Cứ đúng luật mà làm!

(Baonghean) - Có những việc, mới nghe qua, nhìn qua cứ nghĩ là mới, là hay nên vội vàng lên tiếng ngợi ca, hưởng ứng. Nhưng kỳ thực, không hẳn là mới, và việc tán dương rầm rộ có khi lại là phản tác dụng.

Như chuyện dư luận vừa rồi rộ lên tán thưởng việc Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu trưởng các đơn vị thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ký cam kết thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. ký cam kết với các điều khoản rất rõ ràng rằng nếu hoạt động cầm chừng, gây mất đoàn kết nội bộ hoặc để gia đình, người thân tham gia những việc làm ảnh hưởng đến trách nhiệm cá nhân; giải quyết công việc chậm trễ, ách tắc, nhũng nhiễu... thì từ chức, không xin từ chức thì Tỉnh ủy kiên quyết điều chuyển công tác... Nghe qua, cứ tưởng là một chuyển động mới và tích cực trong công tác quản lý cán bộ. Nhưng kỳ thực không hẳn là thế.

Biếm họa: Internet
Biếm họa: Internet

Trước hết, phải thừa nhận đó là một cách làm thể hiện rõ quyết tâm của lãnh đạo địa phương nhằm siết chặt kỷ luật hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ lãnh đạo ở các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, tránh lạm dụng và lợi dụng chức vụ để vun vén lợi ích cá nhân - một vấn đề khá nhạy cảm, đang gây nhiều lo lắng, bất bình trong xã hội và rất khó để có thể giải quyết dứt điểm trong một sớm, một chiều.

 Nhưng nếu đi sâu vào nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng thì làm vậy không hẳn đã là hay. Bởi việc ký cam kết theo kiểu đó đã làm phát lộ một điểm yếu, một thực trạng đáng lo ngại trong bộ máy công quyền đó là chưa thực hiện nghiêm Luật cán bộ, công chức. Vì lẽ, trong Điều 18 của luật này đã quy định rất rõ những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ.

Bao gồm: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công. Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức. Nếu vi phạm, tùy theo mức độ có thể kỷ luật từ cảnh cáo đến cách chức, buộc thôi việc.

Sơ qua như vậy là có thể thấy, trong Luật cán bộ, công chức đã quy định rất rõ những nội dung cán bộ, công chức không được làm, nếu vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật  không khác gì các nội dung mà tỉnh  Quảng Bình vừa buộc cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị phải ký cam kết không vi phạm. Từ đó, suy ra nếu Luật cán bộ, công chức được chính các cán bộ, công chức từ trên xuống dưới thực hiện nghiêm thì không xảy ra những chậm chạp, ách tắc, vụ lợi trong khi thực thi công vụ khiến dân chúng phải phàn nàn và các công việc bị đình trệ để đến nỗi Tỉnh ủy phải buộc cán bộ dưới quyền phải ký cam kết.

Công bằng mà nói, việc ký cam kết nhằm thúc đẩy việc nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ, nhất là những người đứng đầu  là cần thiết và không có gì trái với luật định. Nhưng tác dụng phụ của hành động đó là khiến cho người ta lãng quên, coi nhẹ Luật cán bộ, công chức. Bởi lẽ, trong luật đã quy định rất rõ ràng, đầy đủ những nội dung tương tự thì cứ thế mà thực hiện. Ai sai, ai vi phạm thì cứ theo luật mà xử lý, không du di, không châm chước thì việc gì phải đẻ ra thêm những quy định, những cam kết chẳng khác gì một loại “giấy phép con”.

Hơn nữa, cách làm nhằm ràng buộc trách nhiệm theo kiểu ký cam kết như vậy đã có nhiều ở các ngành, các lĩnh vực và các địa phương khác nhưng kết quả vấn không đạt như mong muốn. Bằng chứng là đã có không ít nơi ký cam kết không để xảy ra tình trạng xe chở quá tải, không để xảy ra buôn lậu….

 Nếu để xảy ra, những cá nhân đứng đầu, cơ quan có trách nhiệm sẽ bị xử lý thế này, thế nọ nhưng rồi xe quá tải vẫn chạy đầy đường, buôn lậu vẫn diễn ra ngày càng trầm trọng mà rồi vẫn chưa thấy ai bị xử lý theo như cam kết cả. Cho nên, việc tiến hành ký cam kết, xin được nói thẳng ra là  chỉ có tính chất bề nổi,  thể hiện, quảng bá quyết tâm là chính. Còn hiệu quả như thế nào thì chưa thể khẳng định được mà phần lớn vẫn phụ thuộc vào những hành động giám sát, xử lý có kiên quyết, có nghiêm minh từ các cơ quan quản lý cấp trên hay không.

Thế nên, cách hay nhất vẫn là thực hiện đúng, đầy đủ và nghiêm túc các quy định của pháp luật. Tạo thói quen thượng tôn pháp luật một cách vô điều kiện, chứ không phải ra điều kiện thế này, thế nọ rồi mới chịu tuân thủ. Cứ đúng luật mà làm, đúng luật mà xử lý thì  không cần phải cam kết!

Bụt Sơn  

TIN LIÊN QUAN