Cổ phần hóa doanh nghiệp "mừng" và "lo"

(Baonghean) - Cồ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đang được các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện. Tiến trình thoái vốn Nhà nước nhằm nâng cao năng lực quản lý, năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp (DN) đang là sự hối thúc có tính tất yếu đến từ đòi hỏi không thể chậm trễ của thực tiễn cuộc sống và thông lệ quốc tế.
Trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, hoạt động CPH doanh nghiệp đã được tập trung cao độ, đặt trong sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ. Trong 6 tháng, tất cả 289 doanh nghiệp thuộc diện CPH của năm 2015 đã thành lập ban chỉ đạo. Trong đó, 127 đơn vị đang tiến hành xác định giá trị, 44 đơn vị đã có quyết định công bố giá trị, 61 đơn vị đã hoàn thành CPH. Một thông tin rất đáng được chia vui đó là Nghệ An là một trong những địa phương được biểu dương trong việc đẩy nhanh tốc độ CPH trong năm 2015 khi hoàn thành xong 4 đơn vị.
Chúng ta biết rằng, CPH doanh nghiệp là một trong những hình thức chuyển đổi sở hữu tại DNNN và nó cũng là đỏi hỏi khách quan trong quá trình hội nhập và phát triển. Ở nhiều DNNN hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp, môi trường cạnh tranh không bình đẳng, tình trạng “cha chung không ai khóc” cùng với một bộ máy quản lý yếu về năng lực, thiếu về trách nhiệm, cồng kềnh về số lượng đã đẩy không ít  doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên. Thậm chí có đơn vị vay vốn tràn lan, đầu tư ra ngoài ngành vô tội vạ, nợ xấu đầm đìa, đứng bên bờ vực phá sản. Có cả công ty bị dư luận nhìn nhận như một chủ thể “chết lâm sàng”. Trước tình hình đó, một “cuộc cách mạng” với doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng là điều hiển nhiên, góp phần đổi mới thể chế kinh tế  Việt Nam hiện nay.
Qua một thời gian dốc lực triển khai nội dung cực kỳ quan trọng này, những thành quả đầu tiên đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương CPH. Cái được đầu tiên là lòng tin của người dân, của doanh nghiệp, của đối tác trong và ngoài nước. Một thông tin vui nữa là CPH doanh nghiệp hay nói cách khác là quá trình bán vốn đã diễn ra khá thuận lợi. Thậm chí nhiều đơn vị đã “có hời” ngay khi chuyển nhượng cổ phần cho đối tác. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã thoái được 7.522 tỷ đồng vốn, thu về 11.161 tỷ đồng, bằng 1,48 lần giá trị sổ sách. Nói nôm na là “hời” gần một nửa. Hơn thế, một số doanh nghiệp sau khi CPH đã bước đầu khởi sắc và không ít công ty hồi sinh mạnh mẽ. Khơi dậy được năng lực tiềm tàng về nguồn vốn, về nguồn nhân lực lâu nay đang quá lãng phí. Đồng vốn được sử dụng có hiệu quả hơn, bộ máy quản lý tinh gọn hơn, “được việc” hơn, năng lực cạnh tranh được nâng cao hơn và tiềm năng hội nhập rõ ràng hơn. Ngay trên địa bàn tỉnh ta, không ít doanh nghiệp sau khi CPH cũng đã dần dần “thay da đổi thịt” góp phần làm đổi mới sắc diện kinh tế tỉnh nhà. 
Tuy nhiên, nhìn nhận lại quá trình thực hiện CPH doanh nghiệp, vẫn còn đó không ít những mối lo. Công nghệ lạc hậu sẽ “đẩy” cho ai? Lao động dôi dư sẽ về đâu? Câu chuyện thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được tính toán thế nào?  Mục tiêu hoàn thành cơ bản CPH trong năm 2015 đã và đang đặt ra bài toán tiến độ không dễ tìm lời giải với hầu hết các cơ quan chức trách.
Trong tổ hợp rào cản ngáng đường tiến độ ấy, đặc biệt đã xuất hiện một số doanh nghiệp “ngại” CPH. Họ đã quá quen với lối làm ăn cũ, cung cách quản lý cũ. Họ mặc định cho mình tư duy nương tựa vào sự ưu ái của cơ chế và ký sinh vào “bầu sữa ngân sách” mà trong ý nghĩ thâm căn cố đế của họ là vô tận. Đây là số doanh nghiệp lâu nay hoặc là “quên” hoặc là “làm lơ” thậm chí “xin” ở lại với… cơ chế cũ! Họ sợ, hình như sợ đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt nhưng sòng phẳng của thị trường? Nghe nói trên địa bàn tỉnh có một số đơn vị, một số doanh nghiệp phần nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp, các công ty nông, lâm trường cũng chưa thực sự mặn mà với câu chuyện CPH này. Một vấn đề nữa mà Đảng và Nhà nước cũng đã đặt ra, dư luận cũng hết sức quan tâm là làm sao nói không với lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa. Dẫu biết rằng mọi thứ được quy định cụ thể bằng luật, bằng các văn bản hướng dẫn. Nhưng quyền lợi của người lao động, “miếng bánh vốn Nhà nước” có bị thao túng không?  
Đành rằng, còn có sự “khiêm tốn” trong tư duy kinh tế cũng như năng lực quản lý của không ít đơn vị chưa CPH, nhưng  đã đến lúc cần một thái độ, một cơ chế mạch lạc và quyết liệt hơn. 
Nguyễn Khắc An