Đại biểu Quốc hội ủng hộ cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo các đại biểu Quốc hội, quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn đã được thực tiễn kiểm nghiệm, phát huy kết quả tốt, số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia đã giảm rõ rệt.

Sáng 27/3, tại Nhà Quốc hội, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 tiếp tục, thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ.

quốc hội.jpg
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết dự thảo Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Sau khi kỳ họp kết thúc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các bộ, ngành liên quan cùng các cơ quan khác của Quốc hội khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến của các cơ quan tổ chức có liên quan.

Ngày 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến chỉ đạo tiếp tục hoàn chỉnh nội dung dự thảo Luật.

Tài liệu gửi đến các đại biểu Quốc hội bao gồm 8 loại, bám sát các ý kiến phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ý kiến của cơ quan soạn thảo cùng các cơ quan có liên quan cũng như kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 31.

Trong Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ để tránh trùng lặp, chồng chéo; quy định dẫn chiếu phải bảo đảm chính xác.

Về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật về quy định này.

Theo các đại biểu Quốc hội, quy định trên đã được thực tiễn kiểm nghiệm, phát huy kết quả tốt, số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia đã giảm rõ rệt. Mục đích của quy định cấm này nhằm phòng ngừa, giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông gây ra, được các nhà khoa học ủng hộ.

Đến nay, quy định cấm trên đã đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe.”

Về nồng độ cồn nội sinh phát hiện qua hơi thở, đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng, có thể kiểm tra lại qua xét nghiệm máu để không làm sai lệch kết quả xử lý.

Đại biểu Lý Thị Giang (Hà Giang) đồng tình với Phương án 1: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng để luật đi vào cuộc sống cần dựa trên những cơ sở mang tính thuyết phục để đưa ra mức xử phạt phù hợp và và cần có lộ trình, từng bước tạo thành thói quen có văn hóa khi tham gia giao thông.

Đại biểu tỉnh Hà Giang cho rằng, ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, việc xử lý vi phạm này thường gặp khó khăn vì liên quan đến văn hóa.

“Ngày Tết, đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen uống rượu, nên việc xử phạt cần có phương án, lộ trình để người dân hiểu và tuân theo,” đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, áp dụng luật để xử phạt là cần thiết nhưng không nên cứng nhắc.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) nêu ý kiến việc cấm tuyệt đối trong hơi thở người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn là cần thiết nhằm thay đổi thói quen lạm dụng rượu bia, gây hại cho sức khỏe.

Theo đại biểu, dù việc xử nghiêm hành vi điểu khiển phương tiện sau khi uống rượu có ảnh hưởng kinh tế nhưng vẫn rất cần thiết để xây dựng một xã hội văn minh.

Phân tích hậu quả của việc lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng những năm qua, ý thức chấp hành giao thông đường bộ của người dân ở Việt Nam đang ở mức báo động. Việc tăng cường xử lý vi phạm giao thông đã góp phần giảm tai nạn trên cả 3 tiêu chí.

Đại biểu hoàn toàn ủng hộ việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, tuy nhiên cần xác định lộ trình xử phạt để việc chấp hành của người dân đạt hiệu quả cao.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, tại báo cáo Chính phủ về tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn trong dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ dù đã đề cập tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ nhưng mới đưa ra những con số về số vụ tai nạn, số người bị chấn thương sọ não, số người chết... liên quan đến rượu, bia nhưng chưa thống kê cụ thể trong số các vụ tai nạn liên quan đến người tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng cồn vượt ngưỡng.

Để có cơ sở và đảm bảo tính thuyết phục trong việc quy định “cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn,” đại biểu đề xuất cần có thống kê số liệu cụ thể để tường minh hơn nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao...

Tại Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cho rằng việc xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan.

Mục tiêu chính là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông; xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phát triển, quản lý hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ để thích ứng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ hiện đại, đồng bộ, an toàn, chất lượng.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quản lý hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ./.

Tin mới