Chuyện về những ca khúc bất hủ ra đời trong đại thắng mùa Xuân 1975

(Baonghean.vn) - Với niềm xúc động mãnh liệt, dâng trào, các nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc đầy ấn tượng. Đến hôm nay nhiều ca khúc ấy đã thành những tác phẩm âm nhạc bất hủ, sống mãi với thời gian.

Cách đây 47 năm, ngày 30/4/1975 là một thời điểm lịch sử trọng đại. Đó là ngày đất nước sạch bóng quân thù, non sông liền một dải từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau. Với niềm xúc động mãnh liệt, dâng trào, các nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc đầy ấn tượng: Như có Bác trong ngày đại thắng (Phạm Tuyên), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Từ mùa Xuân nay ta hát chung bài ca (Trọng Loan), Tổ quốc yêu thương (Hồ Bắc), Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (Cao Việt Bách)...

Bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng, sáng tác: Nhạc sĩ Phạm TuyênBài hát Như có Bác trong ngày đại thắng, sáng tác: Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Trước hết là bài Như có Bác trong ngày đại thắng. Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại: Đêm 28/4/1975, khi nghe tin quân ta đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, ông đã mường tượng nghĩ rằng có lẽ một vài ngày nữa là Sài Gòn sẽ được giải phóng, cả miền Nam sẽ được giải phóng. “Tự nhiên trong đầu tôi nhớ ngay tới sáu câu thơ của Bác Hồ: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào!/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Những câu thơ của Bác cùng với chiến thắng ở sân bay Tân Sơn Nhất và ở miền Nam đã tạo cho tôi nguồn cảm hứng lớn lao. Tôi như thấy hình ảnh Bác hiện về trong niềm vui chiến thắng. Và tôi đã chọn nhan đề cho bài hát là Như có Bác trong ngày đại thắng. Rồi tôi đã viết bài hát chỉ trong 120 phút (Từ 21h30 đến 23h30 đêm 28/4/1975) mà không phải sửa một nốt nhạc, một lời nào. Viết xong ca khúc này, tôi cảm thấy như mình đã trả được món nợ tinh thần mà tôi trăn trở suốt cả tháng ròng”.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác bài hát chỉ trong vòng 120 phút và không hề phải sửa nốt nhạc, ca từ nào. Ảnh tư liệu
Nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác bài hát chỉ trong vòng 120 phút và không hề phải sửa nốt nhạc, ca từ nào. Ảnh tư liệu 

Bài hát này nhạc sĩ Phạm Tuyên viết theo hợp âm Son trưởng, nhịp 2/4, có hai phân chính. Phần một có tính chất thông báo, xen kẽ nốt móc đơn và nốt đen, tiết tấu hơi nhanh, nét nhạc vui tươi, phấn khởi: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng. Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông, ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công”. Phần hai chỉ sử dụng các nốt đen và nốt trắng, cường độ âm nhạc mạnh mẽ, không khí âm nhạc đầy hào sảng, giai điệu tự hào, kiêu hãnh. Lời bài hát lặp đi lặp lại bốn lần: “Việt Nam - Hồ Chí Minh” có tính chất khẳng định.

Bài hát ngắn gọn, chỉ có 8 câu với 60 từ, lời giản dị, nhạc dễ hát. Phần một cao độ vừa phải, phần hai dẫn tới cao trào. “Sau khi viết xong bài hát, tôi đã khóc. Mục đích khiêm tốn ban đầu tôi coi bài hát này như tiếng reo vui của mọi người trong những ngày chiến thắng, không ngờ sau đó sức lan tỏa của bài hát lại nhanh và rộng như vậy”. Năm 1986, bài hát được tặng thưởng Huân chương Lao động, sau đó một thời gian, Như có Bác trong ngày đại thắng cùng với một số bài hát khác của nhạc sĩ Phạm Tuyên được tặng giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nhà nước đợt một năm 1996.

Nhạc sĩ Hoàng Hà. Ảnh tư liệu
Nhạc sĩ Hoàng Hà. Ảnh tư liệu

Cũng không thể không nói đến bài hát Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà. Bài này được ông sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội. Lúc này nhạc sĩ đang công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, vì thế ông thường xuyên được nhận những thông tin nóng hổi nhất về tình hình chiến sự ở miền Nam. Khi nghe tin quân ta đang thẳng tiến về Sài Gòn, nhạc sĩ đã dâng trào cảm xúc.

Đất nước trọn niềm vui  được viết theo hợp âm Pha trưởng, nhịp 2/4, không khí âm nhạc đầy rộn ràng, sôi nổi, thiết tha, giàu khí thế và đầy chất hào sảng: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay! Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây! Sài Gòn ơi, vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng”. Lời ca bay bổng, đầy cảm hứng lãng mạn, đắm say: “Hội toàn thắng náo nức đất nước, ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang, ta muôn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam, Tổ quốc anh hùng”. Có thể nói tiết tấu, giai điệu và ca từ của Đất nước trọn niềm vui không chỉ là tiếng lòng của nhạc sĩ Hoàng Hà mà còn thể hiện được niềm hạnh phúc vô biên, niềm vui vô tận của hàng triệu trái tim Việt Nam trong niềm sung sướng vì miền Nam được giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà.

Cùng với Phạm Tuyên, Hoàng Hà, nhạc sĩ Hồ Bắc có bài Tổ quốc yêu thương. Ca khúc này được viết theo nhịp 4/4 (C), hợp âm Mi giáng trưởng, tiết tấu vừa phải. Lời ca đầy tin tưởng, yêu thương, tình cảm thiết tha, chủ yếu sử dụng nốt móc đơn: “Ba mươi năm mới có một ngày, quê hương ơi biết mấy tự hào, về đây Nam Bắc, cầm tay ta hát trên con đường vui. Trời quê hương rộng cánh chim bay, không còn bóng mây mù che lối...”. Bài hát như vẽ ra một bức tranh rộng lớn, rạng rỡ về Tổ quốc Việt Nam với những gam màu dịu dàng, tươi sáng, thể hiện được ba mươi năm chiến đấu, hi sinh của Tổ quốc anh hùng. Hình ảnh Tổ quốc, non sông được thể hiện với cái nhìn lạc quan, nhân hậu, đầy thương yêu. Bài hát kết thúc bằng giai điệu và ca từ đầy kiêu hãnh, tự hào: “Tổ quốc ơi! Có bao giờ đẹp như hôm nay! Ta đang sống những ngày chói lọi của Tổ quốc yêu thương, Tổ quốc Việt Nam anh hùng! Tổ quốc Việt Nam ngàn đời nở hoa!”.

Có thể nói đại thắng mùa xuân 1975 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, mở ra một giai đoạn mới đầy tương lai rạng rỡ. Sự kiện vĩ đại ấy là nguồn cảm hứng lớn lao, mãnh liệt cho các nhạc sĩ. Những ca khúc ra đời trong thời kỳ đó đã sống, đáng sống và sẽ còn sống mãi trong hàng triệu trái tim Việt Nam./.

Tin mới