Bạt rừng vào “ốc đảo” ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Hàng trăm lượt người được huy động xẻ núi, bạt rừng để mở con đường vách núi dài hàng chục km để đến với “ốc đảo” biệt lập ở bản vùng cao xã Hữu Khuông (Tương Dương).

Những ngày cuối năm, không khí trên xã vùng cao Hữu Khuông nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng người hô hào nhau mang dụng cụ lên rừng mở đường vào bản. Đây được xem là một trong những xã đặc biệt khó khăn nhất của huyện nghèo Tương Dương nằm trên khu vực lòng hồ thủy điện bản Vẽ. Xung quanh là núi non bao bọc, ở giữa là lòng hồ, Hữu Khuông trở thành một “ốc đảo” biệt lập trên đại ngàn miền Tây xứ Nghệ.

Nhiều
Nhiều "ốc đảo" ở Hữu Khuông hiện nay phương tiện lưu thông duy nhất vẫn là thuyền. Ảnh: Đào Thọ

Theo Chủ tịch xã Lô Văn Chiến, hiện còn nhiều bản của Hữu Khuông vẫn chưa có đường đi vào. Muốn đến được bản, phương tiện duy nhất của bà con là thuyền. Những chiếc thuyền độc mộc không chỉ là công cụ làm ăn mà nó còn trở thành phương tiện để bà con lưu thông trên vùng “ốc đảo” này.

Dù rất bận rộn trong những ngày giáp Tết nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền các cấp, đợt này 2 bản Huồi Cọ và bản Xàn đã huy động hơn 800 trăm lượt người để bạt rừng, mở núi đào con đường dài 15 km từ trung tâm xã ở bản Con Phen vào tới bản Xàn.

Con đường men theo vách núi dài 15 km từ bản Xàn tới trung tâm xã lâu nay là mơ ước đối với bà con. Ảnh: Đào Thọ
Con đường men theo vách núi dài 15 km từ bản Xàn tới trung tâm xã lâu nay là mơ ước đối với bà con. Ảnh: Đào Thọ

Có mặt trên “ốc đảo” này vào sáng sớm, chúng tôi mới hiểu được khát khao có một con đường của người dân nơi đây như thế nào. 207 hộ định cư bao nhiêu đời ở bản Xàn lâu nay chỉ biết đến chiếc thuyền để đi trên sông hay luồn trong rừng rậm mỗi khi muốn đến trung tâm xã.

Bây giờ, nghe nói có một con đường có thể dùng xe máy để chạy thì ánh mắt người nào người nấy sáng lên một niềm hi vọng.

Mọi người hồ hởi bạt rừng, mở lối vào bản. Ảnh: Đào Thọ
Mọi người hồ hởi bạt rừng, mở lối vào bản. Ảnh: Đào Thọ

Trưởng bản Xàn, ông Lô Đình Chiến tay cầm cuốc vừa đào vừa thi thoảng ngước đầu lên thúc dục bà con nói với chúng tôi rằng: “Bao nhiêu đời nay dân bản không biết đến chiếc xe máy là gì, đi đâu cũng kổ cả. Hôm nay mở đường không xong thì ngày mai mở tiếp, đến khi nào có đường thì thôi”.

Người nhễ nhại mồ hôi, anh Vi Văn Quang hồ hởi: “Gia đình tôi hôm nay tất cả nghỉ việc nương rẫy để đi mở đường. Không có đường thì hàng hóa mình làm ra biết bán cho ai. Tội nhất là con cái đi học kiếm cái chữ cũng khó khăn hơn. Không mở được đường thì chúng tôi còn khổ nữa”. Lời nói của anh Quang như thúc dục bao nhiêu người khác cố gắng hoàn thành sớm công việc.

Tranh thủ nghỉ ngơi ngay tại rừng để tiếp tục công việc. Ảnh: Đào Thọ
Tranh thủ nghỉ ngơi ngay tại rừng để tiếp tục công việc. Ảnh: Đào Thọ

Những ngày đầu, hàng trăm lao động đã mở được hơn 2 km đường.

Theo kế hoạch, sau Tết Nguyên đán, chính quyền xã sẽ tập trung hoàn thành con đường này để bà con bản Xàn lưu thông.

Tin mới