Báu vật xanh ở Na Hang

Báu vật xanh ở Na Hang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Chúng tôi ghé bản Na Hang, xã biên giới Mai Sơn (Tương Dương), được cán bộ, người có uy tín của bản dẫn đi thăm rừng đinh hương nguyên sinh với hàng trăm gốc vươn mình đón nắng.

Lập hương ước bảo vệ rừng

duong-vao-ban-na-hang-714-9575-3109.jpg
Đường vào bản Na Hang, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương. Ảnh: Khánh Ly

Vòng tay ôm những gốc đinh hương sần sùi, vỏ màu nâu tối, thân thẳng đứng, rễ bám sâu vào lòng đất, hút nhựa sống của đất trời, tỏa mùi hương gỗ thơm dịu nhẹ, ông Kha Văn Tuấn - nguyên cán bộ lãnh đạo xã Mai Sơn, cũng là một trong những hộ dân đầu tiên của bản đồng bào Thái Na Hang cho biết: Khi mới thành lập bản vào năm 1994, khu rừng này mới chỉ có những cây đinh hương nhỏ mọc tự nhiên, nhờ ý thức bảo vệ, giữ gìn của bà con dân bản trong hơn 30 năm qua, nay mới có rừng nguyên sinh rộng lớn với hàng trăm gốc đinh hương lớn, nhỏ.

ong-kha-van-tuan-nguoi-uy-tin-o-ban-na-hnag-ben-nhung-goc-dinh-huong-hang-chuc-nam-tuoi1-651-9492.jpg
Ông Kha Văn Tuấn- Người uy tín ở bản Na Hang, xã Mai Sơn (Tương Dương) bên những gốc đinh hương hàng chục năm tuổi. Ảnh: Khánh Ly

“Muốn đi hết diện tích rừng đinh hương này phải mất ít nhất một ngày. Có những cây ngày trước mới chỉ bằng bắp tay, giờ thì vòng tay người ôm không xuể!”, ông Tuấn nói đầy tự hào.

Chiêm ngưỡng khu rừng quý được mệnh danh là “báu vật xanh” này, chúng tôi càng thêm cuốn hút bởi câu chuyện giữ rừng của người dân bản Thái nơi biên giới.

bao-cao-hdbt-ngay-17-3277-4144.jpg
Các thế hệ cán bộ bản Na Hang giới thiệu với lãnh đạo xã Mai Sơn (huyện Tương Dương) về rừng đinh hương. Ảnh: Khánh Ly

Trước đây, bản Na Hang vốn là khu vực sản xuất của các bản Huồi Xá, Huồi Tố, mới đầu chỉ có vài hộ dân làm nhà tạm để trồng trọt, chăn nuôi, chủ yếu là trồng lúa. Khi thành lập bản Na Hang chỉ có 15 hộ, sau này phát triển dần lên 29 hộ, 135 khẩu, với 5 dòng họ gồm Lương, Vi, Kha, Lo, Lô. Đời sống của bà con phụ thuộc vào nương rẫy, trồng rừng, chăn nuôi, khai thác lâm sản.

Những ngày đầu, ở đây chỉ có 1 tổ Đảng 3 người, gồm các ông: Kha Văn Tuấn, Vi Văn Vinh, Lương Văn Toàn. Ông Kha Văn Tuấn khi đó được bầu làm trưởng bản, đã cùng với già làng, người có uy tín tuyên truyền cho người dân biết tầm quan trọng của rừng - tài sản chung ai cũng có trách nhiệm bảo vệ, nhất là rừng đinh hương. Bởi đây là một loại gỗ quý, thuộc họ trầm hương, lá và vỏ tỏa mùi thơm đặc trưng đậm hương thảo dược; màu sắc và vân gỗ rất đẹp, có giá trị kinh tế cao.

nguoi-uy-tin-va-can-bo-ban-na-hang-trao-doi-voi-phong-vien-ve-huong-uoc-bao-ve-rung-cua-nguoi-dan-ban-na-hang-2127-2498.jpg
Người uy tín và cán bộ bản Na Hang, xã Mai Sơn (Tương Dương) trao đổi về hương ước bảo vệ rừng của bản. Ảnh: Quỳnh An

Để giữ gìn, bảo vệ “báu vật” này của bản không bị những tay “săn gỗ” đốn hạ, hàng chục năm qua, ban quản lý, người dân bản Na Hang đã nhắc nhở nhau bảo vệ toàn vẹn diện tích rừng.

“Bí quyết” giữ rừng của bà con bản Na Hang chính là Hương ước bảo vệ rừng. Mới đầu, chỉ là những quy ước truyền miệng qua các thế hệ, nhưng được người dân đồng lòng tuân thủ.

nhung-cay-dinh-huong-vuon-minh-don-nang-o-ban-na-hang-8087-9558.jpg
Những cây đinh hương vươn mình đón nắng ở xã Mai Sơn (Tương Dương). Ảnh: Khánh Ly

Sau này, để phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở, người dân bản Na Hang đã cùng nhau lập ra Hương ước bằng văn bản, với sự góp ý của chính quyền và ngành chức năng, trong đó có những điều khoản cụ thể về bảo vệ và phát triển rừng.

Giữ vốn quý cho đời sau

Theo chân “cặp đôi” Bí thư Chi bộ và Trưởng bản trẻ tuổi là Kha Văn Ba (SN 1987), Kha Văn Ót (SN 1990), men theo những lối mòn nhỏ đi sâu vào rừng đinh hương, chúng tôi tiếp tục câu chuyện giữ rừng. Biết thêm bản Na Hang đã thành lập 2 tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ từ 7-9 hộ; mỗi tháng 2 lần, các tổ phối hợp với ban quản lý bản và lực lượng kiểm lâm đi tuần tra.

Clip thăm rừng đinh hương tại bản Na Hang, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương. Clip: Khánh Ly

“Hiện tại, toàn bản đang bảo vệ và chăm sóc rừng đinh hương với diện tích 100 ha và 170,3 ha rừng sản xuất. Người dân tuyệt đối không chặt phá, làm rẫy những chỗ có rừng, với quan điểm giữ gìn tài sản quý cho con cháu sau này. Nếu ai vi phạm đều bị xử phạt nghiêm theo quy định của bản. Vi phạm lớn thì báo cáo chính quyền xã, kiểm lâm địa bàn để xử lý theo quy định của pháp luật”, Bí thư Chi bộ bản Na Hang - anh Kha Văn Ba nói.

bna-fotojet-8-3264.jpeg
Bí thư Chi bộ bản Na Hang Kha Văn Ba (ảnh trên bên trái) luôn nhắc nhở người dân tuân thủ những quy định bảo vệ rừng; Trưởng bản Na Hang Kha Văn Ót (ảnh trên bên phải) kiểm tra gốc đinh hương trong rừng nguyên sinh; các thế hệ người dân bản Na Hang, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy định bảo vệ rừng. Ảnh: Khánh Ly

“Từ nhỏ, chúng tôi đã nghe cha ông dặn dò không được chặt gỗ trong rừng để trao đổi hay mua bán, mà phải cùng nhau chăm sóc, giữ gìn. Cây nào tự gãy thì mới cho người dân tận thu để làm nhà, gia đình nào trong bản dựng nhà tìm cách vào rừng chặt cây sẽ bị phạt nặng”, Trưởng bản Na Hang - anh Kha Văn Ót cho biết thêm.

Theo các bậc cao niên trong bản, ý thức giữ rừng đã ngấm vào máu thịt của dân bản qua các thế hệ. Những năm qua, bản Na Hang còn được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thêm động lực để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng.

“Gắn bó với rừng, sống cùng rừng, hưởng lợi từ rừng nên bà con dân bản Na Hang coi việc giữ rừng là giữ cho bản làng luôn bình yên, no ấm. Đây cũng là mô hình “Dân vận khéo” điển hình ở địa phương”, ông Lô Anh Điện - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mai Sơn cho biết.

nguoi-dan-ban-na-hang-thanh-lap-cac-to-tuan-tra-de-bao-ve-rung-dinh-huong3-3490-7077.jpg
Người dân bản Na Hang thành lập các tổ tuần tra để bảo vệ rừng đinh hương. Ảnh: Quỳnh An

Để dân bản yên tâm giữ rừng, bám rừng, Chi bộ, Ban Quản lý bản Na Hang tích cực tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế hộ, xóa đói, giảm nghèo; tận dụng đất bằng ven khe, suối để trồng rau, đậu các loại; xây dựng các mô hình kinh tế (chăn nuôi dê, trâu, bò, gia cầm, mô hình vườn-ao-chuồng)…

khung-canh-binh-yen-o-ban-na-hang-8974-2192.jpg
Khung cảnh bình yên ở bản Na Hang, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương. Ảnh: Khánh Ly

Nhờ vậy, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá. Đặc biệt, nhờ đồng lòng bảo vệ rừng, dân bản Na Hang được thiên nhiên trả công xứng đáng khi được sống giữa màu xanh trùng điệp, không khí trong lành, với những cây gỗ quý đang tiếp tục vươn lên xanh tốt giữa đại ngàn...

Tin mới