Đồng chí Lê Phúc Ân, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã Thái Hòa khẳng định: “Dựa trên định hướng phát triển và tiếp nối kết quả đạt được, trong năm tới và các năm tiếp theo, Thái Hòa tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành; đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư; phát huy tốt nội lực nhân dân để xây dựng thị xã ngày càng phát triển, quyết tâm trở thành một trong những đơn vị khá của tỉnh Nghệ An vào năm 2020”.
Nhật Lệ

Tin mới