Bài hát 'Di chúc Bác Hồ' - khi tiếng lòng ngân tiếng hát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Trong không gian bát ngát hương sen quê Bác của một ngày tháng Năm, bất chợt tôi nghe thấy ngân lên trong gió thoảng một giai điệu vừa quen mà vừa lạ: “Con ngước mắt lên thêm bồi hồi xúc động/Thấy Bác mỉm cười, vẫn dáng đứng quê hương"…
Quê nội Bác Hồ ở Làng Sen, Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Thành Cường

Quê nội Bác Hồ ở Làng Sen, Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Thành Cường

Tôi đã tìm và đã nghĩ đó không chỉ là một ca khúc, một MV ca nhạc mà là lời tự sự của những con người mộc mạc dành tình yêu thuần khiết đối với Bác Hồ, với Bản Di chúc thiêng liêng của Người, với mảnh đất xứ Nghệ dãi nắng, dầm mưa. Ca khúc đó có tên "Di chúc Bác Hồ".

MV Ca khúc "Di chúc Bác Hồ". Lời thơ: Dương Đình Văn, Nhạc: Trần Văn Hồng

Có hàng ngàn học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ... trong nước và thế giới từng nghiên cứu, viết về Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một trong 5 tác phẩm, bài viết của Người được công nhận là Bảo vật quốc gia. Nhưng việc sử dụng bản Di chúc của Bác làm chất liệu cho một tác phẩm âm nhạc, cụ thể là ca khúc thì không đơn giản, hay nói cách khác là rất khó. Ấy vậy bài hát “Di chúc Bác Hồ” dường như đã khắc phục được tính khô cứng, chính luận của chất liệu để trở nên gần gũi, mộc mạc, thiết thân hơn với mỗi người khi nghe. Đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa thơ và nhạc. Và đó cũng là sự gặp gỡ giữa tác giả thơ - Đại tá Dương Đình Văn - Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) - Công an Nghệ An và người viết nhạc - Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thể thao và Truyền thông thị xã Thái Hoà .

Xin nói đôi chút về hai con người đặc biệt ấy.

Khi duyên thơ - nhạc được chắp cánh

Đại tá Dương Đình Văn - Trưởng phòng PA03 - Công an Nghệ An tại phòng làm việc. Ảnh: Huyền Thương

Đại tá Dương Đình Văn - Trưởng phòng PA03 - Công an Nghệ An tại phòng làm việc. Ảnh: Huyền Thương

Tôi quen biết anh Dương Đình Văn ngót ngét cũng 20 năm. Hồi ấy anh còn công tác tại Đội An ninh - Công an thành phố Vinh. Chúng tôi thường phối hợp làm việc cùng nhau trong công tác tuyên truyền về vấn đề an ninh văn hoá, đấu tranh với các hành vi, vi phạm trên lĩnh vực văn hoá tư tư tưởng.

Bẵng đi một thời gian, tôi chuyển công tác sang đơn vị mới, anh Dương Đình Văn cũng được luân chuyển một số đơn vị trong ngành Công an, sau đó là quãng thời gian 8 năm anh giữ cương vị lãnh đạo Công an thị xã Thái Hoà, trước khi trở về Phòng PA03 và giữ vị trí Trưởng phòng như hiện nay.

Còn đối với Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Hồng, tôi gặp anh cách đây độ dăm năm, khi đó anh đang là Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hoà. Trần Văn Hồng dường như sinh ra để hát dân ca ví, giặm và hoà mình vào làn điệu ấy của quê hương. Anh trưởng thành từ hoạt động văn nghệ quần chúng, từ các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật của mảnh đất Phủ Quỳ và của Nghệ An. Dù không được đào tạo căn bản về nhạc lý hay sáng tác ca khúc, nhưng với phẩm chất thiên phú về âm nhạc và với lòng say sưa tự học, Trần Văn Hồng đã sáng tác nên nhiều ca khúc rất được giới chuyên môn đánh giá cao. Ca khúc do Trần Văn Hồng phổ nhạc không chỉ được biểu diễn tại các hội thi quần chúng mà đã có mặt tại các liên hoan lớn của cả nước. Anh đã viết đến 21 ca khúc, trong đó có 5 ca khúc về đề tài Bác Hồ, 6 ca khúc về mảnh đất Phủ Quỳ và những ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước. Nhưng khi bắt gặp tác phẩm thơ của Đại tá Dương Đình Văn thì hai người dường như có mối duyên may rất lạ lùng.

Có lẽ “mối duyên” thơ - nhạc giữa hai con người không hẹn mà gặp bắt đầu từ quãng thời gian Đại tá Dương Đình Văn được Công an tỉnh phân công về Thái Hoà giữ chức vụ lãnh đạo Công an thị xã. Tại đây, hồn thơ của người sĩ quan Công an nhân dân bắt gặp hồn nhạc của người nghệ nhân dân gian. Và khi sự đồng điệu quyện thành sản phẩm âm nhạc, người ta mới chợt nhận thấy đó là sự kết hợp tác tuyệt của hai con người chất phác từ mỗi lời nói, việc làm.

Hai con người, một tấm lòng

Đại tá Dương Đình Văn nói rằng, bình sinh mình không phải là người giỏi văn chương, thơ phú. Người đàn ông 57 tuổi sinh ra từ mảnh đất Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu) cũng cho rằng, trước đây chẳng bao giờ nghĩ là mình sẽ làm được thơ. Nhưng anh đã bị ảnh hưởng, bị cuốn vào thi phú từ… bố vợ. Hồi ấy, bố vợ anh (cũng là một sĩ quan Công an) vẫn thường nhờ anh thu âm lại những sáng tác thơ của ông, sau đó mỗi khi buồn, khi nhớ ông lại bật máy để nghe lại những vần thơ của mình. Từng nhiều năm công tác trong lĩnh vực an ninh văn hoá, an ninh chính trị, anh cũng được tiếp xúc, gặp gỡ, bầu bạn với nhiều người là văn nghệ sĩ. Có người thậm chí “vỡ lòng” cho anh về Đường thi, lục bát,… Đại tá Dương Đình Văn nói vui, với anh, việc làm thơ cũng như một sự rèn luyện, mài dũa mà thành. Nói vậy, nhưng tôi biết, phải là người giàu xúc cảm, sống nghĩa tình thì tiếng lòng mới cất lên thành vần thơ được.

Đại tá Dương Đình Văn và Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Hồng nhận giải A tại Cuộc thi sáng tác ca khúc về CAND năm 2020. Ảnh: NVCC

Đại tá Dương Đình Văn và Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Hồng nhận giải A tại Cuộc thi sáng tác ca khúc về CAND năm 2020. Ảnh: NVCC

Trở lại với bài thơ “Bản Di chúc Bác Hồ”, Đại tá Dương Đình Văn cho hay, tứ thơ không bất chợt đến với anh như nhiều bài anh viết trước đó. Anh từng nhiều lần và nhiều năm đọc bản Di chúc của Bác Hồ. Anh đọc di chúc của Bác không chỉ bởi đây là di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân và thế hệ mai sau, mà hơn hết là anh cảm thấu tình yêu lớn lao, vô bến bờ của vị Cha già dân tộc đối với từng con người, cá nhân cụ thể, trong đó có người chiến sĩ Công an nhân dân. Đại tá Dương Đình Văn cũng nói rằng, bằng nhiều cách các nhà nghiên cứu, học giả, nhà văn, nhà báo có thể giới thiệu Di chúc của Bác đến với công chúng, với nhân dân, nhất là trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập tấm gương, đạo đức, phong cách của Người. Với riêng cá nhân mình, anh muốn mượn hình tượng thơ để thể hiện tấm lòng với Bác Hồ và quê hương. Bài thơ được anh viết trong một đêm, nhưng phải sau hơn một tháng đọc đi, sửa lại anh mới gửi cho Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Hồng để xem có “nên nhạc” không.

Đại tá Dương Đình Văn trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Đại tá Dương Đình Văn trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Bất ngờ thay, chỉ chưa đến 10 ngày sau khi đón nhận bài thơ, Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Hồng đã “thổi hồn nhạc” vào bài thơ ấy. Bài thơ chỉ là những câu, những chữ mộc mạc, bình dị, ấy thế khi những nốt thăng, nốt giáng, cung thanh, cung trầm hiện dần trên khuôn nhạc, mỗi ca từ của bài hát trở nên cuốn hút như suối reo ngân vào lòng người: “Di chúc Bác trao truyền cho bao thế hệ/Di chúc Bác Hồ là di sản Việt Nam/Di chúc Bác Hồ là ngọn lửa thiêng liêng/Là kim chỉ nam soi đường dẫn lối”.

Qua điện thoại, Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thể thao và Truyền thông thị xã Thái Hoà rổn rảng cho hay, anh và Đại tá Dương Đình Văn dường như là “cặp đôi hoàn hảo”. Ca khúc “Di chúc Bác Hồ” không phải là sản phẩm của sự kết hợp đầu tiên của hai người. Đã có ít nhất 7 bài hát mà tác giả thơ là Dương Đình Văn còn tác giả âm nhạc là Trần Văn Hồng. Nổi bật có các ca khúc như: “Hành khúc Công an trên quê hương Bác Hồ”; “Người lính giữ biên cương”; “Thái Hoà trong tôi”… Các ca khúc này cũng tham gia nhiều hội diễn trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Đặc biệt, nếu “Thái Hoà trong tôi” trở thành bài hát truyền thống cho người dân cả thị xã Thái Hoà thì tác phẩm “Hành khúc Công an trên quê hương Bác Hồ” từng được chấm giải A tại Cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài Công an nhân dân toàn quốc năm 2020.

MV bài hát "Hành khúc Công an trên quê hương Bác Hồ".

Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Hồng cho biết: Có một điều rất lạ là mỗi khi Đại tá Dương Đình Văn gửi thơ cho mình để nhờ xem “có nên cơm cháo gì không”, thì dường như những nốt thăng, nốt giáng cứ tự vang lên trong đầu anh, nhạc cứ thế tuôn ra. Trần Văn Hồng cho biết, đây cũng là sự đồng điệu thơ - nhạc đến lạ lùng. “Nhiều đơn vị, cá nhân đến gặp mình đưa cả tập thơ dày cộm, nhờ tìm bài để phổ nhạc, lại còn bảo tiền không thiếu, nhưng không tài nào biến thành sản phẩm âm nhạc được. Vậy mà không hiểu sao, cứ đọc thơ của anh Văn là những nốt nhạc lại nhảy múa trong đầu. Mình cũng chẳng bao giờ nói chuyện tiền bạc, thấy hợp, thấy thích là phổ nhạc” - Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Hồng chia sẻ.

Trần Văn Hồng bắt gặp tính nhạc trong bài thơ “Di chúc Bác Hồ” có lẽ còn đến từ đồng điệu trong suy nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính tại mảnh đất Đông Hiếu - nơi anh gắn bó từ khi sinh ra, lớn lên vào tháng 12/1961 đã được đón Bác về thăm. Kính yêu Người, anh sáng tác nhiều ca khúc có hình bóng Bác, nhưng với bài hát “Di chúc Bác Hồ”, anh cũng như vị Trưởng phòng PA03 Dương Đình Văn đã gửi chút tấm lòng lên anh linh Người./.

Tin mới