Cây dược liệu - 'thuốc' chữa bệnh nghèo ở Quế Phong

(Baonghean) - Thời gian gần đây, khi cây dược liệu ngày càng có giá trị cao, huyện Quế Phong đang phát huy lợi thế phát triển cây dược liệu vào mục đích xóa đói giảm nghèo.

Vườn ươm 3.000 bầu cây giống chè hoa vàng tại Pu Kem Chàng, xã Đồng Văn (Quế Phong). Ảnh: N.K
Vườn ươm 3.000 bầu cây giống chè hoa vàng tại Pu Kem Chàng, xã Đồng Văn (Quế Phong). Ảnh: N.K

Anh Vi Văn Việt - Trưởng bản Chàm, xã Hạnh Dịch, không quản cái nắng của trưa hè, đưa chúng tôi đến thăm khu rừng mới trồng quế của hộ ông Lô Văn Đức (bản Chàm). Gọi là khu rừng mới trồng, nhưng khi đến nơi đã thấy rợp bóng những cây quế lâu năm làm tán che mát cho những khoảng rừng mới phát quang để trồng cây mới.

Bản Chàm có 40 hộ dân được hỗ trợ trồng mới cây quế dược liệu, với tổng số 1.2 vạn cây trồng trong ngày phát động phục hồi cây dược liệu có giá trị kinh tế cao (ngày 14/4/2017), thì hộ ông Lô Văn Đức được hỗ trợ trồng mới 320 cây quế giống. Tuy cây giống mới trồng nhưng đã nhanh bén rễ với vùng đất quế lâu năm, nên cây con mới ra bầu và trồng rừng được hơn 1 tháng đã cao trên 30-40 cm.

Trưởng bản Vi Văn Việt cho biết, khi bản Chàm được chọn làm điểm để phát triển cây quế, bà con dân bản rất trồng chờ, đón đợi và phấn khởi khi được đón nhận cây về trồng mới. Bởi, việc trồng mới cây quế, một mặt là để phục hồi giống cây dược liệu vốn nức tiếng khắp xa gần, mặt khác là để giúp người dân mở hướng thoát nghèo khi mà cả bản có 81 hộ thì có đến 50 hộ nghèo.

Cây chè hoa vàng đang được phát triển ở Quế Phong, với sản phẩm trà hoa vàng sấy khô trị giá 2-3 triệu đồng/kg. Là cây dược liệu tự nhiên tập trung nhiều trong vùng rừng núi các xã Quế Sơn, Mường Nọc, Châu Kim, Đồng Văn,... nhưng do có giá trị kinh tế cao nên cây chè hoa vàng đã tạo ra nhu cầu đưa cây từ rừng về vườn đồi, vườn nhà và đang được lai ghép giống thành công.

Tại vùng vườn đồi Pu Kem Chạng, xã Đồng Văn, chúng tôi được tận mắt chứng kiến vườn ươm 3.000 cây giống chè hoa vàng do vợ chồng anh Lang Văn Cường và chị Lô Thị Tuyết thường xuyên chăm sóc. Anh Cường cho biết, chè hoa vàng hàng năm cứ đến tháng 4 - tháng 5 đâm lộc, ra lá mới, sau 2-3 năm lá già mới rụng. Tháng 11 bắt đầu nở hoa, hoa kéo dài đến tháng 3 năm sau. Hoa màu vàng kim có sáp bóng, cảm giác nửa trong suốt. Đường kính hoa 5 - 6cm, dạng cốc hoặc bát, thế hoa đa dạng và đẹp. Chè hoa vàng là thực vật chứa thành phần dinh dưỡng phong phú vào hạng bậc nhất trong tự nhiên, có giá trị dược liệu rất quý.  

Ông Lô Hùng Cường - Phó phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quế Phong cho biết,  ngoài cây quế, cây chè hoa vàng, thì huyện Quế Phong cũng là nơi có nhiều loài cây dược liệu khác như cây đẳng sâm, sa nhân tím, bon bo, mù tửn… Quế Phong có lợi thế tự nhiên với diện tích rừng 144.999 ha, độ che phủ rừng 76,7%, với hệ sinh thái đặc trưng tiêu biểu vùng Tây Bắc Nghệ An và Bắc Trường Sơn.

Các vùng rừng Quế Phong có hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới thứ sinh, đa dạng về chủng loại động vật và thảm thực vật rừng; trong đó có các loại cây dược liệu quý hiếm ở trong tự nhiên như: đẳng sâm, sâm đất, mũ từn, bon bo, quế, sa nhân, chè hoa vàng, nhân trần,... đã được đồng bào các dân tộc huyện nhà thu hái sử dụng làm thuốc để chữa trị, bán ra ngoài thị trường, nhằm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Cây chè hoa vàng cho sản  phẩm hoa chè giá bình quân tươi là 300.000 - 500.000 đồng/kg; khi phơi khô giá bình quân từ 2.500.000 - 3.500.000 đồng/kg. Nước ta có trên 3.900 cây làm thuốc, trong đó Nghệ An có 962 loài thì huyện Quế Phong có hơn 372 loại. 

Cây quế tại bản Chàm, xã Hạnh Dịch (Quế Phong). Ảnh N.K
Cây quế tại bản Chàm, xã Hạnh Dịch (Quế Phong). Ảnh N.K

Từ khi các sản phẩm làm từ cây dược liệu ngày càng có giá trị, thì huyện Quế Phong trở thành địa bàn có lợi thế vượt trội về cây dược liệu tự nhiên và cây dược liệu đã tìm được giống cây mới. Hiện tại, giá hoa chè vàng tươi là 300.000 - 500.000 đồng/kg; khi phơi khô giá từ 2.500.000 - 3.500.000 đồng/kg. Cây đẳng sâm bán tại các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Hạnh Dịch và mở rộng ra các xã khác trên địa bàn huyện với giá bán chỉ 350.000 - 500.000 đồng/kg. Cây bon bo được phân bổ tự nhiên và tập trung nhiều ở các xã Nậm Nhóng, Tri Lễ, Châu Thôn, Nậm Giải, hàng năm được người dân thu hái và bán cho thương lái với giá 17.000 – 25.000 đồng/kg tùy theo từng thời điểm.

Hiện trên địa bàn thị trấn Kim Sơn đã có một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến sản phẩm tinh từ cây dược liệu như: sản phẩm tinh dầu quế, lò sấy trà hoa vàng, chế biến sản phẩm trà hoa vàng đóng gói… Các sản phẩm làm ra đang ở quy mô nhỏ nhưng có sức tiêu thụ lớn. Do đó, có thể đặt nhiều kỳ vọng khi được đầu tư thiết bị, máy móc, công nghệ sản xuất trà hoa vàng lipton.

Đồng chí Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện ủy Quế Phong cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI giai đoạn 2015 - 2020 xác định phát triển cây dược liệu là một hướng đi quan trọng. Năm 2016, UBND huyện Quế Phong cũng đã xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2015 - 2020. Thực hiện Đề án phát triển sản xuất cây dược liệu là cần thiết, nhằm góp phần làm thay đổi cơ cấu cây trồng tại các xã trong huyện theo hướng sản xuất hàng hóa là hết sức quan trọng, giúp nâng cao trình độ sản xuất của nhân dân, áp dụng khoa học kỹ thuật mới, cây trồng mới; góp phần ổn định sản xuất và công tác xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời có nguồn dược liệu để sử dụng làm thuốc chữa trị bệnh theo kinh nghiệm dân gian, đông y của bệnh viện trong và ngoài huyện./.

Đức Dương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới