Châu Âu lo ngại nếu Mỹ giảm sản lượng và xuất khẩu khí đốt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Politico cho biết, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đánh giá lại quy trình phê duyệt giấy phép xuất khẩu khí đốt là điều đáng lo ngại đối với châu Âu, khối này vốn đang phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ, trong bối cảnh giảm lượng khí đốt mua từ Nga.

khi-dot-lng-252.jpg
Nơi xử lý và lưu trữ khí hóa lỏng tại cảng Freeport LNG (Mỹ). Ảnh: Reuters

RT dẫn nguồn từ tờ Politico (Mỹ) đưa ra cảnh báo, việc Washington xem xét lại sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên, do lo ngại tác động gây ra biến đổi khí hậu, đang khiến châu Âu lo sợ. Bởi, ngành năng lượng của châu Âu trong những năm gần đây đang bộc lộ sự mong manh.

Việc Bộ Năng lượng Mỹ đánh giá lại quy trình phê duyệt giấy phép xuất khẩu khí đốt có nguy cơ gây ra đình trệ các dự án đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu, trong bối cảnh "lục địa già" cắt giảm nguồn cung từ Nga.

Politico gọi đây là một ví dụ điển hình khác về các vấn đề ưu tiên của Washington - trong trường hợp này là giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. Toan tính này của Mỹ có thể khiến giới lãnh đạo châu Âu đau đầu, và thậm chí cản trở việc đạt được các mục tiêu an ninh chung giữa Washington và châu Âu.

Trong khi những người ủng hộ Tổng thống Joe Biden hoan nghênh thông tin về khả năng kiểm soát tốt hơn đối với tác động của khí đốt đối với khí hậu, thì nó lại dấy lên lo ngại trong các nhà điều hành năng lượng châu Âu. Hiệp hội thương mại EuroGas ước tính, Liên minh châu Âu đã cắt giảm mức tiêu thụ khí đốt của Nga xuống chưa đến 1/3 trong số 155 tỷ mét khối khí đốt Nga xuất khẩu sang châu Âu vào năm 2021. Để đạt được mục tiêu này, EU đã phải lấp chỗ trống bằng cách tăng gấp ba lần nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) từ Mỹ, đạt 60 tỷ mét khối khí vào năm 2023.

Chủ tịch EuroGas Didier Hollot cho biết: "Khí tự nhiên hoá lỏng như một sự giải thoát cho châu Âu và góp phần ổn định giá khí đốt và điện cho người tiêu dùng, sau một thời gian dài chịu mức giá cao kỷ lục, do nguồn cung từ Nga giảm". Ông Hollot cho biết thêm, việc giảm xuất khẩu của Mỹ có thể dẫn đến sự gia tăng và kéo dài tình trạng mất cân bằng nguồn cung toàn cầu.

Các chuyên gia của Politico tin rằng, việc giảm nguồn cung từ Mỹ có thể thúc đẩy các công ty châu Âu và châu Á ký hợp đồng với Qatar - quốc gia đang có kế hoạch tăng sản lượng đáng kể khí tự nhiên hoá lỏng.

Reuters trích số liệu theo dấu tàu biển cho thấy, xuất khẩu LNG của Mỹ đã lập kỷ lục trong tháng 12 và cả năm 2023. Theo đó, khoảng 8,6 triệu mét khối khí LNG đã rời các cảng của Mỹ tháng trước. Tổng cộng cả năm, xuất khẩu của Mỹ tăng 14,7% lên 88,9 triệu mét khối khí.

Tin mới