Báu vật giữa rừng già

Báu vật giữa rừng già

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Trong cái thâm u và những mảnh ánh sáng yếu ớt của tiết trời mùa Đông rót xuống qua kẽ lá, tôi dựa lưng vào tấm thân xù xì nhưng ngào ngạt hương của cây sa mu cổ thụ, chợt nhận thấy mình thật bé nhỏ…

Băng rừng

Sau mấy lần hẹn, cuối cùng tôi cũng được theo chân các cán bộ kiểm lâm và cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương đi kiểm tra rừng sa mu trong tít tắp rừng già Tam Hợp, sát với biên giới Việt – Lào và cũng gần với vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát.

5 giờ sáng, khi bóng đêm còn đặc quánh, từ thị trấn Thạch Giám - huyện lỵ Tương Dương, chúng tôi lên đường trong cái rét căm căm của miền biên viễn. Lô Văn Thúy - một cán bộ trẻ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương trấn an rằng: “Từ thị trấn vào đến trung tâm xã Tam Hợp hết 30 cây số, thêm khoảng 25 cây số đường đèo dốc và 3 giờ đi bộ là sẽ đến nơi. Cũng không xa lắm đâu anh”. Là người địa phương, vào ngành 5 năm, nhưng thời gian chính của Thúy là ở rừng. Việc trèo đèo, lội suối, băng rừng với anh là chuyện cơm bữa, đâu biết rằng, với tôi là một thử thách gian nan. Ngoài trời, dù qua bao lớp mũ, gió lạnh vẫn rít từng cơn bên tai.

bna-con-duong-tiep-can-voi-canh-rung-sa-mu-het-suc-gian-nan-anh-tien-dong-7047.jpg
Bằng xe máy, chúng tôi tiến sâu vào rừng già Tam Hợp trên những con đường dốc đá lởm chởm. Ảnh: Tiến Đông

Từ thị trấn Thạch Giám, xuống đến Tam Thái, chúng tôi có thêm 2 cán bộ kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm địa bàn Tam Thái cùng đi. Tất cả hẹn nhau vào đến Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Tam Hợp sẽ lấy thêm đồ dùng cần thiết, trang thiết bị đi rừng, cùng thực phẩm đủ cho cả đoàn rồi tiếp tục hành trình.

Sau khi lót dạ bằng vắt xôi nếp, Trạm trưởng Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Tam Hợp là anh Kha Văn Lai đưa cho tôi một đôi tất dài đến đầu gối, cùng chiếc xà cạp. Anh bảo mang trùm hẳn lên quần dài, sau đi thêm đôi dép rọ vào thì yên tâm mà vào rừng. Đây được xem là vật bất ly thân của cán bộ bảo vệ rừng. Nó có thể bịt kín những khoảng hở trên chân để tránh sên, vắt bám vào. Hơn nữa còn giúp bảo vệ chân khỏi bị gai nhọn và những lá cỏ tranh sắc như dao cứa gây thương tích.

bna-mot-cum-cay-sa-mu-vut-cao-len-giua-rung-gia-anh-tien-dong-6080.jpg
Khu vực rừng lạnh nguyên sinh Tam Hợp có nhiều quần thể sa mu vút cao hơn so với các loài thực vật khác. Ảnh: Tiến Đông

Khu vực chúng tôi hướng đến được gọi là rừng lạnh nguyên sinh Tam Hợp, nằm sâu trong biên giới Việt – Lào. Khu vực này có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát lạnh, thường có mây mù bao phủ nên tạo ra hệ sinh thái hết sức đa dạng. Trong đó, loài cây sa mu thường phân bố ở những khu vực có độ cao lớn, sườn núi dốc, vươn lên cao hẳn so với các tầng thực vật khác bên dưới.

Từ trung tâm xã Tam Hợp, qua Xốp Nặm, Văng Môn, đến bản Phá Lõm, chúng tôi được đích thân trưởng bản là anh Xồng Bá Chớ cùng 2 đồng chí cán bộ Đồn Biên phòng Tam Hợp đợi sẵn để dẫn đường. Con đường Tam Thái – Tam Hợp với điểm cuối là Cửa khẩu Tam Hợp vốn là tuyến đường quan trọng vận chuyển gỗ từ Lào về Việt Nam cách đây khoảng 10 năm về trước. Nhưng kể từ năm 2016, khi Chính phủ Lào quyết định đóng cửa rừng, con đường này gần như không có xe cộ qua lại. Mưa lũ, sạt trượt, cộng với việc không được đầu tư, khiến cho con đường trở nên lầy lội và rất nham nhở. Những dốc cao dựng ngược, góc cua tay áo chênh vênh dưới vực sâu thẳm khiến cho việc ngồi xe máy tiến sâu vào rừng khá căng thẳng.

bna-to-cong-tac-mo-ban-do-xac-dinh-vi-tri-cua-canh-rung-sa-mu-anh-tien-dong-8144.jpg
Tổ công tác xác định vị trí rừng sa mu trên bản đồ trước khi leo bộ tiếp cận. Ảnh: Tiến Đông

Sau hơn 2 giờ đánh vật với tuyến đường lởm chởm, khi chỉ còn cách Cửa khẩu Tam Hợp tầm 3 km, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm địa bàn Tam Thái – Trần Văn Sỹ khoát tay cả đội bảo dừng xe nép bên vệ đường rồi bắt đầu hành trình leo bộ. Tại khu vực này, nhìn ra xa đã thấy những khóm rừng sa mu vút cao lên so với phần còn lại. Trông thì thật gần, nhưng để đến được nơi cũng phải mất hàng giờ đi bộ. Không có đường, chúng tôi phải vừa đi, vừa mở lối, lại còn phải để ý xem sên, vắt có bám vào người hay không.

bna-luon-lach-giua-nhung-cay-bui-ram-de-den-voi-rung-sa-mu-anh-tien-dong-8206.jpg
Luồn lách giữa những bụi cây rậm để tiếp cận rừng sa mu. Ảnh: Tiến Đông

Là người thông thuộc vùng rừng lạnh này, Trưởng bản Phá Lõm - Xồng Bá Chớ tiên phong dẫn đầu. Anh vừa đi vừa phát dọn những cành gai nhọn để mọi người đi sau bám theo. Sau những rộn rã ban đầu, càng vào sâu trong rừng, lối đi càng khó khăn, dốc, hẹp và chằng chịt những cây rừng. Mọi người bám sát nhau, thỉnh thoảng người đi trước còn quay lại hỏi người đi sau, để không ai bị tụt lại phía sau quá xa. Cũng có lúc gặp vách cao không thể vượt qua, buộc chúng tôi lại phải vòng lại tìm lối khác.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ cắt rừng, đến xế trưa, chúng tôi cũng đã đến nơi, nhìn những gốc sa mu sừng sững trước mặt, ai nấy đều vỡ òa. Ngước nhìn theo thân cây thẳng tắp bám đầy rêu xanh, cả một khoảng trời trong veo đầy khát khao mở ra.

bna-mo-duong-tiep-can-voi-cac-goc-sa-mu-co-thu-anh-tien-dong-3927.jpg
Việc tiếp cận rừng sa mu là điều rất vất vả. Ảnh: Tiến Đông

Báu vật của bản

Dưới gốc cây sa mu có đường kính 4-5 người ôm không xuể, chúng tôi phát hiện một số thân cây to lớn đổ xuống, mục ruỗng. Trưởng bản Chớ bảo, có lẽ rất lâu rồi không có ai đặt chân đến cánh rừng này. Trước đây, người Mông ở Phá Lõm nói riêng và xã Tam Hợp nói chung thường vào rừng lấy về làm ván thưng nhà và chẻ ra lợp mái. Nay sa mu được bảo vệ nghiêm ngặt, ý thức người dân cũng đã được nâng lên nên càng xem sa mu như báu vật của làng, của bản.

bna-than-cay-sa-mu-da-bi-reu-bam-day-anh-tien-dong-9844.jpg
Thân cây sa mu phủ đầy rêu xanh vút cao giữa rừng già. Ảnh: Tiến Đông
bna-theo-tin-hieu-dinh-vi-gps-rung-sa-mu-nay-nam-o-do-cao-1200m-so-voi-muc-nuoc-bien-anh-tien-dong-7224.jpg
Theo định vị GPS, vị trí quần thể sa mu này ở độ cao xấp xỉ 1.200m so với mực nước biển. Ảnh: Tiến Đông

Theo thông tin khoa học, sa mu, hay sa mu dầu có tên là Cunninghamia konishii Hayata, thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae). Ở Nghệ An, nó còn có tên gọi khác là lông lênh hay ngọc am. Cây sa mu chủ yếu phân bố trong những cánh rừng nguyên sinh chạy dọc biên giới Việt – Lào, khu vực hỗn giao giữa cây lá rộng và cây lá kim, với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, và là nơi có độ dốc từ 12 độ đến 40 độ.

Theo thông tin các nhà khoa học đã công bố, đặc điểm sinh thái của loài cây này là thân cây to, có thể cao đến hơn 50m, có cây lên tới 70m, đường kính thân có thể đạt tới 4-5m, tán lá hình tháp. Lá sa mu mọc xoắn ốc rất dày đặc, có gốc vặn, do đó xếp ít nhiều thành 2 dãy.

bna-to-cong-tac-va-phong-vien-bao-nghe-an-ben-goc-sa-mu-co-thu-anh-tien-dong-4461.jpg
Tổ công tác và phóng viên Báo Nghệ An bên một gốc cây sa mu cổ thụ. Ảnh: Tiến Đông

Tại Nghệ An, nơi có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây được công nhận vào tháng 9/2007, với tổng diện tích 1.303.285 ha; là hành lang xanh kết nối 3 vùng lõi gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt; trong đó, Vườn Quốc gia Pù Mát là trung tâm, với sự đa dạng sinh học rất cao, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng, bao gồm: núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác. Trong khu vực, có 1.297 loài thực vật đã được điều tra và ghi nhận, trong đó có cây sa mu. Cũng chính vì vậy mà dọc tuyến biên giới Việt – Lào, từ huyện Quế Phong kéo sang các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, rất nhiều cánh rừng sa mu đã được xác định và kiểm đếm.

Đặc biệt, kể từ năm 1998, khi một nhóm chuyên gia điều tra đa dạng sinh học phát hiện cây sa mu cổ thụ có đường kính 5,4m, cao khoảng 40 - 50m ở Vườn Quốc gia Pù Mát, đến nay đã có hàng chục cây sa mu cổ thụ ở Nghệ An được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản.

bna-to-cong-tac-ben-mot-cay-sa-mu-khac-trong-quan-the-sa-mu-o-rung-lanh-nguyen-sinh-tam-hop-anh-tien-dong-1837.jpg
Tổ công tác bên một gốc sa mu khác trong cụm rừng sa mu ở Tam Hợp. Ảnh: Tiến Đông

Mặc dù được chính thức phát hiện và ghi nhận những giá trị khoa học khá muộn, nhưng theo Trưởng bản Phá Lõm thì hàng trăm năm trước, sa mu đã được người Mông dùng làm vật liệu dựng nhà. Ở Phá Lõm hiện nay cũng còn rất nhiều ngôi nhà lợp mái và thưng bằng ván sa mu như thế. Dù không biết được đích xác những giá trị khoa học, nhưng với người Mông, gỗ sa mu thơm và rất bền. Ván sa mu khi được chẻ ra để lợp nhà, vào mùa nắng thường khô lại, tạo các khe hở để gió lùa thông thoáng, nhưng khi mưa xuống, gỗ lại nở ra, che kín giúp nhà không bị dột nước. “Có những mái nhà lợp bằng gỗ sa mu để cả trăm năm cũng không hỏng, có khi còn được rêu phủ lên làm dày thêm” - Trưởng bản Xồng Bá Chớ khẳng định.

bna-anh-xong-ba-cho-truong-ban-pha-lom-cho-biet-huong-uoc-cua-ban-cung-da-noi-den-noi-dung-bao-ve-rung-sa-mu-anh-tien-dong-6145.jpg
Trưởng bản Phá Lõm - Xồng Bá Chớ cho biết, hiện nay Hương ước của bản đã quy định cấm chặt phá sa mu dưới mọi hình thức. Ảnh: Tiến Đông

Hiện tại, bản Phá Lõm có 128 hộ dân, với 687 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông, thuộc 5 họ chính. Để bảo vệ những cây sa mu cổ thụ, trong Hương ước của bản còn có điều là cấm chặt phá sa mu dưới mọi hình thức. Nếu hộ nào không chấp hành, ngoài bị xử lý theo pháp luật còn bị Hương ước của bản xử lý.

Dẫu vậy, việc quản lý, bảo vệ rừng nói chung và những rừng sa mu, pơ mu quý hiếm nói riêng vẫn là điều luôn canh cánh trong lòng những người cán bộ giữ rừng như lực lượng kiểm lâm hay ban quản lý rừng phòng hộ. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm địa bàn Tam Thái, thuộc Hạt Kiểm lâm Tương Dương - Trần Văn Sỹ trầm tư cho biết: Tương Dương là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh, với 281.129 ha (chiếm 17% diện tích toàn tỉnh) trong đó, 92,3% là đất lâm nghiệp với 259.566 ha, trong đó có 86.602,35 ha rừng phòng hộ, trải dài trên địa bàn 16/17 xã, thị trấn của huyện. Chỉ riêng Trạm Kiểm lâm địa bàn Tam Thái chỉ có 3 người nhưng quản lý cả một diện tích rừng rộng lớn của 3 xã Tam Thái, Tam Đình, Tam Hợp, với hàng nghìn ha rừng, là một khối lượng công việc hết sức khổng lồ.

bna-danh-dau-ngay-kiem-tra-cay-sa-mu-anh-tien-dong-8596.jpg
Đánh dấu ngày kiểm tra trên thân cây sa mu. Ảnh: Tiến Đông

“Áp lực lắm. Áp lực của việc giữ rừng, bảo vệ rừng, trước cả những đối tượng xấu đang ngày đêm nhòm ngó đến những cây gỗ quý trong rừng. Nhưng nhờ có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các chủ rừng, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng biên phòng nên những cánh rừng sa mu vẫn được giữ vững”, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm địa bàn Tam Thái chia sẻ.

Sa mu là loại cây gỗ quý hiếm thuộc nhóm 1A trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Thịt gỗ có màu vàng đậm hoặc hơi đỏ nhạt, thớ gỗ thẳng, có dầu và rất thơm. Chính vì sở hữu những đặc tính hiếm có nên sa mu luôn bị các đối tượng chặt phá rừng hướng đến và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Thế nên, cùng với việc bảo vệ nghiêm ngặt những quần thể sa mu hiện có, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền cho người dân về những giá trị khoa học và ký cam kết không chặt phá cây sa mu...

Đồng chí Nguyễn Hải Âu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tương Dương

bna-lua-chon-mot-mom-cao-de-quan-sat-khi-tiep-can-gan-den-voi-cay-sa-mu-anh-tien-dong-2101.jpg
Những năm qua, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, nhất là lực lượng biên phòng, những cánh rừng sa mu ở Tam Hợp luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Tiến Đông

Sau khi làm các thủ tục như đo đường kính, xác định toạ độ, đánh dấu ngày kiểm tra, cũng đã đến lúc chúng tôi tạm biệt rừng sa mu để quay trở ra trước lúc trời tối. Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, những lớp núi điệp trùng, xanh thẳm gối đầu nhau chạy dài hút tầm mắt. Trong cái thâm u và những mảnh ánh sáng yếu ớt của tiết trời mùa Đông rót xuống qua kẽ lá, tôi dựa lưng vào tấm thân xù xì nhưng ngào ngạt hương của cây sa mu cổ thụ, chợt nhận thấy mình thật bé nhỏ. Bé nhỏ, so với “cụ cây” hàng trăm năm tuổi và với sự mênh mông của rừng già….

Tin mới