Trao đổi:

Bỏ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đến bây giờ và chắc còn lâu nữa, không chỉ ở ta mà các nước tiên tiến, bầu cử và lấy phiếu tín nhiệm vẫn là một hoạt động cần thiết trong công tác cán bộ các cấp của Đảng và hệ thống chính trị.

Bỏ phiếu kín là một hình thức phát huy dân chủ; người bỏ phiếu được tự mình thể hiện ý kiến cá nhân khi đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm của cá nhân mình đối với một tập thể hoặc cá nhân theo yêu cầu của tổ chức. Mỗi khi bầu cử hoặc thăm dò tín nhiệm chức danh nào đó, người ta thường tổ chức bỏ phiếu như bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bầu Ban Chấp hành, bầu Bí thư, Chủ tịch,...

Ngoài mục đích để bầu, cử, các tổ chức còn thực hiện bỏ phiếu để thăm dò sự tín nhiệm của những người tham gia bỏ phiếu đối với tập thể, cá nhân. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm ấy được các cấp thẩm quyền coi là một kênh tham khảo để đánh giá, sắp xếp nhân sự, gần đây là lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu ra.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Nếu lấy ý kiến bằng giơ tay tại các hội nghị rất dễ bị tác động bằng “hiệu ứng đám đông”, nể nang, ngại va chạm thì bỏ phiếu kín là một hình thức để bí mật thông tin, làm cho người bỏ phiếu có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, không bị tác động của người khác.

Như vậy, từng lá phiếu có ý nghĩa rất quan trọng đối với những người trong danh sách bầu cử hoặc lấy phiếu tín nhiệm. Có khi kết quả bỏ phiếu làm “thay đổi về chất” – tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời công tác của một con người. Cũng vì ý nghĩa quan trọng đó mà việc tổ chức bầu cử hoặc lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, có quy trình chặt chẽ,... và được cán bộ, đảng viên, Nhân dân rất quan tâm.

Trước đây, mỗi lần bỏ phiếu được tuyên truyền, vận động, giải thích sôi nổi, rộng rãi bằng nhiều hình thức. Điều quan trọng là làm sao cho các cử tri đi bầu cử với tỷ lệ cao nhất; làm sao để “dân chủ nhưng phải tập trung”, để có kết quả “đúng định hướng”. Dù dân trí thấp nhưng những cử tri đi bỏ phiếu rất hăng hái, phấn khởi, coi đó là niềm vinh dự, tự hào; mỗi cán bộ, đảng viên được bỏ phiếu, góp phần xây dựng Đảng, Chính quyền vững mạnh.

Ngày nay, mỗi lần bầu cử hoặc lấy phiếu tín nhiệm, việc “vận động hành lang” - còn gọi là lobby xuất hiện dưới nhiều hình thức, thậm chí có nơi như là một “cuộc chiến cân não” với mục đích “vận động phiếu”, “xin phiếu”... Đã có không ít câu chuyện bi hài quanh lá phiếu. Ở thôn xóm, đã từng có những cuộc “giao lưu” của các dòng họ, bộ phận để “đặt vấn đề”, “phân công, định hướng” trước khi bầu cử; thậm chí ra về còn có tí quà cho những người tham dự! Có những hiện tượng “ốp phiếu” – xem thử người ta có bầu cho mình hay không! Có những “lá phiếu bắt tay” nồng hậu trước khi bỏ phiếu tín nhiệm để tranh thủ “nhắc nhở” được ưu ái. “Kỳ công” hơn, có vị đã tranh thủ “gặp trước”, cả 11 vị thường vụ đều vui vẻ hứa: Yên tâm! Không giới thiệu chú thì giới thiệu ai! Bỏ phiếu xong, ai cũng cười vui vẻ. Vậy mà khi kiểm phiếu chỉ có một phiếu “tự tín”! Có cuộc bỏ phiếu mà trong phiếu chỉ in tên một người. Ai nhất trí thì để nguyên bỏ vào thùng, ai không nhất trí thì gạch bỏ. Như vậy, nhận phiếu rồi, ai rút bút ra là những người bị phát hiện là đã gạch tên! Lại còn có những cuộc thăm dò tín nhiệm, sắp xếp quy hoạch, nhân sự bị tác động bởi những hội, những doanh nghiệp hoặc từ lãnh đạo từ cấp trên,... Có phải vì vậy, công tác nhân sự bao giờ cũng được coi là hệ trọng, được tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng, đúng quy trình,... nhưng mới nửa nhiệm kỳ thì đã có nhiều cán bộ vi phạm?

Những hiện tượng đáng buồn này thể hiện sự rạn nứt của những liên kết lý trí, tình cảm, đạo đức giữa những người có tên trong lá phiếu và những người cầm lá phiếu. Nó cho thấy có những thực tế đáng buồn giữa những người vốn được coi là đồng chí, đồng nghiệp, đồng sự nhưng không trung thực, thẳng thắn, chân thành với nhau. Họ không thể thành thật tự phê bình và phê bình, giúp nhau tiến bộ mà sống với nhau bằng thủ thuật, giữ lấy sự yên ổn, bằng mặt mà không bằng lòng, suy cho cùng cũng là chủ nghĩa cá nhân, vì lợi ích của riêng mình.

Chừng nào mà những hiện tượng đáng buồn nói trên vẫn còn thì những giá trị của sự “đoàn kết, thống nhất” đáng báo động, hoạt động tự phê bình và phê bình chưa thực chất.

***

Đến bây giờ và chắc còn lâu nữa, không chỉ ở ta mà các nước tiên tiến, bầu cử và lấy phiếu tín nhiệm vẫn là một hoạt động cần thiết trong công tác cán bộ các cấp của Đảng và hệ thống chính trị. Chất lượng bầu cử hoặc lấy phiếu tín nhiệm phụ thuộc vào chất lượng của từng lá phiếu. Lá phiếu có chất lượng là những lá phiếu phản ánh khách quan, chính xác, trung thực. Lá phiếu có chất lượng chỉ có ở những người có năng lực, có nhận thức, có bản lĩnh, có trách nhiệm, xây dựng,... trong nhiều trường hợp thì đó là lá phiếu của những người đại diện được ý chí, nguyện vọng của số đông người mà mình được đại diện. Chất lượng bầu cử, lấy phiếu tín nhiệm cũng chỉ có khi tổ chức đó thực tâm, cầu thị, xây dựng, tất cả vì sự phát triển phồn thịnh, bền vững của đất nước, quê hương./.

Tin mới