Về việc lấy lại văn hóa biển báo đường bộ

(Baonghean) - Tôi nhớ không rõ, cách đây khoảng 15 năm, người ta thay biển báo đường bộ (BBĐB), loại có tên thị trấn, thị tứ có chỗ thay cả tên thành phố, thị xã bằng hình ảnh nhà tầng có gạch chéo màu đỏ để báo hiệu hết thành phố, đô thị… Và hình nhà cao tầng màu xanh không có gạch chéo đỏ để chỉ sắp đến một đô thị…

Điều chúng tôi muốn bàn trước hết là gạch chéo đỏ là mang ý cần xóa bỏ đi một sự vật nào đó, không cho nó tồn tại hay còn là tín hiệu để cấm một việc nguy hiểm không nên làm. Thứ hai, việc dùng hình vẽ nhà tầng màu xanh để chỉ sắp đến đô thị không phù hợp thực tế. Bởi lẽ, hiện nay có nhiều vùng nông thôn, tỷ lệ nhà tầng bình quân đầu người cao hơn đô thị rất nhiều.

Cụ thể như 2 xã Cương Gián và Xuân Hội ở huyện Nghi Xuân – tỉnh Hà Tĩnh, tính bình quân đầu người cao hơn Thành phố Vinh. Huyện Nghi Xuân sát ngay cạnh TP. Vinh. Khi đi từ TP. Vinh đến Nghi Xuân, chúng ta gặp BBĐB vẽ nhà tầng có gạch chéo đỏ, chứng tỏ là sang Nghi Xuân không còn nhà tầng nữa? Đây là điều không hợp lý và không hợp thực tế, đi đến không hợp lòng dân, nhiều người bức xúc. Thứ ba là những bất cập của BBĐB có gạch chéo đỏ, ví dụ, khi người tham gia giao thông, nhất là người đi lần đầu bằng phương tiện xe khách, khi muốn đến có việc ở xã, huyện, thị, thành phố nào đó, khi xe đã chạy qua địa điểm mình định xuống thì phải đi ngược lại, thường là phải đi bộ rất vất vả, nhất là người mang theo hành lý nặng nề, cồng kềnh. Hay khi xe khách chạy quá địa điểm của một tốp khách định xuống thì xe phải dừng lại giữa đường để hành khách và hành lý của khách xuống xe gây ách tắc, cản trở giao thông, nhất là khi người và hành lý nhiều. Nếu quay xe trở lại thì cản trở giao thông vì trên đoạn đường đó sẽ có thêm 2 chuyến xe ngược và xuôi cũng gây ách tắc giao thông. Đồng thời  với các bất cập trên là sự lãng phí thời gian. Bản thân người viết thì đã nhiều lần đi theo đoàn có nhiều xe cùng đi, vì không có BBĐB ghi địa danh nên cả đoàn xe (có khi 3 – 4 chiếc) phải quay trở lại, còn ít thời  gian làm việc, có khi quá giờ sinh ra lỡ việc. Vừa qua, vào ngày 29/9/2012, chúng tôi đi từ Tam Kỳ - Núi Thành – Quảng Nam về Vinh có hẹn với một người bạn thân lâu ngày chưa gặp nhau. Người đó đã chuẩn bị bữa tiệc chiêu đãi đoàn hẹn qua điện thoại, nhưng vì không gặp BBĐB ghi địa danh nào nên xe đã chạy quá gần 40 km. Việc quay lại không tiện nên đành lỡ hẹn, rất buồn phiền cho cả đôi bên.

Như vậy, việc lấy lại văn hóa BBĐB là cần thiết. Nghĩa là thay cho biển báo hình đô thị gạch chéo có thể làm biển báo lớn ghi tên địa danh. Giả sử khi người đi từ TP. Vinh vào Hà Tĩnh, khi thấy BBĐB ghi chữ Nghi Xuân thì người ta biết ngay là đã đi qua địa phận TP. Vinh. Cũng vậy, nếu đi từ Nghi Xuân ra Nghệ An, khi thấy BBĐB đề chữ TP. Vinh thì người đi đường sẽ biết là đã hết địa phận Nghi Xuân để đi vào TP. Vinh với nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử… Như vậy BBĐB có đề địa danh hai phía chính là một bảo tàng địa lý, lịch sử ngoài trời.

Hiện nay nhiều người dân thiết tha muốn ngành chức năng (như Bộ GT-VT) nếu có thể thì thành lập Ban Dự án BBĐB có ghi địa danh 2 phía trên tất cả các tuyến đường từ Trung ương đến địa phương thì vừa lấy lại được một nét văn hóa BBĐB, vừa hạn chế được nhiều bất cập như đã nêu.

PTS. Hồ Bá Quỳnh (35, Hồ Hán Thượng, TP. Vinh)

Tin mới