Con cuông nỗ lực bảo tồn dân ca, nhạc cụ Thái

(Baonghean) - Những làn điệu dân ca: khắp, xuối, lăm, nhuôn, cùng những nhạc cụ khèn, bè, pí, xi la lo… của đồng bào dân tộc Thái đang có nguy cơ mai một. Trăn trở để gìn giữ di sản văn hoá tinh thần vô giá cho đồng bào dân tộc nơi đây, huyện Con Cuông - nơi có trên 75% dân số là đồng bào Thái sinh sống đã thành lập được các câu lạc bộ dân ca, nhạc cụ truyền thống ở 12/13 xã, thị và hoạt động có hiệu quả.
Buổi sinh hoạt của CLB dân ca, nhạc cụ dân tộc Thái bản Cằng (xã Môn Sơn - Con Cuông).
Buổi sinh hoạt của CLB dân ca, nhạc cụ dân tộc Thái bản Cằng (xã Môn Sơn - Con Cuông).
Những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ giờ đã thưa vắng dần trong các ngày lễ trọng của các gia đình và bản làng người Thái. Bà Vi Thị Hồng (bản Nưa, xã Yên Khê), năm nay đã ngoài 70 tuổi, một trong số ít những người già trong bản còn biết hát các làn điệu dân ca dân tộc mình trăn trở: “Bản Nưa có 90% đồng bào Thái sinh sống. Ngày trước vào các ngày lễ, Tết, phụ nữ Thái chúng tôi thường xúng xính váy, áo, hát dân ca, múa sạp… nhưng nay lớp trẻ không còn mấy ai biết dân ca Thái. Ngay những điệu ru con của người Thái cũng chỉ có người già mới biết. Thế nên, khi xã có chủ trương thành lập câu lạc bộ, chúng tôi đều mong muốn tham gia, để truyền lại vốn quý ấy cho con cháu”. 
Thế nhưng, cái khó hiện nay là những người già ở bản còn biết hát, biết chơi nhạc cụ dân tộc không còn nhiều. Để khôi phục và gìn giữ nét đẹp văn hoá của dân tộc Thái, huyện Con cuông đã chủ trương thành lập các câu lạc bộ dân ca, nhạc cụ dân tộc tại các bản, làng. Các câu lạc bộ quy tụ những người yêu văn hoá truyền thống tự nguyện tham gia sinh hoạt. Gần 10 năm trở lại đây, 12/13 xã, thị của huyện đều thành lập được câu lạc bộ dân ca, nhạc cụ Thái. 
Các câu lạc bộ dân ca ở 12 xã trên địa bàn huyện vẫn duy trì hoạt động khá đều đặn, hiệu quả; góp phần bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống của địa phương. Có những xã thành lập được 2- 3 câu lạc bộ dân ca Thái như ở Yên Khê, Môn Sơn. Mỗi câu lạc bộ dân ca, nhạc cụ Thái đều có những cách riêng để “tự nuôi” mình. 
Câu lạc bộ dân ca bản Nưa ra đời tháng 9/2010 đã quy tụ được 10 hạt nhân của bản, sinh hoạt đều đặn vào cuối  tuần. Nhà văn hoá bản là “sân khấu” để các cụ, các mế biểu diễn các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ. Qua những buổi sinh hoạt chung, rồi tham gia biểu diễn, giao lưu văn nghệ ở các bản trong xã; tình yêu với dân ca truyền thống cứ thế dần lớn lên trong các thành viên câu lạc bộ. Để duy trì hoạt động, các thành viên còn tự sắm, hoặc làm các nhạc cụ mang đến góp vui cho những buổi biểu diễn. Bộ trống, chiêng, nhạc cụ chính của câu lạc bộ là của ông Vy Văn Lượng – một thành viên lâu năm của CLB dân ca Thái (bản Nưa). Ông Lượng chia sẻ: “Trống, chiêng là linh hồn của những tiết mục hát, múa dân gian của người Thái. Ban đầu câu lạc bộ hoạt động không có nhạc cụ nên cũng nhàm chán, sau tôi sắm một bộ để phục vụ các buổi biểu diễn cho bà con, nhất là lớp con cháu biết được cái hay, cái đẹp của văn hoá truyền thống dân tộc mình”. Ông còn tự mày mò làm các loại nhạc cụ khác như: khèn bè, pí. Các thành viên khác cũng tự nguyện hoặc đóng góp, hoặc tự làm lấy nhạc các nhạc cụ để góp vào dàn nhạc của CLB trong mỗi buổi sinh hoạt.  
Nay câu lạc bộ dân ca Thái bản Nưa được lựa chọn là 1 trong 2  câu lạc bộ phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng của huyện. Tham gia các hoạt động du lịch này, câu lạc bộ có được nguồn hỗ trợ trong mỗi lần biểu diễn. Chị Lương Thị Hằng – Chủ nhiệm câu lạc bộ dân ca Thái bản Nưa, cho biết: “Mỗi năm, câu lạc bộ tham gia biểu diễn từ 20 – 30 buổi phục vụ khách du lịch cộng đồng tại bản. Nhờ  vậy mà chúng tôi có được nguồn quỹ để mua sắm phục trang, sắm thêm nhạc cụ và trang trải chi phí để phục vụ các đợt biểu diễn hay giao lưu văn hoá tại địa phương”. Các thành viên câu lạc bộ cũng có thêm nguồn động viên khi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ. Đến nay có CLB 17 thành viên, trong đó có cả thanh niên tham gia.
Còn ở bản Cằng, xã Môn Sơn, hàng tuần, 37 thành viên của câu lạc bộ dân ca Thái lại tụ họp về nhà văn hóa bản để sinh hoạt. Tiếng khèn, tiếng pí, tiếng sáo của các nghệ nhân lại réo rắt, hòa quyện vào điệu nhuôn, xuối, lăm… Câu lạc bộ là nơi gặp gỡ của những người yêu thích dân ca và mong muốn gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Ngoài những bậc cao niên, trung niên, câu lạc bộ còn thu hút được 13 thành viên lứa tuổi thanh niên, học sinh. Trong đó, có nghệ nhân Lương Văn Nghiệp, người luôn nỗ lực tìm  tòi các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống phục vụ cho câu lạc bộ. Ông chia sẻ: “Các làn điệu từ ông cha để lại mà không biết gìn giữ thì sẽ mai một dần. Nên nhiều năm nay, tôi đã tự tìm đến các cụ già trong các bản, làng để sưu tầm lại nhiều làn điệu cổ, đồng thời đặt lời mới nhằm tạo nên sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn”. 
Tình yêu, lòng đam mê với những điệu khắp, xuối, lăm nhuôn… của những nghệ nhân như ông Nghiệp, ông Thân… đã lan toả sang lớp trẻ ở bản Cằng. Ngày càng có nhiều hơn những bạn trẻ đăng ký tham gia câu lạc bộ. Em Lương Thị Hồng, học sinh cấp ba, hơn một năm qua là thành viên tích cực của câu lạc bộ. Với Hồng, những điệu dân ca dân tộc vang lên trong những lễ hội, cuộc thi hay hội diễn tại địa phương đã thực sự làm nức lòng, nhắc nhủ em cố gắng góp phần nhỏ bé của mình lưu giữ lại những nét đẹp văn hoá ấy. Ngoài sinh hoạt định kỳ, các đám cưới, lễ mừng nhà mới trong vùng đều có CLB đến góp vui, rồi các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày kỷ niệm các đoàn thể… lời ca, tiếng đàn lại rộn ràng thôn bản. Hoạt động có hiệu quả, câu lạc bộ dân ca Thái bản Cằng được thuận lợi trong vận động sự ủng hộ để duy trì hoạt động từ người dân. Cả bản Cằng có 150 hộ, mỗi năm, mỗi hộ dân đều tự nguyện đóng góp 12 nghìn đồng để duy trì hoạt động của câu lạc bộ. 
Nhằm thúc đẩy phong trào hát dân ca, giữ lửa tình yêu văn hoá truyền thống cho đồng bào Thái nơi đây, huyện Con Cuông đã nỗ lực tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá văn nghệ, tạo sân chơi cho những người yêu thích dân ca, nhạc cụ Thái như: Liên hoan dân ca dân tộc Thái; Ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc… Hàng năm, huyện còn tổ chức các lớp tập huấn để cung cấp kiến thức về tổ chức, hoạt động và dàn dựng chương trình… cho thành viên của tất cả các câu lạc bộ; nhằm gây dựng lớp nghệ nhân kế cận. Để dần khôi phục các loại nhạc cụ truyền thống đang có nguy cơ bị thất truyền, sắp tới huyện cũng sẽ phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh để mở lớp dạy sản xuất và sử dụng nhạc cụ dân tộc cho các câu lạc bộ dân ca, nhạc cụ Thái; mong muốn lớp trẻ biết và gìn giữ một nét đẹp văn hoá đẹp của đồng bào mình. 
Đinh Nguyệt

Tin mới