Công an tỉnh Nghệ An: Phối hợp đưa người phụ nữ lạ ra khỏi biên giới

(Baonghean.vn) – Sáng 24/4, Đại tá Trần Xuân Vinh, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (Công an tỉnh nghệ An) cho biết, đơn vị vừa phối hơp với Cục A72 (Bộ Công an) và lực lượng Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đẩy đuổi người phụ nữ lạ ra khỏi biên giới.

Ngày 22/4, sau khi nắm thông tin trên báo chí có một người phụ nữ lạ nói tiếng địa phương Trung Quốc đi lang thang tại các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Công an huyện Nam Đàn cử cán bộ đi kiểm tra và sau đó phát hiện người phụ nữ này đang lang thang trên địa bàn huyện.

Người phụ nữ lạ mang theo hành lý xuất hiện ở Thanh Chương vào ngày 22/4.
Người phụ nữ lạ mang theo hành lý xuất hiện ở Thanh Chương vào ngày 22/4. (Ảnh: Huy Thư)

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng không tìm được bất cứ giấy tờ gì trên người đối tượng. Xác định có yếu tố người nước ngoài nên Công an huyện Nam Đàn bàn giao người phụ nữ này cho Phòng quản lý Xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) để xử lý theo quy định.

Đại tá Trần Xuân Vinh, Trưởng phòng quản lý Xuất nhập cảnh cho biết, khi tiếp xúc, người phụ nữ này có các dấu hiệu về thần kinh không bình thường, ăn mặc rách rưới, người có mùi hôi. Ngay sau đó, phòng cử cán bộ chăm sóc, thay quần áo và cho ăn uống đầy đủ.

Xác định đây là người nước ngoài vào nước ta theo con đường không chính thống nên theo quy định phải đẩy đuổi ra khỏi biên giới. “Ngày 23/4, phòng phối hợp với Cục A72 và lực lượng Biên phòng tỉnh Lạng Sơn tổ chức đẩy đuổi người phụ nữ này ra khỏi biên giới”, Đại tá Vinh cho biết.

Trước đó, như Báo nghệ An đưa tin, trong vòng 1 tuần trở lại đây, trên địa bàn các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An) người dân địa phương thấy xuất hiện một người phụ nữ lạ mặt, nói tiếng lạ, chưa rõ danh tính, quê quán…

Người phụ nữ này trạc 50 – 55 tuổi, mặt rám nắng, tóc cắt ngắn, mặc quần áo màu xanh bộ đội, hành lý là một túi lớn màu nâu, mang sau lưng, cùng một số túi nhỏ xách tay. Qua giao tiếp, những người rành tiếng Trung Quốc cho biết, người phụ nữ này đang nói tiếng địa phương ở Trung Quốc, thỉnh thoảng mới xen lẫn một vài từ trong tiếng phổ thông Trung Quốc. 

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới