Để lễ hội đảm bảo yếu tố tâm linh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

(Baonghean) - Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở VHTT và DL trả lời phỏng vấn báo Nghệ An về những vấn đề đảm bảo yếu tố tâm linh,  giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong các lễ hội dịp đầu Xuân. 

Phóng viên:  Năm 2016 toàn tỉnh có 24 lễ hội nhưng tập trung nhiều nhất là mùa Xuân với 13 lễ hội trải dài từ miền ngược tới miền xuôi, trong đó có nhiều lễ hội lớn như đền Cờn, đền Quả, đền Vua Mai, đền Chín Gian... Vậy Sở đã có kế hoạch cụ thể như thế nào trong việc phân cấp tổ chức hoạt động lễ hội?.

Đền Cơn Trong tấp nập du khách vê dự lễ hội
Đền Cờn Trong tấp nập du khách về dự lễ hội 2016.

Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh: Hiện nay, trên phạm vi cả nước, theo kết quả rà soát có gần 8.000 lễ hội được tổ chức ở các cấp (cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và một số lễ hội có quy mô cấp quốc gia theo định kỳ 5 năm một lần), trong đó lễ hội dân gian chiếm trên 85%, chủ yếu do làng, xã tổ chức. Đối với Nghệ An, hiện nay có 24 lễ hội được tỉnh cấp phép tổ chức (chỉ chiếm 0,3%/tổng số lễ hội của cả nước), trong đó có 17 lễ hội dân gian được tổ chức vào dịp dầu Xuân, chủ yếu do cấp xã tổ chức. Như vậy, so với cả nước lễ hội của Nghệ An chưa được phục hồi nhiều như những tỉnh ở vùng Kinh Bắc (như Hải Dương gần 300 lễ hội, Thái Bình gần 400 lễ hội...).

Việc phân cấp tổ chức hoạt động lễ hội đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện từ năm 2007. Việc quản lý tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện, trực tiếp là các lực lượng chức năng cấp xã có lễ hội; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ tổ chức phần lễ, phần hội của 02 đơn vị trực thuộc Sở là Ban Quản lý Di tích và Danh thắng và Trung tâm Văn hóa tỉnh; nhân dân tham gia tổ chức. Vì vậy, cơ bản các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh được tổ chức tốt, phần lễ đảm bảo trang nghiêm, thành kính; phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, đa dạng về các hoạt động, trò chơi dân gian truyền thống.

Lễ hội Hang Bua năm 2016 tưng bừng khai mạc.
Lễ hội Hang Bua năm 2016 tưng bừng khai mạc.

Phóng viên: Tuy đã được phân cấp cụ thể thế nhưng để một mùa lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, với vai trò, chức năng là cơ quan quản lý, Sở VHTT và DL đã có những chỉ đạo gì đối với công tác quản lý, tổ chức các lễ hội ở từng địa phương, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh: Để một mùa lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, Sở VHTT và DL đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý tổ chức lễ hội năm 2016 và ban hành các văn bản chỉ đạo của Sở đảm bảo thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về lễ hội. Cụ thể:

Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản 634/UBND.TH ngày 01/02/2016 về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Tổ chức hội nghị đánh giá rút kinh nghiệm, đặc biệt là những hạn chế cần khắc phục, triển khai làm tốt công tác tổ chức lễ hội. Ban hành Thông báo số 71/TB-SVHTTDL ngày 08/01/2016 của Sở VHTTDL về Kế hoạch tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Thông báo số 72/TB-SVHTTDL phân công chỉ đạo, kiểm tra các lễ hội đầu xuân; Kế hoạch số 241/KH-SVHTTDL ngày 29/01/2016 kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh; thành lập 2 đoàn kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng địa phương kiểm tra lễ hội theo Quyết định số 240/QĐ-SVHTTDL ngày 29/1/2016. Đặc biệt, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/2016/QĐ.UBND về tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức tại các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để thay thế Quyết định 195 không còn phù hợp và Nghệ An là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành được quy chế này. 

Đối với các địa phương có lễ hội, Sở đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết, chương trình, thành lập Ban tổ chức và phân công trực tiếp chịu trách nhiệm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương, đặc biệt là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.

Các đoàn rước tham gia lễ hội Vua Mai
Các đoàn rước tham gia lễ hội Vua Mai

Phóng viên: Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh ta đã có rất nhiều lễ hội đã và đang diễn ra như lễ hội Vua Mai, đền Quả, đền Cờn,  đền Vạn Cửa Rào ... mặc dù Sở, các ban, ngành liên quan nhất là những địa phương có lễ hội đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng bói toán, đốt vàng mã, đặt tiền lẻ trên các bệ thờ, đưa trò chơi có thưởng vào lễ hội, bán hàng rong… thế nhưng hiện tượng này vẫn còn, làm ảnh hưởng không nhỏ tới bản sắc lễ hội truyền thống. Trước tình trạng này, ngành đã có những giải pháp cụ thể nào, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh: Những năm gần đây, mặc dù công tác quản lý và tổ chức trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đảm bảo đúng quy định của nhà nước. Tuy nhiên, ở một số lễ hội vẫn còn để xảy ra tình trạng không đẹp mắt tại lễ hội. Với vai trò cơ quan quản lý, thời gian qua ngành đã có những giải pháp cụ thể:

Màn múa lân kết hợp dàn trống hội Vạn An hào hùng tái hiện lại
Màn múa lân kết hợp dàn trống hội Vạn An hào hùng tại Lễ hội Vua Mai 2016.

Thứ nhất: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động lễ hội. Tiếp tục tham mưu, ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện 229/CĐ – TTG ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Thông tư số 15/2015/TT - BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ VHTT và DL Quy định về tổ chức lễ hội; Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT - BVHTTDL- BNV ngày 30/5/2014 liên Bộ VHTTDL – Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về quản lý lễ hội.

Phối hợp chặt chẽ với các huyện, các xã có lễ hội trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, xử lý kiên quyết những phát sinh tại chỗ. Thực hiện nghiêm các quy định về cấp phép tổ chức lễ hội. Chấn chỉnh kịp thời các tồn tại diễn ra trong lễ hội như: dâng cúng hàng mã đặt hàng mã quá nhiều gây lộn xộn, ảnh hưởng đến mỹ quan, sự tôn nghiêm trong di tích. Hướng dẫn nhân dân thắp hương, đặt lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định. Kiên quyết không để hiện tượng đổi tiền lẻ, các dịch vụ ăn uống, trò chơi có thưởng (dễ biến tướng cờ bạc trá hình), lợi dụng văn hoá tâm linh để thực hiện hành vi mê tín di đoan trong lễ hội, khu vực di tích. Tổ chức tập huấn về quản lý, tổ chức lễ hội cho Ban/tổ quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội.

Múa sạp tại lễ hội hang Bua
Múa sạp tại lễ hội hang Bua.

Thứ hai: Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa, nội dung của các lễ hội và di tích. Phát hành các ấn phẩm văn hoá giới thiệu về di tích, lễ hội và nhân vật thờ tự để người tham gia lễ hội hiểu rõ hơn về di tích, lễ hội. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; bổ sung hệ thống bảng, biển hướng dẫn nhân dân và du khách tham gia lễ hội thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, lễ hội.  Vận động nhân dân và du khách, nhất là các hộ kinh doanh dịch vụ ký cam kết về vệ sinh môi trường, di tích, ứng xử văn minh, đảm bảo giá cả, chất lượng hàng hoá.  

Thứ ba: Nghiên cứu, phục hồi lễ hội theo đúng bản sắc truyền thống, lập hồ sơ khoa học cho một số lễ hội để trình Bộ VHTTDL xếp hạng di sản phi vật thể cấp quốc gia. Tổ chức hội thảo khoa học về tổ chức lễ hội gắn với phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch. Chỉ đạo bài trí các tượng pháp, đồ tế khí, thờ cúng, không gian hành lễ đúng quy định, tạo thuận lợi cho nhân dân cùng chứng kiến và tham gia. Xây dựng kịch bản, thực hành các nghi lễ phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Đối với các hoạt động Hội, cần chú trọng các trò chơi dân gian của vùng miền.

Thứ tư: Quan tâm thực hiện công tác xã hội hóa lễ hội, từng bước đưa lễ hội về cho nhân dân. Phát huy vai trò chủ  động của cộng đồng trong việc tổ chức lễ hội dưới sự quản lý, hướng dẫn, giám sát của các cơ quan nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch.

Lễ hội Đền Đức Hoàng xã Phúc Thành
Lễ hội Đền Đức Hoàng xã Phúc Thành.

Thứ sáu: Nghiên cứu để xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng lễ hội.Thứ năm: Quy hoạch hệ thống di tích, tổng thể lễ hội, đảm bảo bảo tồn, phục hồi được các yếu tố gốc đồng thời tạo điểm đến hấp dẫn cho du lịch. Đối với di tích có lễ hội cần thực hiện quy hoạch lễ hội, đầu tư, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách, không để xu hướng thương mại ảnh hưởng đến văn hóa tâm linh, nhân văn của lễ hội. Đối với các lễ làng, hội làng, lễ hội dân gian do làng, bản tổ chức hàng năm, định kỳ, trước khi tổ chức phải báo cáo bằng văn bản cho UBND cấp xã; lễ hội do cấp xã tổ chức phải báo cáo Phòng VHTT cấp huyện để quản lý, chỉ đạo.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Thanh Thủy (thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới