Cảnh giác để bảo vệ sản xuất nông nghiệp

(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh nông nghiệp, đây đó ở các địa phương đã có một số bài học về liên kết giữa nhà nông với các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân sản xuất đậu, ớt, cây hoè… nhưng rồi sản phẩm không bán được chủ yếu do phía doanh nghiệp, tổ chức tư nhân “chạy làng” bởi nhiều lý do được họ đưa ra. Cuối cùng nhà nông ta chịu thiệt, dở cười dở khóc. Tình trạng này cũng đã đến lúc phải liên hệ rộng ra để các cấp chính quyền, bà con nông dân cảnh giác bảo vệ an toàn cho sản xuất của mình.  
Còn nhớ, cách đây đã lâu, thương lái nước ngoài đã mua sừng trâu, móng trâu, rễ hồi với giá cao. Họ tung tiền ra để muốn triệt nguồn sức kéo của nhà nông ta thời đó, để muốn triệt gọn một cây đặc sản quý của Lạng Sơn: cây hồi. Gần đây, lại là thương lái nước ngoài cũng bằng cái cách mua giá cao nào là chè hổ lốn (chè bẩn), lá cây đào lộn hột (điều), rồi cả con đỉa nữa! Họ mua để làm gì không rõ lắm. Song điều chắc chắn, là họ muốn làm “bẩn” thương hiệu chè Việt Nam, họ muốn phá ngành điều và muốn phá môi trường của chúng ta.
Lại nói, gần đây vẫn là họ mua khoai lang ruột tím với giá “ngất ngưởng”: hơn 16.000 đồng/kg. Vì sao khoai lang ruột tím lại có giá cao đến vậy? Không rõ lắm! Chỉ biết là sau một thời gian rất ngắn, khi thấy nhà nông ta đổ xô vào trồng khoai lang ruột tím thì họ “cắt” không mua nữa. Những nhà nông đầu tư vào trồng khoai lang tím rơi vào cảnh sống dở, chết dở. Còn quy hoạch sản xuất ở các địa phương thì bị đảo lộn hết cả lên!
Còn hiện tại, thương lái nước ngoài tung giá cao để mua gạo chất lượng thấp từ giống lúa chất lượng thấp. Một số nhà nông ở một số tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long thấy lợi nên đang rục rịch tăng diện tích gieo trồng giống lúa này. Theo phóng sự trên VTV1, hiện diện tích cấy trồng giống lúa này đã trên 2000 ha! Họ đang mua. Và khi nào họ “cắt” không mua nữa? Chưa biết đích xác! Song, phải đặt ra giả thiết, đến một lúc nào đó họ sẽ “cắt”, bởi không có lý do thuyết phục là họ cứ mua mãi loại gạo này với giá trị như thế. 
Chiêu nâng giá mua để khuyến khích nông dân chạy vào sản xuất, rồi ngay lập tức họ “cắt” không mua nữa đã diễn ra, đang diễn ra và chắc sẽ còn diễn ra. Chiêu này cần cảnh giác đó là “vũ khí” đánh vào sản xuất nông nghiệp, phá hoại kinh tế và làm đảo lộn kinh tế nông nghiệp chúng ta. Đã đến lúc, dù có muộn, Nhà nước, ngành Nông nghiệp Trung ương và địa phương, giới truyền thông, hội nông dân và các nhà nông, các nhà doanh nghiệp cần có những giải pháp vừa căn cơ, vừa kịp thời để vô hiệu hóa loại “vũ khí” này để sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững đủ sức đề kháng với những chiêu phá hoại từ bên ngoài.
Trương Công Anh