Bất cập quanh việc bồi thường cho những hộ bị ảnh hưởng bởi Thủy điện Khe Bố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đều có đất bị ngập vào cùng thời điểm sau khi Thủy điện Khe Bố tích nước, nhưng hộ thì được đền bù với giá tiền 6.000 đồng/m2, còn hộ lại chỉ được một nửa mức ấy.

“Lệch” giá đền bù

Nhiều năm nay, ông Lương Đình Tiến (63 tuổi), ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương, gửi đơn khắp nơi để đòi lại quyền lợi do những thửa đất của ông bị ảnh hưởng bởi Dự án Thủy điện Khe Bố. Ông Tiến là 1 trong 25 hộ dân ở xã Tam Quang có đất bị ngập dưới lòng hồ thủy điện, nhưng chỉ được đền bù với giá tiền 3.000 đồng/m2, trong khi đó, những hộ còn lại được đền bù 6.000 đồng/m2, dù tất cả thửa đất đều bị ngập cùng lúc.

“Họ nói rằng, do thời điểm đất của tôi được lập hồ sơ bồi thường là năm 2019, nên chỉ được áp dụng giá đó. Còn những hộ lập hồ sơ trước và sau thời điểm đó, đều được hưởng mức giá cao gấp đôi. Nhưng việc lập hồ sơ để bồi thường muộn cũng có phải lỗi do tôi đâu”, ông Tiến bức xúc.

Năm 1998, ông Tiến được huyện Tương Dương giao 13,3 ha đất với thời gian 50 năm. Đến năm 2007, có 7 ha đất trong số này bị thu hồi để làm Thủy điện Khe Bố. Tuy nhiên, ông Tiến không được nhận tiền bồi thường cho khu đất này. Sau nhiều năm khiếu nại, ông mới biết lý do không được đền bù là do khu đất đó được phân lại địa giới hành chính thuộc vào xã Tam Đình. Vì thế, phải lấy ý kiến của trưởng bản về nguồn gốc và được UBND xã Tam Đình xác nhận không có tranh chấp mới đủ điều kiện xem xét lập hồ sơ bồi thường về đất. Trong khi đó, Chủ tịch xã UBND Tam Đình và trưởng bản đều không chịu ký xác nhận nguồn gốc đất. Để đổi lấy 2 chữ ký này, phía xã Tam Đình đã đề nghị ông Tiến trả lại 6,3 ha phần đất còn lại bị ngập. Sau đó, mặc dù ông Tiến đã có đơn trả lại, nhưng Chủ tịch UBND xã cũng như Ban Quản lý bản vẫn không chịu ký xác nhận. Phía xã Tam Đình sau đó yêu cầu ông Tiến phải “hỗ trợ” mới chịu ký.

bna_ab1.jpg
Ông Tiến đang mưu sinh trên lòng hồ Thủy điện Khe Bố. Ảnh: Tiến Hùng

Sau nhiều lần thương thảo, phía xã Tam Đình mới đồng ý giảm số tiền này xuống 40 triệu đồng. 3 năm trước, ngay sau khi Báo Nghệ An phản ánh vụ việc, Bí thư Huyện ủy Tương Dương đã trực tiếp chỉ đạo xã Tam Đình phải trả lại số tiền 40 triệu đồng cho ông Tiến, đồng thời, khẩn trương hoàn thành thủ tục cho hộ dân này.

Sau hành trình dài khiếu nại, ông Tiến cuối cùng cũng được lập hồ sơ để bồi thường cho 7 ha đất bị ngập, tuy nhiên, lúc này ông chỉ được đền bù với giá tiền là 3.000 đồng/m2. Cho rằng không công bằng, ông Tiến tiếp tục làm đơn khiếu nại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có ông Tiến, tại xã Tam Quang có đến 25 hộ cũng bị áp mức giá đền bù này. Ngoài ra, còn có nhiều hộ dân khác ở 2 xã Tam Đình, Tam Thái. Đây đều là những hộ được lập hồ sơ bồi thường trong giai đoạn 2016-2019. Còn những hộ được lập hồ sơ bồi thường trước và sau giai đoạn này, đều được đền bù mức giá gấp đôi. Trong khi, tất cả những thửa đất này đều bị ngập cùng thời điểm, khi Thủy điện Khe Bố tích nước vào năm 2013.

bna_ab2.jpg
7 ha đất của ông Tiến đã chìm dưới lòng hồ từ 10 năm nay nhưng chỉ mới được đền bù. Ảnh: Tiến Hùng

Người dân thiệt thòi

Theo một lãnh đạo UBND huyện Tương Dương, Dự án Thủy điện Khe Bố được khởi công xây dựng từ năm 2007 và đến năm 2013 công trình tích nước đưa vào vận hành sử dụng. Tuy nhiên, đến nay, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư một số hạng mục vẫn chưa hoàn thành. Đặc biệt là việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ về đất nông nghiệp, giá đất để tính bồi thường, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về áp giá đất, dự án bắt đầu thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ về đất từ năm 2007 đến nay, nên về giá đất rừng sản xuất có nhiều thay đổi cả tăng và giảm, cụ thể: Khi bắt đầu thực hiện dự án, áp dụng giá đất rừng sản xuất theo bảng giá đất huyện Tương Dương được UBND tỉnh phê duyệt là 6.000 đồng/m2.

Đến năm 2016, thực hiện Luật Đất đai 2013, khi xây dựng giá đất cụ thể phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ về đất của Dự án Thủy điện Khe Bố, UBND huyện Tương Dương đã tổng hợp trình UBND tỉnh, theo đó, đã đề nghị tiếp tục áp giá đất rừng sản xuất là 6.000 đồng/m2 để đảm bảo công bằng chung của dự án. Tuy nhiên, không được UBND tỉnh chấp thuận, mà giá đất rừng sản xuất giảm xuống còn 3.000 đồng/m2.

“Cho đến năm 2020, thực hiện Quyết định số 63 của UBND tỉnh về việc ban hành bảng giá đất các loại từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024 trên địa bàn huyện Tương Dương, thì giá đất rừng sản xuất là 6.000/m2, bằng với giá đất áp dụng của dự án từ năm 2007 đến 2015”, vị lãnh đạo UBND huyện nói và cho hay, hiện nay, các hộ được bồi thường trong giai đoạn 2016-2019 có rất nhiều đơn thư, kiến nghị xem xét áp dụng bổ sung giá đất đối với đất rừng sản xuất cho toàn bộ dự án cùng chung một giá là 6.000 đồng/m2.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Tương Dương, hiện nay, UBND huyện Tương Dương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét cho phép áp dụng giá đất rừng sản xuất giai đoạn 2016-2019 đối với Dự án Thủy điện Khe Bố từ 3.000 đồng/m2 lên 6.000 đồng/m2, để tạo sự đồng thuận giữa nhân dân và chủ đầu tư, đảm bảo công bằng, tránh đơn thư khiếu kiện, khiếu nại, đồng thời, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người sử dụng đất. Vì thực tế đất đã bị ngập từ tháng 4 năm 2013 và nhân dân không tiến hành sử dụng đất từ đó đến nay; nguyên nhân do có một số vướng mắc, nên đến giai đoạn 2016-2019 mới đủ điều kiện lập hồ sơ bồi thường về đất. Trong đó, có trường hợp của ông Lương Đình Tiến.

Không chỉ có bất cập về giá đất đền bù, nhiều hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi Thủy điện Khe Bố cũng thiệt thòi vì nhiều chính sách khác. Theo quy định, thì khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo thì người dân được miễn tiền sử dụng đất. Tại thời điểm huyện Tương Dương tiến hành cấp Giấy chứng nhận cho các xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Thạch Giám, Xá Lượng đều thuộc xã đặc biệt khó khăn nên được miễn tiền sử dụng đất (trước năm 2014).

Theo lãnh đạo UBND huyện Tương Dương, thời điểm đó những hộ bị ảnh hưởng một phần diện tích đất do Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án Thủy điện Khe Bố chưa được cấp Giấy chứng nhận do chưa được chủ đầu tư đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính. Theo quy định, phải “hỗ trợ chi phí điều chỉnh hồ sơ quản lý đất đai theo phương thức chủ đầu tư thanh toán cho cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai. Ngoài ra, không được thu bất kỳ một khoản tiền nào, kể cả phí và lệ phí".

bna_ab3.jpg
Thủy điện Khe Bố khởi công từ năm 2007, đến năm 2013 tích nước nhưng đến nay chưa hoàn thành công tác bồi thường. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khi đó, hiện nay, các xã nằm trong phạm vi ảnh hưởng Dự án Thủy điện Khe Bố, gồm: Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Xá Lượng và thị trấn Thạch Giám đã về đích nông thôn mới và ra khỏi xã đặc biệt khó khăn. Vì vậy, theo quy định phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc này khiến những hộ dân này cho rằng, không công bằng.

“Để tạo sự đồng thuận giữa người dân, đảm bảo công bằng và tránh được khiếu kiện, khiếu nại của người dân, đồng thời, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người sử dụng đất, UBND huyện cũng đã kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét cho áp dụng chính sách tại thời điểm tích nước lòng hồ, cụ thể, trước ngày 13/5/2013 để đảm bảo quyền lợi, công bằng như các hộ khác trong khu vực”, vị lãnh đạo huyện nói thêm.

Ngoài ra, những hộ dân bị ảnh hưởng bởi Thủy điện Khe Bố, cũng không được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm việc làm, đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bằng hình thức hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ 2 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá do UBND tỉnh ban hành./.

Tin mới