Quang Trung trong tôi như mối tình đầu

(Baonghean.vn) - Gần nửa đêm, tôi nhận được cú điện thoại của cô bạn Tổng Biên tập Báo Nghệ An thông báo: “Nơi đong đầy kỷ niệm của anh em ta sắp bị phá bỏ, anh viết đi, lưu giữ lại điều gì đó …”

Vẫn biết chả có cái gì tồn tại vĩnh viễn nhưng nghe tin thành phố bắt đầu phá bỏ khu nhà tầng Quang Trung, xây lại building mới khiến đêm ấy tôi không tài nào ngủ được. Đơn giản, đã có những năm tháng ở đó là một phần không thể nào quên của cuộc đời mình.

Tôi là lứa trẻ thế hệ F1 của khu nhà tầng Quang Trung, từ tháng 4 năm 1976. Khi đó, người ta mới xây được các nhà từ A1 đến A4, đang hoàn thiện nhà A5, A6 và đang xây được 4 tầng nhà B1. Ngoài 4 ngôi nhà, khi đó toàn bộ khu Quang Trung chỉ có cát và cát, không cây xanh, không điện đường, điểm xuyến là vài hầm rác lộ thiên và vài cái vòi nước công cộng. Nhà A1 và A4 được phân cho khu tập thể hải quan và nhà khách. Nhà A2 cho cán bộ, công nhân viên Công ty may mặc và cơ khí Vinh, nhà A3 cho công nhân xây dựng và giáo viên… Nhà A3 tôi ở, tầng 5 dành cho trung đội công binh chuyên rà phá bom mìn, còn tầng 1 là thư viện thành phố.

Các toà nhà ở khu Quang Trung bố trí thành hình chữ Chi
Các toà nhà ở khu Quang Trung bố trí thành hình chữ Chi. Ảnh: Tư liệu cá nhân của tác giả.

Căn nhà của tôi có khá nhiều giáo viên thuộc trường Đại học Sư phạm Vinh, các trường cấp 3. Đó là PGS.TS Hoàng Kỳ, PGS.TS Nguyễn Quý Dy (Khoa Toán), PGS Lê Bá Hán, PGS Nguyễn Văn Trứ, PGS Đậu Văn Ngọ, PGS Lê Văn Khiêm (Khoa Văn), thầy giáo Canh, Hiệu phó trường Vinh 2, cô giáo Nhàn, tổ trưởng tổ Hóa cấp 3 Vinh 1…

Nơi đây còn có cố nhà thơ Bá Dũng - Phó Bí thư Thành ủy Vinh (có thời ông làm PCT UBND thành phố); nhà thơ Dương Huy - Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam; cố họa sĩ Nguyễn Năng Đắc (Báo Nghệ An)…

Ngôi nhà gồm 2 đơn nguyên, đơn nguyên tôi ở đánh số chẵn từ 2 đến 40, với phần lớn gia đình trẻ. Thế hệ anh chị trước chúng tôi giờ đã trưởng thành như PGS.TS Lê Quang Hưng, Chủ nhiệm khoa Việt Nam học (ĐH Sư phạm HN), Hoàng Khôi, nguyên Trợ lý Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây dựng Sông Hồng, TS Toán học Hoài Châu, TS Toán học Hoài An…

Gia đình tôi với 6 nhân khẩu “chui” trong 28m2, gồm có 2 phòng ngủ cùng khối bếp, vệ sinh. Nhà rộng nhất cũng chỉ 40m2, nằm ở đầu hồi nhà… Trong chừng ấy diện tích, nhà nào cũng phải chia từng khu vực, nơi chất chứa chum, phi tích trữ nước sinh hoạt; nơi để trấu, mụn cưa, than, củi để làm chất đốt nấu ăn, tích trữ gạo, ngô, lạc… để ngày ba, tháng tám nhà nước không kịp bán gạo còn có cải bỏ vào mồm.

Lớp Toán K11 trường chuyên Phan Bội Châu đi thăm bạn ở nhà tầng.
Lớp Toán K11 trường chuyên Phan Bội Châu đi thăm bạn ở nhà tầng. Ảnh: Tư liệu cá nhân của tác giả.

Đặc điểm riêng là khu nhà tôi khá nhiều sách, hầu như nhà nào cũng như thư viện mi-ni và khi thiết kế, người ta cũng có giá sách để ngăn phòng, thật tuyệt! Những đứa trẻ A3 chúng tôi được sinh ra trong thư viện nên học hành khá giỏi. Gia đình tôi phải có vài trăm cuốn sách Toán bằng tiếng Nga chất quanh nhà. Khi đó, Phó chủ tịch TP Nguyễn Bá Dũng tự hào: “Nếu lấy số học sinh đậu đại học, chia cho diện tích, nhà ta nhất toàn quốc luôn”.

Ngay thời ấy, nhiều gia đình nhà A3 đã phổ cập xong đại học, thậm chí là tiến sĩ. Nói rộng ra, “dân nhà tầng” cũng thuộc dạng học có tiếng bởi phần lớn là con CBCNV, không phải quá vất vả mưu sinh có điều kiện học tập. Trường Năng khiếu thành phố và trường chuyên Phan Bội Châu, có khá nhiều học sinh “dân Quang Trung”.

Sau này, khi lớn lên chúng tôi mới biết mình đã trải qua những năm tháng khắc nghiệt của cuộc đời, mới thấm đượm được nỗi khổ mà các ông bố, bà mẹ lo cho gia đình khỏi đứt bữa. Các giáo sư, thầy cô giáo tranh thủ dạy thêm, đi quấn thuốc lá, bóc lạc, đan len thuê để bữa ăn gia đình có thêm hạt cơm, bớt đi hạt ngô, hạt mì.

Ba mẹ tôi là giảng viên có tiếng ở đại học, ngoài việc dịch sách, viết giáo trình cho khoa còn nhận ruộng thực nghiệm của nhà trường để trồng lúa, rồi còn quây khu vệ sinh để nuôi lợn. Tôi nhớ mãi hình ảnh người mẹ chống đũa bên mâm nhìn 4 đứa con tuổi ăn, tuổi lớn tranh nhau ăn; cuối bận, mẹ chan chút canh loãng nuốt vội những hạt cơm cuối nồi để kịp giờ lên lớp.

Những đứa trẻ khu A (ảnh chụp tại vườn hoa Cầu trượt). Ảnh: tư liệu cá nhân của tác giả.
Những đứa trẻ khu A (ảnh chụp tại vườn hoa Cầu trượt). Ảnh: Tư liệu cá nhân của tác giả.

Thế nhưng Quang Trung trong tôi, đọng lại không phải là đói khổ mà đầy ắp tình người. Đêm xuống, trong ánh đèn dầu, các gia đình trải chiếu ra hành lang rổn rang chuyện khu phố, chuyện học hành của các con. Là bát canh rau ngót của bà lão Kỳ láng giềng dành cho tôi mỗi trưa hè. Là ống bơ gạo các nhà chia nhau cuối tháng, là bó rau muống chia đôi với người cùng tầng. Nơi đứa bạn tôi, 11 tuổi đã phải chết tức tưởi vì bom bi Mỹ còn sót lại. Là đứa em tên Khánh nằm mãi ở bể nước (đầu hồi nhà A1) không về trong buổi trưa đi tắm cùng bạn bè…

Quang Trung trong tôi, gắn liền với những kỷ niệm đèn sách một thời. Chúng tôi chia sẻ từng quyển sách tham khảo hay, từng tờ báo Thiếu niên Tiền phong cuối tuần. Tôi học chuyên toán nhưng lại thường xuyên được nghe các nhà thơ Hồng Nhu, Thạch Quỳ, Duy Phương, Bá Dũng bình thơ, nghe nhà phê bình Lê Bá Hán giảng Kiều, Chinh phụ ngâm. Những buổi bình văn của các ông đồ Nghệ đã đưa tôi lạc vào cõi văn chương lúc nào không hay…

Tôi vẫn yêu Quang Trung, dù ngày mai nó không còn nữa. Nó như là mối tình đầu của mỗi người thời đấy.

An Thanh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới