Cần một sự dịch chuyển...

(Baonghean) - Trong buổi trò chuyện đầu năm trên báo chí, ông Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương thổ lộ, so với 30 năm trước thời kỳ đổi mới, bây giờ đời sống kinh tế khá lên rất nhiều... Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian ấy, thiên hạ đã đi nhanh hơn mình rất nhiều. Có thể ví von như thế này, trong 30 - 40 năm qua, khi mình đi được 30 - 40 km, thì ở nhiều nơi, thiên hạ người ta đã đi được 70 - 80 km.
Thế nghĩa là, dù đã có nhiều cố gắng, đã lập nên nhiều thành tựu, đã có bước phát triển vượt bậc so với trước đây... nhưng là so với chính chúng ta thôi. Còn so với “thiên hạ” xung quanh, ta vẫn ở thế tụt hậu, chưa thể bắt kịp với sự phát triển chung của khu vực và trên thế giới. Vì lẽ họ đi nhanh hơn ta. Lắm nơi, tốc độ trung bình của họ gấp đôi ta. Thành ra, ta vẫn hụt hơi. Vấn đề đặt ra ở đây là phải tìm ra nguyên nhân cản trở, làm chậm bước tiến của ta, khiến ta khó tăng tốc, khó đạt tốc độ ngang với thiên hạ. Chỗ vướng mắc này, đã có nhiều người nói, mà mới đây nhất là ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói “Không đổi mới được cán bộ thì không đổi mới được nền kinh tế” và “cải cách thể chế bắt đầu từ con người”. Còn trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. 
Từ đó, suy rộng ra, nguyên nhân ta tiến chậm là do con người. Cụ thể là những con người có vai trò “cầm cân, nảy mực” trong bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp. Từ sự kêu ca, phàn nàn của người dân, nhất là các doanh nghiệp về các thủ tục hành chính phức tạp, nhiêu khê và có cả sự nhũng lạm trong cung cách giải quyết công việc của các “công bộc của dân”, có thể khẳng định là mấu chốt vấn đề cần tháo gỡ để tăng tốc là nằm ở chỗ này, mà thực tế, chúng ta cũng đã đề cập nhiều và cũng đã nỗ lực tiến hành cải cách trong nhiều năm qua. Nhờ đó, đã cải thiện được không ít, nhưng so với yêu cầu thực tế của sự phát triển thì vẫn còn phải nỗ lực đẩy mạnh cải cách, tinh giản thủ tục hành chính nhiều và mạnh mẽ hơn nữa. 
Từ đây, lại nảy sinh câu hỏi là tại sao trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề này; các bộ, ngành, địa phương… đã tiến hành cải cách thủ tục hành chính nhiều rồi mà sao vẫn chưa làm triệt để được? Cái chính có lẽ là do, ta vẫn chưa chuyển hẳn được nền hành chính từ quản lý theo cung cách cũ sang phục vụ như các nền hành chính hiện đại khác ở các nước phát triển. Xét về khái niệm, thì quản lý là trông coi và giữ gìn theo những yêu cầu nhất định hay là tổ chức và điều khiển theo những yêu cầu nhất định. Vì thế, cơ quan quản lý có quyền ra những yêu cầu và buộc mọi người phải tuân theo, phải thực hiện. Nếu không công tâm thì rất dễ có những yêu cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý, thay vì tạo thuận lợi cho người dân. Chưa kể, còn có những yêu cầu, quy định nhằm gây khó dễ để trục lợi. Còn phục vụ là làm phần việc của mình vì lợi ích chung. Thế nghĩa là người ta làm tốt phần việc được giao vì lợi ích của cả cộng đồng chứ không phải của cá nhân họ. Như thế, dĩ nhiên mọi việc sẽ trở nên hanh thông hơn, không có những yêu cầu, quy định bất hợp lý nhằm kéo phần thuận lợi về phía người dân, cơ quan quản lý, đẩy khó khăn về phía người dân làm ngáng trở mọi việc. Mà ngược lại, khi phục vụ họ phải tự thân chủ động gạt bỏ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục vụ có hiệu quả hơn.
Cho nên, để bắt kịp tốc độ phát triển của “thiên hạ”, không cần bỏ ra quá nhiều thời gian, tiền bạc mà chỉ cần tạo một dịch chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ. Sự dịch chuyển đó, đơn giản, rõ ràng về tư duy, nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Lúc đó, mỗi một cán bộ mới thật sự là “công bộc của dân”. Đơn giản nhưng không dễ thực hiện vì những người trong các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải hy sinh rất nhiều lợi ích cá nhân. Nhưng nếu không chịu hy sinh mà vẫn để cho quyền lợi cá nhân đè nặng trong đầu, lên vai, thì đôi chân không thể nhẹ nhõm, thanh thoát để tiến kịp thiên hạ được.
Duy Hương