Con gái nhạc sỹ An Thuyên: Ba tôi cả đời đau đáu hướng về quê hương

(Baonghean.vn) - Chỉ ít ngày nữa, đêm nhạc tưởng niệm 1 năm ngày mất của cố nhạc sỹ An Thuyên sẽ được diễn ra lần lượt ở Nhà khách Quân khu 4 (Nghệ An) và chùa Bái Đính (Ninh Bình). Nhân dịp này, chúng tôi có một cuộc trò chuyện với ca sỹ Bông Mai, con gái của người  nhạc sỹ - cũng là người lên ý tưởng, thực hiện những đêm nhạc này.

Cố nhạc sỹ An Thuyên.
Cố nhạc sỹ An Thuyên.

Khi tổ chức 2 đêm nhạc ở TP Vinh (tỉnh Nghệ An) và chùa Bái Đính, vốn là 2 địa điểm không hấp dẫn để bán vé, Ban tổ chức chương trình có cảm thấy phiêu lưu và “liều” quá không?

 Đây không phải là bài toán về mặt kinh doanh, về vấn đề lỗ - lãi nên cũng đáng để liều, nhất là với một chương trình mang ý nghĩa tình cảm và tâm linh như thế này thì nên làm một chương trình đặc biệt hơn các chương trình khác. Nếu coi đây là một chương trình thương mại thì chúng tôi sẽ quan tâm tới việc nên làm ở thời điểm nào, ở đâu để thu hút khách tốt nhất.

Mặt khác, khi tổ chức chương trình này, chúng tôi mong muốn có một cách nhìn khác về những nơi có thể tổ chức được địa điểm ca nhạc. Chẳng hạn như, không phải chương trình ca nhạc nào cũng có thể đưa được vào những nơi như chùa Bái Đính. Đây là một chương trình đặc biệt về mặt tình cảm và tri ân, cần làm ở những nơi có ý nghĩa đặc biệt.

Không có nhiều tài trợ, gia đình phải tự lo từ A tới Z. Sao lại không dồn 2 đêm nhạc vào một, thưa chị?

Thực ra, đêm nhạc ở Vinh, thực ra chúng tôi không bị áp lực bán vé lắm. Bởi một phần đã có 3 đơn vị tài trợ - vốn trước đây có mối giao tình tốt với ba tôi. Qua chương trình, họ cũng muốn có một món quà cho mảnh đất quê hương của mình. Chưa kể, chúng tôi nhận được sự ủng hộ từ phía lãnh đạo tỉnh, từ Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch tỉnh Nghệ An.

Còn đêm nhạc ở chùa Bái Đính, mặc dù các nghệ sỹ không nhận cát-sê, phần âm thanh đã có Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long ủng hộ nhưng để tổ chức được đêm nhạc ở đó chi phí đã lên tới 1,5 tỷ đồng. Đó thật sự là áp lực lớn đối với những người tổ chức trong việc bán vé.

 Nhưng có những thứ mình bỏ tiền ra chưa chắc đã làm được. Để có thể mời được số lượng nghệ sỹ tham gia đông như thế, đã là một việc khó rồi. Họ có thể đặt tình cảm của mình vào đó thì những người trong Ban tổ chức như chúng tôi, không có lí do gì để lo lắng về vấn đề lỗ hay lãi.

Ca sỹ Bông Mai - con gái cố nhạc sỹ An Thuyên.
Ca sỹ Bông Mai - con gái cố nhạc sỹ An Thuyên.

 Vậy ý tưởng về đêm nhạc kép này bắt đầu từ bao giờ?

Ý tưởng này bắt đầu từ chương trình 100 ngày năm ngoái đúng dịp giỗ đầu của ba tôi. 2 đêm nhạc kỷ niệm 100 ngày mất của ông vào năm ngoái đã là một sự liều lĩnh rồi.

Sự liều lĩnh ấy lại nhận được sự ủng hộ của mọi người nên chúng tôi mới có thể thực hiện được tốt. 2 đêm nhạc này được thực hiện dựa trên mong muốn cả những người thân của ông, đó là muốn làm điều gì đó đặc biệt và muốn có kỷ niệm gì đó mang ý nghĩa sâu sắc hơn những chương trình ca nhạc bình thường. Cho nên, ai cũng cố gắng để làm sao có thể tổ chức một đêm nhạc tốt nhất, hay nhất có thể.

Đêm nhạc “Neo đậu bến quê” được tổ chức tại Vinh như một cách gia đình hoàn thành tâm nguyện của cố nhạc sỹ trước khi mất. Là con gái của ông, chị có thể chia sẻ cụ thể nguyện vọng đó ra sao không?

Thực ra, ba tôi không đưa ra một nguyện vọng nào trước khi mất. Sự ra đi cả ông quá bất ngờ, không có sự chuẩn bị nào. Nguyện vọng của ông không phải là nguyện vọng của một người trước khi ra đi và dặn dò lại, mà đó là một mong muốn, một đau đáu của người con xa quê hương, lúc nào cũng hướng về nó. Nếu nghe nhiều ca khúc của ông, tôi tin rằng mọi người ai cũng sẽ hiểu điều đó.

Bản thân tôi sinh ra ở Nghệ An, không hề có sự xa cách nào với quê hương cả.  Đã là người gắn bó rồi nên những chuyện âm nhạc của ba tôi như một chất xúc tác để tôi có thể thực hiện tốt hơn chương trình này.

Bài hát cuối cùng ông viết là “Bao giờ về được ao quê”. Chị có thể nói đôi chút về nguồn gốc ra đời ca khúc đặc biệt này không?

Trước đó, ba tôi là người viết rất thường xuyên nhưng ông hay ngồi viết trong phòng làm việc của mình. Khi ông mất rồi, mọi người thấy trên bàn làm việc của ông tập bản thảo ca khúc này và mới biết rằng, nó được viết vào đêm cuối  cùng trước ngày ông mất. Sự vô tình ấy lại đó gì đó khá đặc biệt. Trong chương trình tưởng niệm này, nam ca sỹ Tấn Minh sẽ là người thể hiện ca khúc cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông.

Tôi tự hỏi, ca sỹ Bông Mai sẽ cảm thấy như thế nào khi chứng kiến đêm nhạc tưởng nhớ ba mình diễn ra ngay trên mảnh đất quê hương?

Đêm nhạc ở Vinh diễn ra tại một hội trường chỉ có 600 chỗ. Tuy nhiên, so với đêm nhạc ở chùa Bái Đính, đêm nhạc này lại là một áp lực vô cùng lớn. Bởi lẽ, đây không phải là địa điểm của những khán giả bình thường mà toàn là những người thân, bạn bè, những người rất hiểu âm nhạc của nhạc sỹ An Thuyên ba tôi.

* Đêm nhạc “Neo đậu bến quê” được tổ chức tại Nhà văn hóa Quân khu 4, thành phố Vinh vào ngày 25/6 tức ngay sau ngày giỗ đầu của ông cũng như một cách để hoàn thành tâm nguyện của nhạc sỹ An Thuyên được trở về với quê hương

* Đối với đêm nhạc thứ hai với chủ đề “Trăng” đặc biệt hơn sẽ  không diễn ra tại một nhà hát mà sẽ được tổ chức vào tối ngày 2/7/2016  tại Chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Đậu Dung (thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới