Người dân Nghệ An hướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương 2016

(Baonghean.vn) - Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba. Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành phong tục truyền thống, một nét đẹp văn hoá nhằm tưởng nhớ đến công ơn các vua Hùng đã có công dựng nước. Và cũng như mỗi người dân đất Việt, hằng năm cứ đến ngày 10/3 âm lịch, mỗi người dân xứ Nghệ lại hướng về với đất Tổ, về với cội nguồn dân tộc với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Là ngôi đền cổ có kiến trúc thời Nguyễn, đền Hồng Sơn được người dân cả nước biết đến là ngôi đền duy nhất trên địa bàn TP Vinh thờ Hùng Vương - Người có công dựng nước. Hàng năm, đúng ngày 10/3 âm lịch, UBND TP Vinh lại tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại đền.

Đền Hồng Sơn chào đón ngày giỗ TổĐền Hồng Sơn - TP VInh chào đón ngày giỗ Tổ vua Hùng (ảnh minh họa).

Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất cả phần lễ, phần hội và công tác đảm bảo an ninh trật tự. Được biết, giỗ Tổ Hùng Vương năm nay sẽ diễn ra long trọng gồm 2 phần. Phần lễ có lễ dâng hương, dâng hoa, văn tế công đức Vua Hùng; phần hội có biểu diễn võ thuật thể hiện hào khí vua Hùng; thi kéo co, đẩy gậy giữa các phường, xã...

Hiện nay, đền Hồng Sơn vẫn lưu giữ bài vị 18 đời Vua Hùng tại cung trung điện để phục vụ nghiên cứu khoa học, sinh hoạt văn hóa tâm linh và văn hóa du lịch. Tại ngôi Đền này mỗi năm có 3 kỳ lễ lớn gồm: Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Giỗ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (20/8 âm lịch) và Giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh (03/3 âm lịch).

Bà Nguyễn Thị Nga - phường Bến Thủy - TP Vinh cho biết:  không ra được Đền Hùng Phú Thọ để thắp hương cho các Vua Hùng nhưng năm nào cứ đến ngày giỗ Tổ, bà lại cùng gia đình đến dâng hương tại đền Hồng Sơn.

Ông Hồ Công Tiến - Phó BQL đền Hồng Sơn cho biết: Lễ giỗ Tổ Vua Hùng năm nay được UBND TP Vinh chỉ đạo chu đáo, trang trọng.
Ông Hồ Công Tiến - Phó BQL đền Hồng Sơn cho biết: Lễ giỗ Tổ Vua Hùng năm nay được UBND TP Vinh chỉ đạo chu đáo, trang trọng. Ảnh: Lương Mai.

Cùng với đền Hồng Sơn (TP Vinh), đã thành thông lệ, ngày giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3, rất đông du khách thập phương đã đến với đền Cuông dâng hương, hoa tưởng nhớ vua Thục An Dương Vương, vị vua Hùng thứ 18 của dân tộc.

Hàng năm, tại Đền, UBND huyện Diễn Châu, xã Diễn An đều tổ chức lễ giỗ Tổ theo nghi thức truyền thống, phần tế lễ được tiến hành rất trọng thể. Lễ vật dâng cúng là những sản vật như bánh chưng, bánh dày, thủ lợn, xôi nhiều màu... 

Tại sân đền, các cụ cao tuổi Diễn An tổ chức buổi nói chuyện ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước hơn 4.000 năm của ông cha ta. Qua đó động viên mỗi người dân Diễn Châu nỗ lực đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng là con Lạc cháu Hồng.

Du khách về với Đền Cuông được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguy nga, cổ kính của đền Cuông. Đứng ở  dưới nhìn lên Đền là cổng tam quan cao vời vợi. Cổng tam quan cổ kính, trên có ba lầu, lầu giữa cao hơn một bậc, rêu phong phủ bởi lớp áo thời gian.
 Đền Cuông một điểm tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương ở Nghệ An. (Ảnh minh họa).

Ông Cao Văn Lương – Trưởng ban quản lý Đền Cuông cho biết: Năm nào, Đền cũng tổ chức lễ giỗ Tổ vào ngày mồng 10 tháng 3, cầu cho Quốc thái dân an. 

Trong dịp ngày giỗ Tổ, ngành văn hóa Diễn Châu cũng đã chỉ đạo chính quyền các xã, Thị trấn, các dòng họ tổ chức các hoạt động hướng về cội nguồn, dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương theo nghi thức truyền thống tại 37 di tích cấp Quốc gia, cấp tỉnh. Cùng đó, các trò chơi dân gian như chọi gà, đấu vật, đánh cờ người, hát dân ca, ca trù, thi đấu thể thao... Các trường học còn tổ chức tọa đàm, giao lưu giữa thầy cô dạy môn lịch sử, các bậc tiền bối… với học sinh. Thông qua các hoạt động trên nhằm giáo dục thế hệ trẻ huyện nhà về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

 Tuy chưa đến ngày chính lễ nhưng rất nhiều du khách đã đến đền Hồng Sơn để dâng hưởng.
Tuy chưa đến ngày chính lễ nhưng rất nhiều du khách đã đến đền Hồng Sơn để dâng hương tưởng niệm Vua Hùng ngày giỗ Tổ. (Ảnh Lương Mai).

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VHTT & DL cho biết: Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng đại của dân tộc, đã trở thành tình cảm thiêng liêng, sâu đậm trong tâm khảm của các thế hệ người Nghệ An nói riêng, người dân đất Việt nói chung. Tại các dòng họ, tại các di tích lịch sử, nhiều địa phương trên địa bàn  tỉnh đã tổ chức một số hoạt động như cúng, tế, giới thiệu giá trị di sản đối với học sinh, đoàn viên thanh niên, tổ chức cho bà con dâng hương, giới thiệu truyền thuyết con Lạc cháu Hồng.

Mỗi người dân Nghệ An dù đang hành hương về Đền Hùng hay giỗ Tổ theo cách riêng, đều thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, cùng nhân dân cả nước lưu truyền mãi mãi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thanh Thủy - Mai Giang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới