Đảm bảo an toàn cho các bến đò ngang

(Baonghean) - Trong những năm qua tỉnh ta đã xây dựng hàng chục chiếc cầu qua sông thay thế đò ngang chở khách. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 20 bến đò ngang. Điều đáng quan tâm trong mùa mưa bão là công tác đảm bảo an toàn tại các bến đò này.

Chúng tôi trở lại bến đò Phuống ở xã Thanh Yên nối Thanh Giang (Thanh Chương) vào một ngày đầu tháng 8. Đây là một trong những bến đò luôn có đông khách sang sông. Qua quan sát thấy hầu hết khách đi đò thản nhiên không mặc áo phao. Chị Nguyễn Thị Hương, người dân xã Thanh Yên chia sẻ: "Trước đây tôi thường xuyên đi qua đò Phuống, trên thuyền có trang bị áo phao đầy đủ, người lái thuyền cũng nhắc nhở khách mặc áo phao nhưng hành khách thấy bất tiện nên không mặc. Mỗi chuyến sang sông chỉ khoảng 3 - 5 phút nên tâm lý chung vẫn chủ quan".
Rất nhiều khách đi đò ngang không mặc áo phao (chụp tại đò Phuống -  Thanh Chương vào hồi 15h00 ngày 29/7/2015).
Rất nhiều khách đi đò ngang không mặc áo phao (chụp tại đò Phuống - Thanh Chương vào hồi 15h00 ngày 29/7/2015).
Ông Nguyễn Kim Minh, Tổ trưởng tổ đò xã Thanh Yên cho biết: "Những ngày cao điểm, tại đây có trên 70 lượt khách sang sông, còn ngày ít thì 20 - 30 khách đi đò. Bến phục vụ 24/24 giờ, ban đêm nếu có khách qua sông, chúng tôi vẫn sẵn sàng phục vụ. Vào mùa tựu trường, khách qua sông nhiều hơn vì nhiều giáo viên ở các xã Thanh Lương, Thanh Yên, Thanh Khai sang dạy học bên xã Thanh Giang, Thanh Lâm, Thanh Xuân... Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở khách mặc áo phao khi đi đò nhưng đa số hành khách ngại mặc vì trời nắng nóng bất tiện, còn mùa mưa lũ nước sông dâng cao thì bắt buộc hành khách phải mặc áo phao đầy đủ".
Mặc dù bến đò chở khách cả lúc trời tối nhưng hai bên bờ bến không có hệ thống đèn báo sáng, điều băn khoăn nhất là bờ bến neo đậu đã bị sạt lở nghiêm trọng, khách lên xuống rất vất vả, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Năm 2013, bến được đầu tư xây dựng khu vực nhà chờ có bậc lên xuống phục vụ hành khách, song do mưa lũ đã làm phần nền bị sạt lở, đất cát trôi xuống dòng sông ăn sâu vào chân bậc lên xuống khiến chủ đò phải múc cát tạo điểm cập bến mới cách bến cũ khoảng 10m. Nhưng chỉ một vài tháng nữa khi mùa nước lũ đến, nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nguy cơ mất an toàn cho khách sang sông là rất cao, nhất là thời điểm giáo viên và các em học sinh tựu trường. Người dân các xã ven sông nơi đây mong muốn có một bến đò an toàn để đi lại thuận tiện hơn cũng như đảm bảo an toàn cho người và phương tiện mỗi khi qua sông.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Hồng Long, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên cho biết: Bến đò Phuống là bến đò tự quản thuộc hai xã Thanh Yên và Thanh Giang, mấy năm nay được sự quan tâm của tỉnh, huyện về bến đò an toàn, tổ đò được quán triệt, kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên. Về phía địa phương, hàng năm đều kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt, mời tổ đò họp và quán triệt bến đò an toàn, yêu cầu nhà đò khi lái đò phải có đầy đủ các trang thiết bị phao cứu sinh, áo phao, bình chữa cháy... Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát tại bến đò và nhắc nhở phải đảm bảo các yêu cầu, quy định của pháp luật, người lái phương tiện phải được đào tạo  và có chứng chỉ chuyên môn. Hàng năm đều cấp bổ sung thêm áo phao và phao cứu sinh cho các phương tiện hoạt động tại bến đò Phuống nhằm đảm bảo an toàn cho khách đi đò.
Toàn huyện Thanh Chương có 5 bến đò ngang với 8 phương tiện vận tải khách ngang sông, trong đó bến Phuống 2 phương tiện, bến Nguộc 2 phương tiện, bến Quánh 2 phương tiện, bến Đồng Du 1 phương tiện, bến Rạng 1 phương tiện; bến Cung và bến Già quản lý chung với UBND huyện Đô Lương. Tất cả các bến đò ngang đều đã được cấp phép mở bến. 100% người điều khiển phương tiện đều có chứng chỉ chuyên môn.
Tại huyện Anh Sơn có 7 bến đò chở khách ngang sông, trong đó 2 bến xóm 8 và Cây Mít (xã Bình Sơn) gần như không hoạt động do cầu treo Cây Mít  cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân đi lại an toàn; bến đò Xóm 16 (xã Bình Sơn) hoạt động mang tính thời vụ (phục vụ một số hộ dân đi sản xuất, hoạt động chủ yếu vào mùa sản xuất màu); bến Lạng - Lĩnh (xã Lạng Sơn) đang tạm dừng hoạt động do bến này chủ yếu phục vụ học sinh, hiện đang dịp nghỉ hè. Các bến chở khách ngang sông đã được cấp phép mở bến theo quy định. Tuy nhiên, một số trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất tại các bến đã xuống cấp, hư hỏng cần phải duy tu bảo dưỡng để đảm bảo an toàn cho khách sang sông.
Qua tìm hiểu được biết, phục vụ tại các bến đò ngang có 7 phương tiện, trong đó 2 phương tiện (tại bến xóm 8, bến Làng Ròng xã Bình Sơn) là phương tiện chèo tay không phải đăng kiểm. Tất cả 7 phương tiện này đã được đăng ký hành chính theo quy định. 100% người điều khiển phương tiện chở khách ngang sông đang hoạt động trên địa bàn huyện Anh Sơn đều đã được đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên môn. 
Tương tự, địa bàn huyện Đô Lương hiện có 2 bến đò chở khách ngang sông, các bến này đều đã được cấp phép mở bến theo quy định. Phục vụ tại các bến đò ngang có 4 phương tiện (huyện Đô Lương quản lý 2, huyện Thanh Chương quản lý 2); 2 phương tiện này đều đã được đăng ký hành chính theo quy định. Tất cả người điều khiển phương tiện chở khách ngang sông đang hoạt động trên địa bàn huyện đều đã được đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên môn.
Nghệ An có 13 con sông lớn nhỏ, tổng chiều dài trên 1.000 km, trong đó sông do Trung ương ủy thác quản lý 120,2 km, sông do tỉnh quản lý 129,1 km, sông do cấp huyện quản lý 751 km. Sông chính là sông Lam, bắt nguồn từ Lào chảy dọc từ Tây sang Đông (huyện Kỳ Sơn về Cửa Hội, Cửa Lò) và đổ ra biển. Do độ dốc của sông chính và các con sông lớn và bị chia cắt bởi nhiều nhà máy thủy điện làm cho nước chảy rất mạnh về mùa mưa lũ tạo nhiều dòng xoáy nguy hiểm. Hoạt động chở khách ngang, dọc sông chủ yếu nằm ở hai bên tuyến sông Lam, nước vừa sâu lại vừa rộng và xa trung tâm huyện lỵ, lượng hành khách, học sinh hàng ngày qua lại ở một số bến đò trên địa bàn rất lớn. Vì vậy, yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về bảm đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy cần được chú trọng.
Theo ông Võ Minh Đức, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh, để đảm bảo ATGT tại các bến đò mùa mưa bão năm nay,  cần rà soát tất cả các bến đò có mật độ giao thông cao. Chi cục đăng kiểm 3 phối hợp với UBND các huyện có bến đò tổng rà soát phương tiện vận tải qua sông, tất cả các phương tiện phải đảm bảo an toàn và được chứng nhận đăng kiểm kỹ thuật đảm bảo an toàn. Tỉnh chỉ đạo các địa phương có bến đò hoạt động; ngăn chặn, cảnh giới phương tiện chở quá số lượng người, khách đi đò phải mặc áo phao, đình chỉ hoạt động đối với người điều khiển không có chứng chỉ điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện không đảm bảo vào lưu hành và chở quá số người quy định; chỉ đạo các trường quán triệt quản lý học sinh tham gia giao thông bằng đường thủy nội địa. Những năm trước, Ban ATGT tỉnh đã trang bị cặp phao cứu sinh cho học sinh mang đi thuyền nhưng do cặp phao giá cao 300.000 đồng/chiếc, trong khi nguồn kinh phí hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng thời huy động mọi nguồn lực từ Trung ương và địa phương để thay thế dần cầu treo qua sông, ưu tiên cho các bến đò có đông  người qua lại.
Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng hoàn thành 15 cầu treo thay thế bến đò tại địa bàn các huyện Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Anh Sơn, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Quỳ Châu, thêm  3 cầu bê tông ở huyện Diễn Châu, Tân Kỳ, Anh Sơn. Nguồn vốn chủ yếu từ nguồn ngân sách tỉnh huy động các nguồn khác. Hiện tại có 5 cầu treo đang chuẩn bị khởi công và 2 cầu bê tông đang thi công. Tuy vậy, công tác quản lý bến thủy nội địa (cấp Giấy phép mở bến, gia hạn Giấy phép mở bến), quản lý phương tiện, quản lý người điều khiển phương tiện của UBND các huyện, thành, thị chưa được quan tâm đúng mức. Trong thời gian tới các địa phương cần sớm chấn chỉnh những tồn tại trên để hoạt động tại các bến đò được đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ./.
Quỳnh Lan

Tin mới