Cần đảm bảo chính sách cho giáo viên ở những 'lớp đặc thù'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sĩ số đông, quá tải công việc vì thiếu giáo viên là thực tế ở nhiều trường học hiện nay. Vất vả đó càng đáng nói đối với giáo viên dạy những lớp có học sinh bị khuyết tật, trong khi, chính sách đối với các giáo viên ở những lớp đặc thù ấy lại chưa được quan tâm đúng mức. 

Nhiều vất vả

Giờ học nào ở lớp 3C - Trường Tiểu học Nam Lĩnh (Nam Đàn) cũng có thêm một thành viên đặc biệt, đó là người thân của học sinh An P., có khi là mẹ, có khi là người dì ruột…

P. là học sinh tăng động, có những biểu hiện bị hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên, vì muốn P. vẫn được đến trường, hòa nhập bạn bè, nên gia đình xin cho P. học tại trường tiểu học ở xã. Các giáo viên ở trường kể, khi mới vào lớp 1, P. thậm chí chưa tự vệ sinh được, chạy nhảy lộn xộn nên giáo viên dạy P. hết sức vất vả. Để đỡ đần cho các cô ở trường và cũng muốn đồng hành với P. trong quá trình học tập, điều trị, gia đình P. luôn có một người đi theo em và tham gia vào tất cả các tiết học của P. ở trường. Niềm vui là sau một thời gian nỗ lực của phụ huynh, giáo viên, P. đã tiến bộ. Mặc dù hiện tại em chưa thể phát triển như các bạn, nhưng đã có thể đọc, viết và biết làm Toán. P. cũng đã phần nào tiết chế được các hành động của mình để không làm phiền quá nhiều đến lớp học.

Việc học hòa nhập, giúp học sinh khuyết tật có cơ hội để phát triển bình đẳng. Trong ảnh - Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nam Lĩnh.JPG
Việc học hòa nhập, giúp học sinh khuyết tật có cơ hội để phát triển bình đẳng. Ảnh: Mỹ Hà

Là giáo viên chủ nhiệm lớp 3C, cô giáo Nguyễn Thị Thuận chia sẻ thêm: “Khi có một học sinh khuyết tật học hòa nhập, chúng tôi luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để em có thể tham gia học bình thường như các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, với một học sinh tăng động, việc dạy học thực sự khó khăn. Với các bạn này, ngoài việc dạy chữ, dạy kiến thức, chúng tôi phải thường xuyên bên cạnh bảo ban, động viên, khích lệ để em có động lực cố gắng”.

Ở Trường Tiểu học Nam Lĩnh, hiện đang có 3 học sinh khuyết tật đang học hòa nhập với các học sinh khác ở trường và các lớp. Ngoài An P. còn có một học sinh bị khuyết tật ở mắt, một em bị bại não gần như không học được. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh khuyết tật, nhà trường đang thực hiện giảm sĩ số mỗi lớp 3 em. Các nhiệm vụ khác, giáo viên có học sinh khuyết tật học hòa nhập cũng giống như các lớp bình thường.

Giờ học của học sinh Trường  Tiểu học Nam Lĩnh.JPG
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nam Lĩnh. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Hưng Nguyên) hiện có 6 học sinh khuyết tật đang học hòa nhập. Tại những lớp này, nhà trường ưu tiên giảm sĩ số cho giáo viên bớt gánh nặng dạy học.

Những lớp học mà có học sinh khuyết tật, rõ ràng giáo viên vất vả hơn rất nhiều, nhất là đối với học sinh bị tăng động hoặc là với những lớp đầu cấp. Bởi lẽ ở lứa tuổi tiểu học, nhiều em vẫn chưa tự biết phục vụ, sức khỏe yếu, hay bị ốm đau. Bản thân nhà trường cũng rất chia sẻ với các thầy cô, nhưng hiện nay chưa có một cơ chế nào để hỗ trợ thêm đối với các giáo viên này.

Ông Phan Xuân Lợi - Hiệu trưởng nhà trường

Cần đảm bảo chính sách

Theo quy định hiện hành, giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật là phương thức giáo dục chung cho người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Liên quan đến giáo dục cho học sinh khuyết tật hòa nhập tại các cơ sở giáo dục, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật và các chế độ chính sách cho các giáo viên có tham gia dạy học sinh khuyết tật ở các cơ sở giáo dục. Mục 4, điều 12 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT cũng đã xác định, tất cả các giáo viên có dạy học sinh khuyết tật (có giấy chứng nhận) sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm dành cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật hòa nhập.

Nhiều học sinh khuyết tật đang được học hòa nhập tại các nhà trường.JPG
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nam Giang (Nam Đàn). Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, từ Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP. Trong đó, tại Điều 5 Thông tư 22 đã nêu rõ cách tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật với mức hưởng phụ cấp trách nhiệm cho các giáo viên mỗi tiết dạy là 0,2 (mỗi tiết dạy trẻ khuyết tật hòa nhập giáo viên được hưởng thêm 20% số tiền của mỗi tiết dạy).

Quy định là vậy, nhưng hiện nay, trên cả nước, số địa phương thực hiện việc chi trả này đang rất ít. Tại Nghệ An, điều này cũng không ngoại lệ.

Chúng tôi cũng có nghe nói về chế độ chính sách cho giáo viên có dạy học sinh khuyết tật nhưng cụ thể như thế nào thì chưa rõ. Tôi cho rằng, nếu có chính sách thì rất tốt và sẽ giúp giáo viên phần nào bớt áp lực.

cô giáo Đinh Thị Lan – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Lĩnh

Thầy giáo Phan Hữu Túc – Hiệu trưởng Trường THCS Diễn Thịnh, Diễn Châu trao đổi thêm: “Chính phủ có những quy định cho giáo viên không chuyên trách có dạy học sinh khuyết tật hòa nhập. Ở trường chúng tôi hiện có 1 học sinh khuyết tật và nhà trường đang ưu tiên bố trí về sĩ số; có một số hoạt động hỗ trợ học sinh khuyết tật đang học tập tại nhà trường. Tuy nhiên, về chế độ chính sách cho giáo viên là chưa đảm bảo theo quy định, dù chúng tôi đã có đề xuất kiến nghị. Cá nhân tôi cho rằng, điều này là cần thiết để kịp thời động viên các giáo viên dạy học ở những lớp đặc thù”.

Trường chúng tôi có khá nhiều học sinh khuyết tật đang học hòa nhập và có cả những học sinh khuyết tật về trí tuệ. Vì thế, nếu Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu tiên, thì cần sớm triển khai để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.

Thầy giáo Trần Đình Hoàng – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên)

Hiện nay, chưa một trường học nào ở Nghệ An nhận được các văn bản hướng dẫn, thống kê và cũng chưa có một giáo viên nào ở Nghệ An đang dạy học sinh khuyết tật được hưởng chế độ. Trong khi đó, trên toàn tỉnh, dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ước tính đang có gần 4.000 học sinh khuyết tật đang học hòa nhập tại gần 3.200 lớp ở nhà trường, trong đó nhiều nhất là ở bậc tiểu học. Nếu tính toán bước đầu, với số học sinh đang học số lớp, nhân với 20% chi trả thêm tiền lương cho giáo viên thì con số để chi trả thêm hằng năm cho các giáo viên có học sinh khuyết tật lên đến trên 70 tỉ đồng. Đây thực sự là một bài toán khó đối với ngân sách tỉnh, nhất là khi hiện nay kinh phí chi cho giáo dục đang ngày một khó khăn./.

Tin mới