Đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm

(Baonghean) - Thời gian qua, cùng với nâng cao chất lượng dạy nghề, nhiều trường nghề trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ. Nhờ vậy số học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đạt tỷ lệ khá cao.

Nghệ An là một trong những tỉnh được Trung ương hỗ trợ khá lớn nguồn lực chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề. Các trường trung cấp nghề khu vực và cấp huyện đã được phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư tăng cường cơ sở vật chất với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ tranh thủ tốt quan hệ quốc tế, Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tiếp tục được tiếp nhận hỗ trợ giai đoạn 3 từ Chính phủ Hàn Quốc với nguồn kinh phí viện trợ 6 triệu USD vào cuối năm 2014; Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt - Đức tiếp tục tiếp nhận dự án đầu tư của Cộng hòa liên bang Đức, với nguồn kinh phí 350.000 euro. Nghệ An cũng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt lựa chọn 13 trường với 42 nghề để đầu tư trọng điểm. 
Những nguồn lực đó đã giúp các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, mở rộng quy mô đào tạo. Số lao động được học nghề tăng lên đáng kể, đặc biệt là các nghề trình độ kỹ thuật từ trung cấp trở lên. Nếu như giai đoạn 2006 - 2010, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh tuyển sinh hơn 330 nghìn người (trung bình hơn 66.000 người/năm) thì giai đoạn 2011 - 2014, toàn tỉnh tuyển sinh được 326.417 người. Trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã tuyển sinh được 36.500 lượt người (đạt 46,2% kế hoạch). Việc đẩy mạnh đào tạo nghề đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên 46,75%.
Các doanh nghiệp tư vấn việc làm và ký kết tuyển dụng học sinh  Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc.
Các doanh nghiệp tư vấn việc làm và ký kết tuyển dụng học sinh Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc.
Thực tế cho thấy, hệ thống trường nghề là bậc học quan trọng, không chỉ cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội mà góp phần giúp thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THPT hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ hội tìm kiếm việc làm đối với học sinh tốt nghiệp các trường nghề cũng cao hơn. Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ học sinh Nghệ An tốt nghiệp trường nghề tìm được việc làm hàng năm là từ 85 - 87%. 
Là một trong những trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn đầu tư trọng điểm, Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam -  Hàn Quốc hiện đào tạo 11 nghề khác nhau, trong đó  có các nghề đang được đầu tư đạt chuẩn cấp độ ASEAN và quốc tế như: Điện tử công nghiệp, Cơ khí chế tạo, Công nghệ hàn, Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí... Năm nào trường cũng có số lượng hồ sơ dự tuyển cao gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh. Nhiều năm qua, nhà trường có mối liên hệ khăng khít với doanh nghiệp, ký kết đào tạo với nhiều công ty như Fomosa Hà Tĩnh, Samsung Bắc Ninh, Posco Vũng Tàu, Huyndai Quy Nhơn, Canon Thăng Long, Hồng Hải Bắc Ninh… hay các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Nghệ An như Haivina Kim Liên, Prex Vinh, Emtech Vinh, BSE Nam Cấm... Trong số hơn 8.200 học sinh đã tốt nghiệp, 90% học sinh có việc làm, trong đó có hơn 2.500 học sinh làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia... 
Một điểm sáng trong việc phát triển đào tạo nghề là sự vươn lên của các Trung tâm dạy nghề trực thuộc UBND các huyện. Tiêu biểu như Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật huyện Nghi Lộc. Hiện nay, trường đang tổ chức đào tạo cho hơn 620 học viên trình độ trung cấp và hơn 320 trình độ sơ cấp. Thầy Phạm Xuân Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm 2012, nhà trường đã liên hệ với các công ty, doanh nghiệp trong nước như Lilama 18, Lilama 451, Lilama 692, các nhà máy cơ khí, may công nghiệp ở các tinh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương... để đưa học sinh nhà trường đến thực tập, đồng thời giải quyết việc làm sau đào tạo. Nhờ đó, những năm vừa qua, số học sinh của trường tốt nghiệp tìm được việc làm đạt gần 100% Đặc biệt, năm 2014 có 111 em tốt nghiệp thì tất cả đều được các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc với mức lương trung bình từ 7-8 triệu đồng. Ngoài ra, các trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật Yên Thành, Trung tâm dạy nghề huyện Thanh Chương… cũng đã thực hiện hiệu quả việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp. 
Theo ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 63 cơ sở đào tạo nghề. Trong những năm qua, ngành đã quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Các cơ sở cũng chủ động vươn lên, đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ, nhờ vậy số học sinh, sinh viên ra trường có việc làm chiếm tỷ lệ rất cao. Có thể kể đến như Trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An, Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng... “Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự năng động, sáng tạo của các cơ sở đào tạo nghề, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm sẽ có những chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bằng Toàn khẳng định.
Minh Quân

Tin mới