Trao đổi:

Cái ‘tôi’ đi liền cái ‘tồi’, cái ‘tội’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Con người ta sinh ra đã tồn tại cái tôi. Cái tôi là sự nhận thức của mỗi người về tư cách, nhân phẩm hoặc giá trị của chính mình, để phân biệt mình với thế giới bên ngoài và các cá nhân khác trong xã hội.

Cái tôi thường thay đổi theo giai đoạn, theo hoàn cảnh, môi trường và vị trí của mỗi người. Cái tôi là cá tính, là bản chất vốn có của mỗi con người để phân biệt người này với người khác. Tuy nhiên, mỗi con người có thể nhận thấy để điều chỉnh nó cho phù hợp.

Trong xã hội có những người có “cái tôi” tự ti, nhún nhường trong giao tiếp với người khác. Họ tự thấy mình là hạn hẹp, không đẹp, không linh hoạt, không tài giỏi bằng người khác, họ hoài nghi về giá trị thực sự của mình. Họ không nhìn thấy được giá trị của chính mình, họ dễ cảm thấy bi quan và dễ bị tổn thương. Những người nếu đắm chìm trong tự ti, mặc cảm, không hài lòng với chính mình, thiếu vui vẻ cởi mở với người khác sẽ rất hạn chế đến hiệu quả công việc.

Những người đắm chìm trong tự ti, mặc cảm sẽ rất hạn chế đến hiệu quả công việc. Ảnh minh họa: Tư liệu

Những người đắm chìm trong tự ti, mặc cảm sẽ rất hạn chế đến hiệu quả công việc. Ảnh minh họa: Tư liệu

Trong cán bộ của chúng ta, rất đáng trân trọng những người luôn kết hợp hài hòa giữa cái tôi bé nhỏ với cái ta rộng lớn. Họ là những cán bộ luôn gương mẫu, tiên phong, dám đổi mới mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Họ luôn luôn sáng tạo, tìm ra những hướng đi mới, cách làm mới, luôn đặt lợi ích của tập thể, của toàn cục trên lợi ích bộ phận hoặc lợi ích của cá nhân mình. Họ kiên quyết thay đổi, bài trừ tác phong quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, “chỉ tay năm ngón”, “sa lông, phòng lạnh” để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Khi thành công, đó là sự thành công của tập thể có sức mạnh đoàn kết; nếu thất bại, họ cầu thị lắng nghe, sửa chữa, khắc phục và sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân trước tổ chức, trước pháp luật. Họ là những người “đầy tớ”, những “công bộc” của Nhân dân, biết đặt lợi ích chung của đất nước, địa phương đơn vị lên trên hết, giải quyết hài hòa giữa lợi ích cá nhân và tập thể.

Tuy vậy, vẫn có những người - nhất là khi có một vị trí nhất định trong địa phương, đơn vị, bên cạnh đó, có những kẻ cơ hội, luôn “dạ, thưa”, tung hô, nịnh bợ, họ dương dương tự đắc, ngộ nhận, tự huyễn hoặc bản thân mình, cho mình là giỏi giang, mình là tất cả, họ coi thường, thậm chí không thừa nhận ý kiến của người khác,... Họ ngang nhiên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, không giữ kỷ luật, coi mình là “ngoại lệ”, là bậc bề trên, dày dạn kinh nghiệm. Khi thắng lợi, họ vênh vang, tự kiêu tự đại, nghĩ bản thân mình làm nên tất cả. Khi thất bại thì họ biện bác, thanh minh, tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh, thậm chí quy trách nhiệm cho người khác, bộ phận khác một cách lố bịch.

Khi một người lên một bậc thang danh vọng thì “cái tôi” mà họ vác trên vai càng nặng hơn. Vì vậy, một người bình thường sẽ đón nhận ý kiến khác với của mình một cách cởi mở, cầu thị nhưng với “các sếp” lại tỏ ra rất khó chịu, thậm chí “không chấp nhận được”. Chính “cái tôi” lớn quá đã giam cầm họ trong sự kiêu căng, tự mãn của cá nhân mình.

Nhiều người bị “cái tôi” lớn quá giam cầm họ trong sự kiêu căng, tự mãn của cá nhân mình. Ảnh minh họa: Tư liệu

Nhiều người bị “cái tôi” lớn quá giam cầm họ trong sự kiêu căng, tự mãn của cá nhân mình. Ảnh minh họa: Tư liệu

Qua thực tiễn, có rất nhiều vụ việc sai phạm trên các lĩnh vực, từ Trung ương đến địa phương liên quan trực tiếp đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, hoặc thiếu trách nhiệm, buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo hoặc chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, đề ra những chủ trương, đưa ra những quyết định, thấy sai nhưng vì có lợi cho bộ phận mình, cá nhân mình nên họ vẫn làm. Có những chủ trương, quyết định sai lầm nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước và Nhân dân, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Đó chính là hậu quả của những cái tôi có quyền lực nhưng đã tha hóa, biến chất.

Trong số những cán bộ mắc sai lầm, không ít người đã từng là những người nổi tiếng, từng “lên lớp dạy đời”, “phải thế này, thế kia,...” được khen thưởng, đánh giá cao. Khi những vụ việc được làm sáng tỏ mới thấy được những “góc khuất”, sự liều lĩnh, bất chấp pháp luật, bất chấp nguyên tắc trong lãnh đạo của những người này trong chức phận mà họ đảm nhiệm. Không ít cán bộ có chức quyền tạo ra những “sân sau”, tìm đủ mọi mánh lới để chi phối, trục lợi. Họ đã lợi dụng quyền lực để mưu lợi cho cá nhân, gia đình mình. Họ dùng quyền lực, đặt lợi ích cá nhân mình lên trên quyền lợi của nhân dân, của tập thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung” và Người lý giải: “Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo? Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm”.

Cuộc đời mỗi con người là hữu hạn. Phải không ngừng phấn đấu rèn luyện mình, xử lý hài hòa giữa “cái tôi” và “cái ta”. Đừng để “cái tôi” trở thành “cái tồi”, dẫn đến mang “cái tội”!

Tin mới