Cách làm khéo trong dân vận

(Baonghean) - Hơn 65 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Vậy thế nào là dân vận khéo? Khái niệm này đã được nhiều người đề cập và phân tích kỹ, nhưng cũng cần phải “nói lại cho rõ”. Vì từ “khéo” có khá nhiều nét nghĩa. Như là biết làm những động tác thích hợp trong lao động để kết quả cụ thể đạt được tốt đẹp. Hay là, biết sắp xếp công việc một cách thích hợp để đạt kết quả như mong muốn. Hoặc biết có những cử chỉ, hành động, lời lẽ thích hợp làm người khác vừa lòng để đạt được kết quả như mong muốn trong quan hệ đối xử…
Tóm lại, “khéo” là có những lời nói, việc làm khiến người khác hài lòng, bằng lòng, hưởng ứng, nghe theo. Công tác dân vận là vận động quần chúng chủ yếu bằng lời nói nhiều hơn là việc làm. Nên có thể nói chữ “khéo” trong công tác dân vận, trước hết là khéo ăn, khéo nói. Ở chỗ này cần phân biệt với khéo mồm. Vì lẽ, khéo mồm là biết lựa lời mà nói để làm vừa lòng người khác và nhiều khi không thật. Mà đã không thật thì chỉ lấy lòng được đúng một lần. Lần khác sẽ không ai nghe theo, tin theo nữa. Thế nên, công tác dân vận không phải là khéo mồm suông mà là khéo ăn, khéo nói, khéo động viên trên cơ sở người thật, việc thật. 
Chữ “khéo” trong cụm từ “dân vận khéo” cần được hiểu là khéo ăn, nói, khéo hành động để sao cho ăn nhập với lối ăn nói của người dân ở mỗi vùng miền, dân tộc, giai tầng, trình độ nhận thức khác nhau. Vì trong xã hội có nhiều giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo khác nhau; đối tượng của công tác dân vận có nghề nghiệp, trình độ, năng lực không giống nhau nên có yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích khác nhau. Do đó, người làm dân vận phải hiểu rõ thực tế này để có cách làm thật phù hợp. Dĩ nhiên, như đã nói ở trên, dân vận không phải là nói suông mà phải kèm theo việc làm, hành động cụ thể. Mà trước hết là ở chính người làm công tác dân vận, phải gương mẫu,  đúng mực trong mọi việc và ở mọi nơi, mọi lúc. Nếu không “chân mình thì lấm bề bề, lại đi cầm đuốc soi rê chân người” thì có nói hay, nói giỏi đến mấy cũng không thể thuyết phục được ai. Mà đã không thuyết phục được quần chúng thì không thể làm công tác dân vận được.
Dân vận, không chỉ nói khéo mà cần có cách làm khéo. Nghĩa là, không ngồi ở phòng máy lạnh mời người ta đến để tuyên truyền, vận động hay mở các buổi hội họp, nói chuyện mời người ta đến nghe… Mà phải chủ động tìm đến với quần chúng nhân dân bằng nhiều cách khác nhau. Khi thì rủ rỉ bên bếp lửa đêm đông hay cùng nhau lao động ngoài đồng, trên nương rẫy. Lúc thì bên ấm chè xanh, hay trong đám cưới, bữa giỗ… Tóm lại, dân vận là không ngồi một chỗ, ngồi đúng “tám giờ vàng ngọc” ở trụ sở mà phải tiếp cận người dân ở mọi lúc, mọi nơi và đúng vào thời điểm thích hợp nhất. Phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để có thái độ, lời nói, hành động phù hợp với bất cứ ai và ở bất cứ lúc nào.
Phải thực hiện được như vậy thì mới có thể làm được điều như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy là “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho…”. Đó chính là dân vận khéo.
Duy Hương