Cạnh tranh lành mạnh

(Baonghean) - Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa quyết định một việc thuộc diện xưa nay hiếm đó là bổ nhiệm một người ngoài Đảng đứng đầu một cơ quan của thành phố.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trao Quyết định bổ nhiệm ông Lê Nguyễn Minh Quang.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trao Quyết định bổ nhiệm ông Lê Nguyễn Minh Quang- một người "ngoài Đẳng" giữ chức vụ Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP. Ảnh: Internet

Cụ thể là ngày 27-6 vừa rồi, đích thân ông Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam giữ chức vụ Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố. Thời gian giữ chức vụ là 5 năm.

Ông Quang sinh năm 1966, trình độ tiến sĩ ngành xây dựng, cao học ngành quản lý hành chính công, cao học quản trị doanh nghiệp. Ông Quang cũng vừa trúng cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021. Nói như ngôn ngữ thời thượng bây giờ thì việc bổ nhiệm ông Quang là hoàn toàn “đúng quy trình”. Ngoại trừ một chi tiết, ông Quang không phải là đảng viên cộng sản.

Trong khi, gần như tất cả mọi sự bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý bao năm nay đều phải gắn với một tiêu chí bất di, bất dịch là người đó phải là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Vì thế, sự khác thường này gây không ít bất ngờ và gợi lên không ít điều đáng suy nghĩ.

Khách quan mà nói, thành phố Hồ Chí Minh không phải là nơi đầu tiên làm việc đó. 70 năm trước, sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền thành công, trong chính phủ mới thành lập của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có cả những vị không phải là đảng viên. Mà nổi tiếng là vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Huyên.

Ngoài Đảng vẫn làm việc tốt, có nhiều công hiến cho cách mạng, cho nhân dân và cho Đảng. Như vậy, ngoài Đảng hay trong Đảng không quá quan trọng mà  miễn là có đủ tài, đủ đức, tin tưởng ở Đảng, ở cách mạng,  một lòng, một dạ phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân là được. Có lẽ, quan điểm sử dụng cán bộ ngày đó là như vậy. Càng về sau, do yêu cầu của tình hình thực tế, quan điểm đó dần mai một đi và gần như bị xóa bỏ hẳn.

 Sự việc hôm nay diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh có thể coi như là lịch sử lặp lại, cho dù, ở tầm cấp thấp hơn, nhưng cho thấy đã có sự dịch chuyển trong tư tưởng người  lãnh đạo về quan điểm bổ nhiệm cán bộ theo hướng cởi mở, thông thoáng và đi vào thực chất hơn. Ai có đủ phẩm chất đạo đức, tốt cho công việc, lợi cho cộng đồng thì cân nhắc, bố trí, sử dụng.

Cách làm này, có thể ví như là bắn một mũi tên là trúng nhiều đích. Trước hết là khoan thủng, phá bỏ quan niệm gần như đã đóng băng cứng ngắc trong tư tưởng của mọi người đó bao lâu nay. Đó là cứ phải đảng viên mới được xem xét, bổ nhiệm các chức vụ trong bộ máy công quyền. Thế nên, những người ngoài Đảng, dù đức độ, tài giỏi và được dân tin, dân mến cũng không mảy may có suy nghĩ là chen chân vào cơ quan công quyền để có thể cống hiến được tốt hơn, nhiều hơn.

Còn các đảng viên, nghiễm nhiên coi đó như là một tiêu chuẩn của riêng mình vì thế mà thiếu động lực phấn đấu để nâng cao năng cạnh tranh của bản thân vì “đối thủ” không quá nhiều. Thậm chí có không ít người đã có vai vế, vị trí rồi cũng cứ nghĩ là không có ai có thể tranh đoạt được nên chủ quan, tự mãn, thiếu rèn luyện dẫn đến kết cục là không được lòng dân.

Đợt bầu cử HĐND các cấp vừa rồi có một số địa phương cả hai vị lãnh đạo chủ chốt là Bí thư và Chủ tịch UBND xã “rớt đài” vì không được dân tín nhiệm đã cho thấy tình hình nay đã đổi khác. Người dân có cái nhìn sát đúng và đã biết phát huy quyền làm chủ, thể hiện chính kiến của mình. Thế nên cũng cần phải có sự đổi khác trong bố trí, sử dụng cán bộ.

Động thái mới này của thành phố Hồ Chí Minh đã gửi một thông điệp rất rõ ràng: ai có tâm, có tài thì sẽ được trọng dụng bất kể là đảng viên hay không. Đồng thời đó cũng là lời cảnh báo nếu các đảng viên không nỗ lực phấn đấu, không tận tâm với công việc thì sẽ mất vai trò và quần chúng sẽ vượt lên trên.

Cách làm này cũng sẽ khiến người dân, nhất là những người có trình độ, năng lực lại có bầu nhiệt huyết  cảm thấy mình thật sự được coi trọng và được nhìn nhận, đánh giá công bằng. Đó chính là một động lực giúp họ dốc sức cống hiến cho xã hội. Và cách làm này, có thể sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa đảng viên và quần chúng để khẳng định vai trò, vị thế.  Mà ở đâu có sự cạnh tranh thì sẽ có sự nỗ lực. Kết quả công việc nhờ thế mà sẽ tốt hơn lên. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh nên có./.

Bụt Sơn

TIN LIÊN QUAN