Đền Đức Hoàng

Đền thiêng bên hồ Diệu Ốc gắn với lễ hội đầu Xuân đặc sắc

(Baonghean.vn) - Đền Đức Hoàng xã Phúc Thành (Yên Thành) - Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia đã và đang là điểm đến hấp dẫn của người dân trong tỉnh, nhất là dịp lễ hội đầu Xuân.

bna-1-1877.jpg
Đền Đức Hoàng tọa lạc giữa một không gian xanh với hệ thực vật phong phú, lâu đời, hiếm có. Cửa đền hướng ra hồ Diệu Ốc - một trong 8 cảnh đẹp nổi tiếng của huyện Đông Thành xưa. Ảnh: Huy Thư
bna-2-4001.jpg
Theo sử sách, đền Đức Hoàng được khởi dựng từ thời Trần, ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ, đến năm 1505, thượng điện được xây tường, lợp ngói, năm 1882 xây tòa trung điện và đến năm 1936 xây thêm nhà hạ điện. Kiến trúc đền Đức Hoàng được bố trí theo kiểu chữ “Tam”, đến nay hầu như vẫn còn lưu giữ được nguyên vẹn kiến trúc cổ thời Lê – Nguyễn cùng nhiều công trình phụ trợ khác như nghi môn, sân, vườn, giếng nước... Ảnh: Huy Thư
bna-3-7182.jpg
Tòa hạ điện có 3 gian, 4 vì kết cấu theo kiểu giao nguyên, trên vòm cuốn trang trí bộ tứ linh và hoa văn cách điệu. Gian giữa xây chồng diêm kiểu vọng lâu, mái lợp ngói âm dương. Trong ảnh: Rồng đá trước thềm hạ điện. Ảnh: Huy Thư
bna-4-1130.jpg
Nhà trung điện gồm 3 gian, 2 hồi, kết cấu kiểu tứ trụ, bài trí 3 cung thờ. Nét độc đáo khác của đền Đức Hoàng là cột nhà được kê trên những hòn đá vuông có chân cột cao khoảng 0,3m. Trong ảnh: Đá táng độc đáo ở trung điện. Ảnh: Huy Thư
bna-5-292.jpg
Kiến trúc đền Đức Hoàng tuy khiêm tốn nhưng mang vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, linh thiêng với những chi tiết trang trí tinh tế, mềm mại. Trong ảnh: Mặt trước tòa thượng điện. Ảnh: Huy Thư
bna-6-8251.jpg
Tại đền còn lưu giữ nhiều hiện vật, đồ tế khí cổ kính có giá trị như bia đá, sắc phong, đại tự, hương án... Ảnh: Huy Thư
bna-7-9263.jpg
Đền Đức Hoàng thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, vị tướng tài ba có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Ngoài ra, đền còn phối thờ thần rắn, đức Thánh Trần, Liễu Hạnh Công chúa, Bạch Y Công chúa,... Năm 1998, đền đã được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2022, UBND tỉnh công nhận đền là điểm du lịch. Ảnh: Huy Thư
bna-8-871.jpg
Bên cạnh đền Đức Hoàng, giữa vườn cây râm mát còn có 1 ngôi chùa cổ gọi là chùa Yên Lạc được xây dựng từ xưa, nay cũng được tôn tạo khang trang. Ảnh: Huy Thư
bna-9-5770.jpg
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bậc tiền nhân, hàng năm, cứ vào dịp đầu Xuân (từ ngày 29/1 - 1/2 âm lịch), nhân dân huyện Yên Thành và du khách thập phương lại nô nức khai hội đền Đức Hoàng. Đây là một trong những lễ hội được tổ chức với quy mô lớn trong vùng thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự. Ảnh: Huy Thư
bna-10-1771.jpg
Chương trình lễ hội khá phong phú gồm: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ tế thần, lễ tạ, lễ cáo, thi đấu bóng chuyền, đánh cờ người, hát ví – giặm, hội thi Thanh niên thanh lịch, thả hoa đăng, kéo co, đẩy gậy, đu tiên, chọi gà, đi cầu kiều... Ảnh: Huy Thư
bna-11-145.jpg
Trẩy hội đền Đức Hoàng là tìm về với cội nguồn văn hóa tâm linh, là dịp để mọi người được hòa mình vào không gian lễ hội linh thiêng, tham quan, chiêm bái, thể hiện tấm lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân, đồng thời trải nghiệm, thưởng thức, mua sắm những đặc sản nổi tiếng của quê lúa. Ảnh: Huy Thư

Tin mới