Đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh là xu thế tất yếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng dẫn câu ngạn ngữ: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau" và cho rằng, đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển tất yếu trong giai đoạn hiện nay.

Tại Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị vào sáng ngày 16/9, đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã trình bày tham luận về một số giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác với tỉnh Nghệ An để hình thành tam giác phát triển khu vực Nam Thanh Hoá - Bắc Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng, Thanh Hoá và Nghệ An là 2 địa phương có sự gần gũi, tương đồng về địa lý, điều kiện tự nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử, với diện tích rộng, dân số đông, ở vị trí chiến lược của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thành Hóa phát biểu tham luận
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Đây cũng là một trong số ít tỉnh hội tụ đủ cả 3 vùng địa lý, có hệ thống giao thông thuận lợi, với đầy đủ các loại hình và các trục giao thông quan trọng của quốc gia đi qua, kết nối với các vùng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây là căn cứ pháp lý, định hướng quan trọng để Thanh Hóa và Nghệ An tập trung huy động nguồn lực cho phát triển vùng kinh tế động lực này.

Để hiện thực hoá quy hoạch, trong những năm qua, Thanh Hoá và Nghệ An đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết và đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội và hợp tác phát triển giữa 2 tỉnh vẫn còn hạn chế.

Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ cho Thanh Hóa trên cơ sở lấy thành phố Thanh Hóa, Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Sầm Sơn và Cảng hàng không Thọ Xuân làm trọng điểm để tăng cường phối hợp, gắn kết với các địa phương trong và ngoài vùng. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ tăng cường hợp tác hướng tới hình thành tam giác phát triển khu vực Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, bao gồm Hoàng Mai, Đông Hồi, Nghệ An - Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa - Khu vực Tây Bắc Nghệ An.

BNA_9454-01.jpeg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An tham dự hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Để Nghệ An phát triển mạnh, để Thanh Hoá cùng phát triển và các tỉnh cùng phát triển, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng đề xuất một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức: Hợp tác, liên kết cùng phát triển là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay, như câu ngạn ngữ: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Việc đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển, nhưng phải đặt trong bối cảnh chung của cả nước và khu vực Bắc Trung Bộ; phù hợp với định hướng phát triển quốc gia, quy hoạch phát triển vùng và các quy hoạch ngành quốc gia.

Thứ hai, trong phát triển liên kết với các địa phương, Thanh Hóa luôn xác định: “Tỉnh mạnh thì vùng mới mạnh và tỉnh có mạnh thì mới có điều kiện và có cơ hội để phát triển liên kết”. Do đó, sẽ tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao làm nền tảng; công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Tập trung ưu tiên các nguồn lực để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn theo hướng đồng bộ, hiện đại để thu hút đầu tư các dự án trọng điểm, xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và du lịch ven biển trọng điểm của cả nước, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy hợp tác với các địa phương, nhất là khu vực Bắc Nghệ An.

Thứ ba, triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa 3 tỉnh: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; đẩy mạnh và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh và khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ; tăng cường trao đổi thông tin, xử lý kịp thời các bất cập, vướng mắc về thực hiện quy hoạch, phát triển hạ tầng, dịch vụ, du lịch, khu đô thị, triển khai thực hiện các dự án đầu tư, hướng tới hình thành tam giác phát triển.

Trong phát triển kinh tế biển và cảng biển: Tập trung huy động nguồn lực để phát triển Cảng Nghi Sơn và Cảng Đông Hồi, lấy thế mạnh của cảng nước sâu Nghi Sơn để hình thành cụm Cảng Nghi Sơn - Đông Hồi. Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư để hình thành Trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại đây, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ lưu kho, vận chuyển, ký gửi hàng hóa…

bna- khu công nghiệp Hoàng Mai 1.jpeg
Khu công nghiệp Hoàng Mai được định hướng gắn kết chặt chẽ với Khu kinh tế Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hoá. Ảnh tư liệu

Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Tăng cường liên kết, hợp tác hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Kết hợp phát triển nông nghiệp sạch với phát triển du lịch sinh thái; mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ rừng quản lý bền vững, đẩy mạnh công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu và hình thành các trung tâm chế biến gỗ tại các tỉnh.

Trong phát triển công nghiệp: Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ tại các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi, cùng với Khu kinh tế Nghi Sơn từng bước hình thành các cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa và tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, tập trung vào các thế mạnh: Thu hút đầu tư các dự án sau lọc hóa dầu, hình thành cụm liên kết các ngành sản phẩm sau lọc hóa dầu; liên kết thu hút các dự án công nghiệp vật liệu xây dựng để khai thác lợi thế về tài nguyên đá vôi, đá trắng, đưa khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ trở thành thủ phủ công nghiệp vật liệu xây dựng của vùng. Từ nay đến cuối năm, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư để triển khai Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn, Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Quỳnh Lập/Nghi Sơn theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong phát triển kết cấu hạ tầng: Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển và các tuyến giao thông kết nối, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, mở rộng không gian phát triển, liên kết với các khu vực khác trong vùng và cả nước. Nghiên cứu ban hành cơ chế tạo nguồn lực, phối hợp trong hoàn thiện quy hoạch hạ tầng, tạo điều kiện để đẩy mạnh đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi, các trục kết nối liên tỉnh, liên vùng để nâng cao khả năng kết nối, gắn kết giữa các đô thị.

Trong phát triển du lịch: Tăng cường liên kết, hợp tác xây dựng, phát triển các sản phẩm có thế mạnh, như: Du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch di sản,... hướng tới hình thành các cụm du lịch trọng điểm của vùng. Đẩy mạnh hợp tác trong xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch; xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối liên tỉnh, liên vùng.

Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh: Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin trong công tác quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ, công tác đối ngoại quân sự và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, hoạt động liên tỉnh.

bna_quy_hoach_khu_cong_nghiep_dong_hoi_lam_tung_2784222_662021.jpeg
Quy hoạch Khu công nghiệp Đông Hồi. Ảnh: Lâm Tùng

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ, trọng tâm là phối hợp xây dựng chiến lược triển nguồn lực gắn với định hướng thu hút đầu tư của khu vực, không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo chuyên sâu các ngành, nghề gắn với thế mạnh của từng vùng, từng tỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển. Đẩy mạnh đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi.

Với những thành tích đạt được sau gần 40 năm đổi mới, nhất là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và thông báo kết luận số 55 của Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng tin tưởng rằng, tỉnh Nghệ An nhanh chóng đưa Nghị quyết số 39 vào cuộc sống, trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và xứ Nghệ, một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Tin mới