Cơn sốt hip-hop quay lại thành Vinh

(Baonghean.vn) – "Hip-hop không vô bổ, vớ vẩn mà là nghệ thuật, là trào lưu văn hóa. Hip-hop vui, khỏe và cá tính".

Vũ điệu đường phố

Tầm 16 – 18h chiều mỗi ngày, ở các địa điểm công cộng như Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà văn hóa Lao động, công viên Nguyễn Tất Thành …, dễ dàng bắt gặp các nhóm nhảy hip-hop tập luyện rộn ràng. Dụng cụ tập luyện đơn giản chỉ là một cặp loa bluetooth nối với điện thoại phát những giai điệu sôi động, thế là đã đủ cho buổi tập và trình diễn kéo dài mãi đến khi tối trời.

Tập luyện và trình diễn ở không gian ngoài trời rộng lớn nên âm nhạc hip-hop dường như không gây quá nhiều ồn ào và phiền toái đến sinh hoạt chung của mọi người. Thậm chí, khu vực tập luyện của các nhóm nhảy còn thu hút khá nhiều người hiếu kỳ vây quanh theo dõi. Trong đó, có nhiều người lớn tuổi.

Bác Đinh Văn Tuân (68 tuổi, phường Trường Thi, TP Vinh) vui vẻ cho biết:

“Trước đây nghe đến hip-hop cứ nghĩ là cái gì vớ vẩn, là “đầu đường xó chợ”, giờ theo dõi các cháu tập môt thời gian mới biết cũng thú vị phết. Vừa vui, vừa khỏe mạnh”.

Sôi động vũ điệu đường phố.
Sôi động vũ điệu đường phố.

Quan sát các buổi tập-hip hop mới thấy đây là bộ môn đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe, bền bỉ, dẻo dai và thật sự kiên nhẫn. Những động tác lắc lư, vặn người, xoay đầu, chống tay … theo nhịp điệu âm nhạc vô cùng cuốn hút khiến người xem không thể rời mắt, thế nhưng, để thành thục thì không hề dễ dàng.

“Hip-hop không dành cho người hời hợt, chơi cho biết, chơi theo trào lưu. Bất cứ ai yêu thích hip hop cũng đã từng xem mê mẩn các video trên youtube và MTV rồi học nhảy theo, nhưng đó chỉ là bước đầu. Chỉ những người nhẫn nại, đam mê mới theo đuổi đến cùng và sự nhuần nhuyễn vũ đạo chỉ có được khi luyện tập miệt mài”. – Lê Thắng – thành viên một nhóm nhảy hip-hop khẳng định.

Xuất hiện từ thập niên 1970 tại Bronx, New York, hip hop không chỉ là một thể loại âm nhạc mà còn là một trào lưu văn hóa. Hip-hop ra đời và phát triển ở những khu ghetto (thường là nơi tập trung người nghèo, người da màu với nhiều tệ nạn xã hội và các băng đảng).

Các điệu nhảy gồm breakdance (thể loại nhảy hip hop thịnh hành nhất với các động tác chân và các động tác cả chân lẫn tay trên sàn) và các kiểu nhảy đường phố khác như popping (thả lỏng thật nhanh cơ bắp, tạo những cú giật hoặc lượn sóng trên cơ thể), locking (động tác chính xác như robot kết hợp với các động tác tự do và hoang dã), krumping (thể hiện cảm xúc mãnh liệt, dữ dội khi nhảy và thường vẽ mặt), newstyle (kết hợp các động tác của popping, locking, krumping, jazz...) và một số yếu tố khác như beatboxing (chơi nhạc bằng mồm)...

Hip-hop không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Dương Thị Bé Hằng (1997) – một thành viên nữ tiêu biểu trong nhóm Virus Dance tâm sự:

“Ban đầu khi đến với hip-hop, gia đình em phản đối lắm. Bố mẹ lo em mê mẩn hip-hop thì thành tích học tập sẽ sa sút, rồi lại nghĩ đến cảnh con gái “chống tay quay đầu” như mấy MV ca nhạc trên tivi lại sợ nguy hiểm … Nhưng rồi dần dần thấy con tập luyện hip-hop lành mạnh, sức khỏe tốt hơn, tinh thần vui vẻ phấn chấn, việc học tập cũng ổn nên giờ bố mẹ lại là cổ động viên nhiệt tình nhất. Các bác hàng xóm còn tin tưởng gửi con, cháu theo em tập luyện để khỏe mạnh và tự tin hơn”.

Theo tìm hiểu, hiện nay ở Nghệ An có rất nhiều nhóm nhảy hip-hop quy mô lớn, nhỏ khác nhau, hoạt động ở các huyện, thị như Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, TX. Thái Hòa … và các trường THPT, CĐ, ĐH ở TP.Vinh. Nhìn chung, các nhóm nhảy tự phát hoạt động từ niềm yêu thích.  Âm nhạc và vũ đạo được học hỏi từ internet và sáng tạo thêm tùy hứng. 

Khi hip-hop “lên” sàn

Cách đây khoảng chục năm, nghĩ đến việc hip-hop có mặt trên sàn diễn, sân khấu của các chương trình lớn, nhỏ ở Nghệ An còn là điều gì đó xa vời thì nay đã trở thành hiện thực.

“Ở Tp.Vinh, hip-hop từng bị “bỏ rơi” do định kiến xã hội về thể loại âm nhạc – vũ đạo này quá lớn, không công nhận đó là loại hình nghệ thuật. Dần dà, quan điểm ấy đã có nhiều thay đổi tích cực. Nhiều chương trình lớn, quy mô của thành phố, của tỉnh và các sự kiện của các cá nhân, doanh nghiệp … đã “phải lòng” hip-hop, chúng em ngày càng nhận được nhiều lời mời biểu diễn”. Trần Quốc Hùng (1990) – trưởng nhóm Virus Dance chia sẻ.

Trần Quốc Hùng được xem là một trong những người gây dựng nên phong trào hip-hop ở Tp.Vinh nói riêng và Nghệ An nói chung. Hiện nay, nhóm của Hùng hoạt động khá chuyên nghiệp, bài bản, có uy tín. Nhóm hiện có hơn 100 thành viên, liên tục có những thế hệ kế cận, tiếp nối, thành viên bé nhất trong nhóm vừa tròn … 4 tuổi, và không hiếm những vũ công nhí ở độ tuổi từ 5 – 10 tuổi.

Nhóm Virus Dance biểu diễn ở Đại học Vinh.
Nhóm Virus Dance biểu diễn ở Đại học Vinh.

Hùng cho biết, tiết mục hip-hop tại các chương trình, sự kiện thường được sắp xếp mở đầu, hoặc chen giữa nội dung chương trình để tạo quãng nghỉ thư giãn sôi động, vui tươi cho khán giả. Virus Dance tạo dấu ấn cho nhiều chương trình bởi tinh thần mạnh mẽ và phóng khoáng đúng chất hip-hop, nhưng không quá đà, lố bịch bởi trang phục biểu diễn luôn được các thành viên trau chuốt chỉn chu. “Hip-hop là thể loại âm nhạc đường phố nhưng khi lên sân khấu cần phải dung hòa lại, đảm bảo phù hợp với tiêu chí chương trình và thị hiếu của khán giả” – một dancer bày tỏ quan điểm.

Vũ đạo khỏe khắn, âm nhạc sôi động là điều khiến hip hop thu hút giới trẻ.
Vũ đạo khỏe khoắn, âm nhạc sôi động là điều khiến hip hop thu hút giới trẻ.
Một dancer nhí tự tin trình diễn vũ đạo.
Một dancer nhí tự tin trình diễn vũ đạo.

Ngoài nhóm của Trần Quốc Hùng, hướng chuyên nghiệp hóa phong trào hip hop ở các nhóm nhảy khác cũng đang dần được định hình. Trong năm 2015, đã có hơn 20 cuộc thi vũ điệu đường phố được các nhóm cùng nhau hợp tác tổ chức, cùng với đó là các lớp dạy nhảy miễn phí, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ cho phong trào hip hop ở thành phố Vinh nói riêng và Nghệ An nói chung.

Xem video clip biểu diễn của nhóm Virus Dance:

.

Phương Chi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới