12 mối quan tâm hàng đầu mà trí tuệ nhân tạo đặt ra cho nhân loại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong thời gian qua đã đặt ra cho các nhà phát triển, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách những mối quan tâm đặc biệt.

Anh minh hoa1 (1).jpg
Ảnh minh họa.

Đầu tháng 12/2023 tại Singapore, 40 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm các nhà phát triển, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách đã tập trung để tham dự Hội nghị bàn về các vấn đề cấp bách liên quan đến phát triển công nghệ AI.

Tại đây, các chuyên gia công nghệ đã đề cập đến nhiều mối lo ngại và tranh cãi hiện hữu nổi lên kể từ khi AI có trí thông minh giống con người xuất hiện trong những năm gần đây, những ý kiến của các chuyên gia công nghệ sẽ là điểm tham chiếu để định hướng các mục tiêu nghiên cứu và quyết định chính sách phát triển AI trên phạm vi toàn cầu.

Sau đây là 12 mối quan hàng đầu mà AI đặt ra cho nhân loại đã được hoàn thiện sau hội nghị kéo dài ba ngày của các chuyên gia toàn cầu được tổ chức tại Singapore.

1. AI có thể tin cậy được không?

Hệ thống AI ngày càng được sử dụng nhiều để hỗ trợ con người đưa ra những quyết định quan trọng, nhưng các hệ thống AI hiện tại đôi khi “gây ảo giác” và đưa ra kết quả không chính xác. Tính tin cậy thể hiện khả năng của một hệ thống hoặc các thành phần của nó thực hiện các chức năng theo thiết kế ở các điều kiện xác định trong một khoảng thời gian vận hành xác định.

Tính tin cậy là đặc biệt quan trọng để đảm bảo hạn chế tối đa việc hệ thống AI gây ra những hậu quả tai hại khi áp dụng cho ô tô tự lái hoặc các quyết định trên bàn mổ.

Các đại biểu đã thống nhất rằng, một hệ thống AI cần được thử nghiệm trong các tình huống gần nhất có thể với các nhiệm vụ mà nó sẽ thực hiện trong đời thực và các nhà phát triển nên xây dựng các công cụ AI mà không chỉ tập trung vào hiệu suất thống kê. Các tiêu chuẩn chuẩn hóa để đánh giá độ tin cậy của mô hình AI cũng cần được thiết kế.

2. Cần tạo ra bộ dữ liệu tốt cho các mô hình AI

Các mô hình AI mạnh mẽ được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu lớn giúp chúng đưa ra các phân tích và quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, việc xây dựng các bộ dữ liệu tốt hỗ trợ AI hữu ích là một thách thức, đặc biệt khi dữ liệu nhạy cảm và được bảo vệ vì những lo ngại về quyền riêng tư.

Để đạt được sự cân bằng này, quy định cần khuyến khích việc tạo và truyền dữ liệu, đảm bảo rằng cơ sở dữ liệu có chất lượng cao và đảm bảo dữ liệu được trao đổi một cách an toàn.

3. AI có giết chúng ta không?

Trong số các kịch bản thảm khốc nhất được liệt kê, AI có khả năng gây ra các mối đe dọa cấp toàn cầu như sự nóng lên toàn cầu hoặc diệt chủng bằng vũ khí hạt nhân do AI hỗ trợ. Các đại biểu lưu ý rằng, tác hại xã hội lan rộng và tội phạm mạng do AI hỗ trợ đã và đang xảy ra và sự sụp đổ kinh tế do AI thúc đẩy là có thể xảy ra trong tương lai gần.

Các quốc gia phải thiết lập các dấu hiệu cảnh báo rõ ràng trên nhiều lĩnh vực, các nhà phát triển phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt và các hệ thống quan trọng phải được kiểm tra sức chịu đựng trước khi chúng được liên kết với AI.

4. Cần có các giải pháp chặt chẽ để kiểm soát sự phát triển của AI?

Luật pháp cần phải theo kịp để đảm bảo rằng, những rủi ro của AI không lọt qua những khoảng trống mà các chính sách hiện hành không giải quyết được. Chính quyền cũng cần thiết lập các cách để báo cáo các vi phạm và nêu rõ ai chịu trách nhiệm về các rủi ro AI gây ra.

Các cơ quan quản lý cũng phải đạt được sự cân bằng để quy định không cản trở sự đổi mới và đưa ra các khuôn khổ về thời điểm luật pháp nên can thiệp để trấn áp AI.

5. Phát triển AI để phục vụ cho nghiên cứu khoa học

AI nắm giữ chìa khóa để giải quyết một số vấn đề khó khăn nhất của nhân loại và có khả năng phát triển các phương pháp chữa bệnh cũng như tạo ra các công cụ chống biến đổi khí hậu, điều mà các đại biểu cho rằng phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà xây dựng AI vì lợi ích của nhân loại.

Việc phát triển AI để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học là hết sức quan trọng, cần phải được thúc đẩy bằng cách tăng cường sự hợp tác của các quốc gia, tổ chức quốc tế nhiều hơn để chia sẻ nguồn kinh phí và kiến ​​thức.

6. Liệu AI có khả năng học hỏi như con người?

AI có thể học hỏi mọi thứ rất nhanh chóng, ngày càng trở nên “thông minh” hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của con người, tuy nhiên, suy cho cùng thì máy móc vẫn không thể hiểu những gì đã học và suy nghĩ giống như con người.

Hiện tại chưa có hệ thống AI nào có khả năng học hỏi tự nhiên như con người. Bộ não con người có khả năng thích ứng, phản ứng nhanh hơn bất kỳ hệ thống AI nào. Dù AI có thể tự động hóa nhiều công việc và quy trình nhưng vẫn còn nhiều việc đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt và khả năng đưa ra quyết định phức tạp dựa trên trực giác và kinh nghiệm mà chỉ con người mới có.

Hệ thống AI thiếu khả năng sáng tạo như con người, chúng chỉ có thể hoạt động với bộ dữ liệu mà nó nhận được. Do đó, nó không thể nghĩ ra những cách thức, phong cách hoặc mô hình làm việc mới và bị giới hạn trong những khuôn mẫu nhất định do con người tạo ra.

Mặt khác, con người có thể suy nghĩ vượt trội, tìm nguồn thông tin từ nhiều phương tiện khác nhau và tạo ra giải pháp cho các vấn đề phức tạp với ít hoặc không có dữ liệu. Vì AI không sở hữu khả năng suy nghĩ vượt trội và tạo ra những ý tưởng sáng tạo để đổi mới nên AI không thể thay thế con người trong không gian làm việc.

7. Giá trị của AI là gì?

AI được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, với những tiến bộ trong công nghệ và thuật toán. Nó sẽ ngày càng trở nên thông minh và linh hoạt hơn và có thể được áp dụng rộng rãi hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ y học, giáo dục, sản xuất, kinh doanh đến nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ thấy sự phát triển của các hệ thống AI hợp tác, trong đó, nhiều hệ thống AI cùng làm việc với nhau để giải quyết những vấn đề phức tạp.

Trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục phát triển và trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống trong tương lai, vì vậy, việc hiểu rõ và tận dụng tốt AI chính là chìa khóa quan trọng để tiến bộ và thịnh vượng trong thế giới ngày càng số hóa này.

8. Cạnh tranh và tiếp cận công bằng

Công nghệ AI thường được phát triển bởi các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới và các tập đoàn này hoạt động chủ yếu vì lợi nhuận. Các chuyên gia công nghệ cho rằng, sự tập trung công nghệ AI vào tay những tập đoàn hoạt động vì lợi nhuận có thể ảnh hưởng đến giá cả và chất lượng của các hệ thống AI, đồng thời, có khả năng hạn chế quyền truy cập vào AI đối với một số cộng đồng.

Để cạnh tranh công bằng hơn, các đại biểu kêu gọi hạ thấp các rào cản gia nhập để thúc đẩy phát triển các hệ thống AI. Đồng thời, đề xuất quản lý các nhà cung cấp AI tương tự như các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và tiện ích công cộng.

9. AI sử dụng cho việc học tập

Sự ra đời của AI đã mở ra một kỷ nguyên mới trong giáo dục, thay đổi cách học tập và nghiên cứu. AI có giúp việc học tập trở nên cá nhân hóa, hiệu quả và hấp dẫn hơn.

Một trong những lợi ích đáng kể nhất của AI trong học tập là cá nhân hóa. Các hệ thống được hỗ trợ bởi AI có thể phân tích phong cách học tập, điểm mạnh và điểm yếu của người học và điều chỉnh tài liệu học tập cho phù hợp. Phương pháp cá nhân hóa này giúp người học học theo tốc độ riêng của mình, nâng cao sự tự tin và kết quả học tập.

Bên cạnh đó, hệ thống AI giúp cho phụ huynh có thể nhận được phản hồi ngay lập tức về kết quả học tập của con mình. AI cũng có thể đảm nhận các nhiệm vụ như chấm điểm, giúp học sinh học tập thậm chí có thể dạy kèm học sinh. Hệ thống AI có thể được lập trình để cung cấp các kiến thức chuyên môn, là nơi để học sinh đặt câu hỏi và tìm kiếm thông tin. Giáo viên sẽ có vai trò của người hỗ trợ khi sinh viên gặp khó khăn, cung cấp sự tương tác giữa người với người.

Tuy nhiên, để đạt được các lợi ích trên, các hệ thống AI phải thực sự tin cậy, bộ dữ liệu cung cấp cho hệ thống AI phải có độ chính xác cao và luôn được cập nhật.

10. Trấn áp tin giả

Các công cụ viết và trình tạo hình ảnh đã khiến thông tin sai lệch do AI tạo ra trở nên ngày một khó phát hiện hơn. Các thông tin sai lệch có thể lan truyền một cách nhanh chóng thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Các đại biểu kêu gọi tìm cách xác định nguồn thông tin trực tuyến và buộc các nền tảng mạng xã hội phải giám sát các kênh của họ. Các thuật toán cần được đào tạo bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh để phát hiện chính xác thông tin sai lệch trên các nền tảng toàn cầu.

11. Phát triển AI vì lợi ích xã hội

Sự phát triển của AI phải vì lợi ích của tất cả mọi người, điều này đòi hỏi phải có biện pháp bảo vệ dựa trên quyền con người, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Các đại biểu kêu gọi sự lên tiếng từ các tổ chức phi lợi nhuận, chính phủ và doanh nghiệp xã hội nhằm thúc đẩy việc đánh giá các tác động đến xã hội của công nghệ AI. Các nhà phát triển AI không nên vội vã triển khai công nghệ mà phải có sự đánh giá chặt chẽ tác động của nó và tránh những khoản đầu tư lãng phí.

12. Các tiêu chuẩn an toàn

Hiện nay, các quốc gia và các tổ chức quốc tế vẫn chưa thống nhất về các tiêu chuẩn kiểm tra độ an toàn của AI trong quá trình phát triển. Chúng bao gồm việc đánh giá khả năng gây lo ngại về an ninh và thiệt hại về kinh tế hoặc tâm lý.

Các đại biểu kêu gọi có sự hợp tác toàn cầu trong việc xây dựng các tiêu chuẩn an toàn đối với các hệ thống AI để đảm bảo AI phát huy hết tiềm năng của nó, đồng thời ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại.

Tin mới