Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nhằm giải quyết những vấn đề mang tầm chiến lược trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại cuộc họp này, Bộ Chính trị đã bàn bạc, thống nhất thông qua phương án tác chiến trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Tại cuộc họp này, thay mặt Tổng Quân ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trình bày chủ trương, phương châm, phương án tác chiến trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Trong phiên bế mạc, Bác đã nhấn mạnh: "Tổng Quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, về hướng hoạt động, phải lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới (1950). Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới (1950). Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Gần 3 tháng sau, ngày 06/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, xác định rằng chiến dịch này là trận quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Người chỉ thị cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: ‘Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Cũng trong cuộc họp đó, Bác và Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ do đồng chí Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy. Chỉ sau đó 10 ngày, vào giữa tháng 12 năm 1953, Bác gửi lá thư đầu tiên cho cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ: Thân ái gửi cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ. Năm ngoái, các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch. Năm nay các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh, quyết tâm tiêu diệt địch giành nhiều thắng lợi”. Bức thư của Bác đã kịp thời động viên tinh thần, khí thế chiến đấu của bộ đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác ở Việt Bắc (1951). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác ở Việt Bắc (1951). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Khi tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mặt trận, Bác Hồ đã dặn đi dặn lại: Tổng Tư lệnh ra Mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Ý kiến quan trọng đó của Bác Hồ là căn cứ, là cơ sở, là tư tưởng chỉ đạo để Đại tướng xử lý trong quá trình thực tế chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại tướng có kể lại cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân rằng: Chính vì sự tin tưởng cao độ của vị lãnh tụ tối cao với mình mà mình đã có một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời làm tướng của mình. Khi một số đồng chí trong Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ đề nghị nên đánh nhanh, giải quyết nhanh, mình đã lấy lời căn dặn của Bác làm kim chỉ nam cho hành động của mình, do đó mình đã quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, thắng chắc” (Trích bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn của Báo Quân đội nhân dân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 7/5/1964). Và chúng ta thấy rằng, thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh quyết định trên đây của Đại tướng là đúng đắn. Qua sự việc này, chúng ta học được ở Bác Hồ bài học sâu sắc trong việc dùng người, trong việc chọn người để giao trọng trách; trong công tác sử dụng cán bộ và niềm tin tuyệt đối của vị lãnh tụ tối cao đối với những cán bộ đã được ủy thác trọng trách.

Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới (1950). Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới (1950). Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Mặc dù bận trăm công nghìn việc của quốc gia nhưng Người vẫn trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, động viên quân dân ta từ lúc mở đầu đến khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay khi chiến dịch sắp bắt đầu, Người đã gửi thư cho bộ đội ở Điện Biên Phủ: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng cũng rất vinh quang, Bác tin chắc chắn rằng các chú sẽ phát huy những thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới". Và Bác quyết định cho mỗi Đại đoàn một lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” để làm cờ thưởng luân lưu.

Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Ngay sau khi quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thì ngày 15/3/1954 (tức chỉ sau đó 2 ngày), Người gửi bức điện khen ngợi các chiến sĩ Điện Biên Phủ: Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về trận thắng đầu tiên của Quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương có lời khen các đồng chí. Các đồng chí chớ chủ quan khinh địch, quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này”. Như vậy, Người đã theo sát tình hình Điện Biên Phủ từng ngày, từng giờ, kịp thời đem tới cho cán bộ, chiến sĩ một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của chiến dịch.

Đúng 17h30 chiều ngày 7/5/1954, các chiến sĩ ta đã đánh chiếm Sở Chỉ huy của địch, bắt sống Thiếu tướng Đờ-cát-tờ-ri (Chỉ huy trưởng) và toàn bộ Bộ Chỉ huy của địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm Sở Chỉ huy địch. Được tin thắng lợi, Bác Hồ quyết định tặng Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cho tất cả các đồng chí bộ đội tham gia chiến dịch. Ngày 8/5/1954 (chỉ sau một ngày chiến thắng), Người đã viết thư khen ngợi: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang”.

Như vậy, Bác Hồ đã theo dõi rất sát sao từng diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần các cán bộ, chiến sĩ. Không những thế, Bác còn viết những mẩu chuyện về Điện Biên Phủ đăng trên các số báo Cứu quốc, như các mẩu chuyện “Nói láo trên trời, dưi đất nghe’’, “Nội bộ Pháp lủng củng”, “Từ biên giới đến Điện Biên Phủ”... Bác còn làm thơ đăng trên số Báo Nhân dân số ra ngày 12/5/1954: “Hơn 50 ngày ta đánh đồn/ Ta chiếm một đồn, lại một đồn/ Quân giặc chống cự rất hăng/ Quân ta anh dũng ít ai bằng/ Na-va, Cô-nhì đều méo mặt/ Quân giặc tan hoang, ta vây chặt/ Giặc kéo từng loạt ra hàng ta/ Quân ta vui hát “Khải hoàn ca”/ Mưi ba quan năm đều hàng nốt/ Tên tướng Chỉ huy cũng bị nhốt/ Một vạn sáu ngàn tên giặc Tây/ Đều là tù binh hoặc bỏ thây/ Thế là quân ta đã toàn thắng”.

Có thể nói, Bác Hồ không những đã cùng với Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Điện Biên Phủ, mà Người còn theo dõi sát sao diễn biến của chiến dịch, thường xuyên thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ. Đúng như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nói tại lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2004): “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã gắn liền với vai trò và tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ”./.

Tin mới