Ngân sách eo hẹp: Tăng lương ngay hay chờ đến bao giờ?

Ủy ban Tài chính ngân sách vẫn chưa thống nhất quan điểm trước đề nghị hoãn tăng lương đến tháng 3/2016 như Chính phủ trình, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng lùi thời gian là hợp lý.

Liên quan đến vấn việc Chính phủ vừa có đề nghị bổ sung về việc lùi thời hạn trình Quốc hội phương án tăng lương  đến tháng 3/2016, trao đổi với báo giới bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng nay 3/11, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, đại diện cho cơ quan thẩm tra đề nghị trên, cho biết: Hiện trong Ủy ban có 2 luồng ý kiến khác nhau về tăng lương, với tỷ lệ ý kiến ngang ngửa.
Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng chúng ta chưa thể có điều kiện để tăng lương một cách căn cơ được. Theo đó, chỉ đảm bảo được chế độ cho những người có mức lương dưới 2,34 và những người được hưởng lương hưu được tăng khoảng 8% (theo Nghị quyết trước đây của Quốc hội) thì những trường hợp đó sẽ tiếp tục được duy trì.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Phương án để đến 2016 tăng lương là hợp lý - Ảnh: Ngọc Thắng
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Phương án để đến 2016 tăng lương là hợp lý - Ảnh: Ngọc Thắng.

Lần này Chính phủ có bổ sung thêm (việc tăng lương) cho những người có lương hưu trước 1995 mà thu nhập dưới 2 triệu đồng và giáo viên mầm non để đạt mức lương cơ bản. Còn đối tượng từ 2,34 trở lên thì việc tăng lương là khó khăn vì muốn chi cho lương thì phải tính nguồn ở đâu. Trước nay, tinh thần Quốc hội vẫn nói là khi anh đưa ra chính sách mới, anh phải chỉ ra được nguồn đó ở đâu. Đó là nguyên tắc.

* Theo ông việc tăng lương trong năm 2015 có khả thi, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay?

Ông Phùng Quốc Hiển: Theo tính toán thì nguồn thu của chúng ta là khó khăn. Giá dầu những năm trước đây dự toán là 100 USD/thùng nhưng giờ giá dầu xuống chỉ còn 45 - 47 USD/thùng và khả năng năm nay bình quân chỉ 50 USD/thùng, tức là hụt thu 50 USD/thùng. Báo cáo của Chính phủ cho thấy hụt thu từ dầu vào khoảng 61.000 tỷ đồng, chủ yếu rơi vào ngân sách Trung ương và ngân sách Trung ương phải tăng để bù đắp nhưng vẫn hụt thu 31.000 tỷ đồng.

Chính phủ có thể hiện quyết tâm sẽ hoàn thành nhưng có thể nói, nguồn thu từ dầu là khó khăn, chúng ta không có điều kiện để tăng thu từ nguồn này nữa.

Về thu nội địa thì 2016 là năm tất cả các chính sách về thuế vào điểm thực hiện theo pháp luật. Ví dụ như thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm xuống còn 25% và tiến tới còn 20%. Thuế thu nhập cá nhân thì nâng lên vì khi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì phải tăng thuế thu nhập cá nhân. Nhưng nói đến tăng thu khó khăn lắm. Nói giảm thu thì ai cũng phấn khởi nhưng đến lúc giải quyết rất khó khăn.

Ngân sách huy động GDP của chúng ta ngày càng thấp đi. Giai đoạn trước huy động GDP vào ngân sách là 24,8%, nay chỉ còn 21%. Ngay 2015 huy động GDP vào ngân sách chỉ còn 19,6%. Như thế có thể thấy rõ là thu rất khó khăn rồi. Việc này cũng mừng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân trong lúc khó khăn, nhưng cũng có áp lực thu ngân sách giảm.

* Trong báo cáo bổ sung, Chính phủ có khẳng định sẽ tăng lương không?

Chính phủ cho biết sẽ làm chặt từ giờ đến cuối năm, khai thác các nguồn thu, chống thất thu, chống nợ đọng để bù đắp nguồn. Nhưng đó là trong năm nay thôi, còn chuyện tiền lương là quá trình dài phải tính toán. Không nhẽ năm nay tăng năm sau lại thôi. Cân đối thu - chi là quá trình trung hạn. Đó là điểm thấy rằng thu của ta là khó.

Quan điểm của Chính phủ là muốn xem xét sang đầu năm 2016, tình hình giá dầu như thế nào, khả năng thu ngân sách ra sao, từ đó sẽ trình Quốc hội toàn bộ lộ trình cải cách tiền lương vào kỳ họp 11, tức vào tháng 3/2016. Đó là một đề xuất tương đối chắc chắn. 50% ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng ý quan điểm này của Chính phủ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần đưa vào thực hiện ngay (việc tăng lương). Có thể thời điểm tăng khác nhau là 1/5/2016 hoặc 1/7/2016, nhưng theo hướng đó thì chúng ta cần khoảng 10.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể việc điều chỉnh chuẩn nghèo (người ở nông thôn có thu nhập 700 nghìn đồng, người thành thị 900 nghìn đồng là nghèo) cần chi phí hỗ trợ. Cái đó chúng ta cũng chưa cân đối được, cộng thêm vấn đề tiền lương nữa.

Nhưng quan điểm này cho rằng bây giờ cứ giao trên cơ sở mặt bằng ngân sách đã giao cho địa phương, bộ ngành thì các bộ ngành, địa phương phải tiết kiệm xăng xe, hội nghị... để bố trí phần tăng lương này. Tuy nhiên, phương án này cũng mang tính chất ngắn hạn chứ không dài hạn. Phương án nào cũng có mặt này, mặt kia nhưng phương án để đến 2016 tôi cho rằng hợp lý.

* Hôm qua Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên có phát biểu là cán bộ công chức có 4 triệu ăn lương mà cứ đòi tăng lương còn bà con khó khăn thế thì thế nào… Cũng là người ăn lương nhà nước, quan điểm của ông như thế nào về việc này?

Câu chuyện lương, thu nhập luôn là vấn đề của cuộc sống, của xã hội. Ai cũng đều mong muốn có thu nhập cao hơn nhưng trong điều kiện ngân sách khó khăn thì tất cả các chi tiêu liên quan đến tiền lương và an sinh xã hội phải hết sức thận trọng. Phải hoàn toàn tính đến yếu tố cân đối ngân sách. Nếu chưa cân đối ngân sách được được thì đừng có nghĩ đến chuyện đó.

Chúng ta đã có nhiều bài học của các nước rồi. Hy Lạp cũng thế thôi. Trong khi thu nhập như thế, thuế như thế nhưng lại đưa ra những chính sách về phúc lợi xã hội quá mức, dẫn tới đổ vỡ nợ công.  Mất ổn định xã hội khi chúng ta không thực hiện được một chính sách dài hơi thì việc giải quyết còn khó khăn hơn nhiều.

Theo Tiền phong Oline

TIN LIÊN QUAN

Tin mới