Hiệu quả mô hình HTX quản lý chợ ở TP Vinh

(Baonghean) - Các chợ Bến Thủy, Cửa Bắc và Kênh Bắc trước đây hoạt động theo hình thức Ban Quản lý chợ do UBND phường quản lý. Nhưng sau một thời gian tồn tại, mô hình này không đáp ứng được yêu cầu phát triển của TP Vinh, nên đã được chuyển đổi sang mô hình HTX kinh doanh khai thác chợ. Với sự thay đổi đó, tạo ra hiệu quả cao trong cách làm mới về quản lý, kinh doanh chợ.

Bởi tồn tại Ban Quản lý chợ trực thuộc UBND phường, nên năm 2008 trở về trước các chợ Bến Thủy, Cửa Bắc và Kênh Bắc nộp khoán cho phường với mức rất thấp (từ 10 – 30 triệu đồng/tháng). Cách làm này  đã nảy sinh ra nhiều vấn đề bất cập, đó là UBND phường khó quản lý sâu sát, thiếu nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật chợ, bộ máy hoạt động cồng kềnh, quản lý tài chính chưa minh bạch, gây thất thu… Chính vì vậy, các cấp, ngành chức năng của UBND TP Vinh đã tiến hành chuyển đổi mô hình Ban Quản lý chợ sang HTX kinh doanh khai thác chợ.

Chợ Kênh Bắc xuống cấp nghiêm trọng

Các chợ Bến Thủy, Cửa Bắc và Kênh Bắc là 3 mô hình chuyển đổi sang HTX từ cuối năm 2008 và bắt đầu hoạt động theo hình thức mới vào đầu năm 2009. Ông Dư Văn Đàm – Ban kiểm soát HTX kinh doanh khai thác chợ Cửa Bắc cho biết: “Trước đây, Ban Quản lý chợ chỉ nộp khoán cho UBND phường 12 triệu đồng/tháng, nhưng sau khi chuyển đổi sang mô hình HTX đã đổi mới cách quản lý nên đã tạo được nguồn thu đạt bình quân 80 triệu đồng/tháng và tăng mức nộp vào ngân sách  Nhà nước.

Lợi thế sau khi chuyển đổi mô hình là, HTX đã bảo đảm được việc thu đúng, thu đủ, hoàn thành nghĩa  vụ đối với Nhà nước và nhất là tự chủ được tài chính, tự quyết định hướng đầu tư, phát triển của HTX…”. Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, HTX đạt nguồn thu phí cao, trong năm 2012 này dự kiến đạt gần 1 tỷ đồng. Không chỉ ở HTX Cửa Bắc, mà tại HTX kinh doanh khai thác chợ Bến Thủy, Kênh Bắc, kết quả kinh doanh đều tăng mạnh. Ông  Đặng Duy Hương – Chủ nhiệm HTX kinh doanh khai thác chợ Kênh Bắc cho biết: “ Trước đây trực thuộc UBND phường quản lý chỉ nộp 17 triệu đồng/tháng, nhưng từ khi chuyển  đổi sang HTX từ năm 2009 đến nay chúng tôi đã tiến hành thu đúng, thu đủ, nên đều đạt gần 60 triệu đồng/tháng và năm 2012 này nguồn thu phí của chợ đạt 720 triệu đồng”. Tại chợ Bến Thủy,  nguồn thu phí cũng tăng cao và HTX có điều kiện để tái đầu tư, thu hút  thêm các hộ kinh doanh…

Qua tìm hiểu được biết, tại 3 mô hình Ban Quản lý chợ (thuộc UBND phường quản lý) sang HTX thì tổng thu và nộp ngân sách Nhà nước tăng cao. Năm 2008 (trước khi chuyển đổi) thu phí của 3 chợ chỉ là 972 triệu đồng, thì đến nay đã đạt 3.240 triệu đồng (tỷ lệ tăng bình quân là 33%/năm) và nộp ngân sách Nhà nước năm 2009 là 304 triệu đồng thì nay đạt gần 600 triệu đồng. Sự tăng trưởng khả quan về nguồn thu, giúp cho các HTX này có những dự định mới về đầu tư, xây dựng chợ theo quy mô khang trang đáp ứng được yêu cầu kinh doanh, buôn bán của các hộ dân và nhất là bảo đảm được mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, nhiều HTX chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc đầu tư xây dựng chợ rất hạn chế và từ năm 2009 đến nay, tại những chợ này đã xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các chợ được cấp bìa đất thì tiền thuê đất lại quá cao.

Hiện nay HTX kinh doanh khai thác chợ Bến Thủy và chợ Kênh Bắc đã có Quyết định được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ( ngày 18/10/2012). Ông Đặng Duy Hương – Chủ nhiệm HTX kinh doanh khai thác chợ Kênh Bắc cho biết: “HTX được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời hạn 35 năm. Đây là cơ hội tốt để HTX vay vốn ngân hàng và huy động nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án xây dựng chợ Kênh Bắc với mục đích trở thành trung tâm thương mại kinh doanh đa mặt hàng phục vụ nhu cầu cần thiết cho bà con trong phường và khu vực lân cận.

Mừng vì sắp có sổ đỏ trong tay, nhưng HTX lại rất băn khoăn về khoản nộp tiền thuê đất quá cao, vì sau khi có quyết định được cấp bìa đất, HTX phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê đất với giá mới từ tháng 11/2012 (trong khi đó dự án xây dựng, nâng cấp chợ Kênh Bắc chưa triển khai) như vậy, trong 2 tháng cuối năm 2012, số tiền phải nộp gần 43,2 triệu đồng. Năm 2013, HTX phải nộp tiền thuê đất là gần 260 triệu đồng và đây là số tiền lớn khi mà chợ mới đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng. Vấn đề này cũng đang xảy ra tại HTX kinh doanh quản lý chợ Bến Thủy. Sau gần 2 tháng có quyết định được cấp bìa đất, HTX phải nộp tiền thuê đất với giá mới là 63 triệu đồng và dự kiến trong năm 2013 sẽ là 378 triệu đồng, trong khi đó dự án cải tạo chợ vẫn chưa thực hiện. 

Qua trao đổi với một số chủ nhiệm HTX, thấy rằng vấn đề lo lắng hiện nay là huy động vốn đầu tư. Mặc dù có bìa đỏ, nhưng nếu vay ngân hàng không được hưởng chính sách ưu đãi về lãi suất thì đầu tư chợ sẽ khó khăn. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, sẽ rất khó huy động được vốn của các hộ kinh doanh cũng như từ nguồn vốn khác. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của  HTX, các cấp, ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ các HTX để những mô hình này ngày càng hoạt động hiệu quả hơn.

Tin mới