Bảo Nam (Kỳ Sơn): Dân ôm nợ vì bị lừa XKLĐ

(Baonghean) - Vừa rồi, tại cuộc họp tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại xã Bảo Nam (Kỳ Sơn), bà con nhân dân kiến nghị làm rõ vấn đề lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ) diễn ra trên địa bàn thời gian qua. Cụ thể là với 3 trường hợp: Chích Văn Ót, Chích Văn Tiến và Ốc Văn May ở bản Huồi Hốc. Để tìm hiểu và góp phần làm rõ vấn đề, chúng tôi đã có chuyến đi vào Huồi Hốc gặp gỡ những gia đình có người thân đã làm thủ tục đăng ký đi xuất khẩu lao động nhưng hiện vẫn ở nhà, trong khi số tiền nợ ngân hàng không ngừng tăng.

Con đường từ trung tâm xã Bảo Nam đến Huồi Hốc chỉ chừng 10 km nhưng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ đi xe máy mới vào đến nơi bởi đường đi vô số đèo dốc cheo leo và vực sâu thăm thẳm. Đây là nơi cư trú của 79 hộ dân tộc Khơ mú, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo vẫn ở mức trên 70%. Chúng tôi đã gặp các ông: Chích Phò Hương (bố của Chích Văn Ót), Chích Phò Xúc (bố của Chích Văn Tiến) và Ốc Văn Thân (bố của Ốc Văn May). 

Ông Chích Phò Hương, Chích Phò Xúc và Ốc Văn Thân trình bày sự việc.
Ông Chích Phò Hương, Chích Phò Xúc và Ốc Văn Thân trình bày sự việc.
Với dáng vẻ lo âu, mệt mỏi, những người đàn ông Khơ mú trình bày lại sự việc như sau: Năm 2008, thông qua ông Nguyễn Văn Chất (Địa chỉ: Khối 3, Thị trấn Mường Xén - Kỳ Sơn), các ông đã làm thủ tục cho con đi xuất khẩu lao động. Toàn bộ thủ tục, giấy tờ (vay vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Kỳ Sơn và hợp đồng với công ty XKLĐ) họ đều để ông Chất đứng ra làm, họ chỉ việc ký tên vào. Thậm chí, họ cũng không hề biết con mình sẽ đi XKLĐ ở nước nào. Số tiền gia đình ông Chích Phò Hương, Chích Phò Xúc và Ốc Văn Thân vay để làm các thủ tục cần thiết cho con đi XKLĐ là 27.000.000 đồng/người. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, tính đến nay đã gần 6 năm Chích Văn Ót, Chích Văn Tiến và Ốc Văn May vẫn chưa được đi XKLĐ, trong khi đó, số tiền cả gốc lẫn lãi phải trả ngân hàng đã lên đến hơn 34 triệu đồng. Cả 3 gia đình này đều thuộc diện hộ nghèo, nguồn thu nhập chính dựa vào nương rẫy, mỗi năm thiếu ăn từ 3-5 tháng nên không có khả năng để trả nợ ngân hàng. Các hộ này cho rằng họ đã bị ông Nguyễn Văn Chất lừa đảo và nhờ các cấp, các ngành có liên quan giải quyết.  
Ngược ra Thị trấn Mường Xén, làm việc với bà Vi Thị Khuyên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Kỳ Sơn, được biết gia đình ông Chích Phò Hương, Chích Phò Xúc và Ốc Văn Thân làm thủ tục vay vốn và ký hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Cung ứng lao động quốc tế Latuco cho con đi xuất khẩu lao động tại Đu-bai (1 trong 7 tiểu vương quốc của Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất). Trả lời câu hỏi “Liệu ông Nguyễn Văn Chất đứng ra làm thủ tục vay vốn cho gia đình ông Chích Phò Hương, Chích Phò Xúc và Ốc Văn Thân có hợp lệ hay không?”, bà Vi Thị Khuyên khẳng định: “Trong trường hợp này, Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Kỳ Sơn đã cho vay đúng đối tượng và đúng quy trình. Vì 3 gia đình này đều thuộc diện hộ nghèo, có hợp đồng XKLĐ và có cam kết”. Chúng tôi yêu cầu được xem hồ sơ vay vốn của 3 gia đình ở bản Huồi Hốc, qua kiểm tra, cho thấy có bản ký kết hợp đồng XKLĐ giữa Chích Văn Ót, Chích Văn Tiến và Ốc Văn May với Công ty TNHH Một thành viên Cung ứng lao động quốc tế Latuco và bản cam kết của ông Chích Phò Hương, Chích Phò Xúc và Ốc Văn Thân. Thời hạn đi XKLĐ là 24 tháng, địa điểm đi XKLĐ ở Đu-bai. Công ty TNHH Một thành viên Cung ứng lao động quốc tế Latuco thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có địa chỉ tại 23/167 phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa (Hà Nội). 
Qua bà Vi Thị Khuyên, được biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có quyết định giải thể Công ty TNHH Một thành viên Cung ứng lao động quốc tế Latuco từ ngày 15/3/2010, thời điểm chấm dứt hoạt động là 31/3/2010; lý do giải thể là theo kế hoạch sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 
Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, bản hợp đồng XKLĐ đã ký được gần 6 năm, và Công ty TNHH Một thành viên Cung ứng lao động quốc tế Latuco đã có quyết định giải thể hơn 4 năm. Vậy nhưng đến nay, con trai của ông Chích Phò Hương, Chích Phò Xúc và Ốc Văn Thân vẫn còn ở nhà, và số tiền nợ cả gốc lẫn lãi hiện nay đã ở mức trên dưới 34 triệu đồng (số liệu của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Kỳ Sơn). 
Trước sự việc này, các cấp, các ngành liên quan cần phối hợp để sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm tình trạng trên, nhằm hạn chế dư luận không tốt trong đời sống nhân dân. Đặc biệt, không làm ảnh hưởng đến chủ trương XKLĐ, một giải pháp quan trọng trong chính sách xóa đói giảm nghèo của Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Tường Anh

Tin mới