“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” mang sẻ chia về miền biên viễn

(Baonghean.vn) - Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" cùng những chuyến hành trình của các cấp hội phụ nữ vùng đồng bằng, vùng biển lên với những hoàn cảnh phụ nữ khó khăn ở các bản, làng biên giới. Nhờ đó đã giúp cho hàng trăm hộ gia đình vơi bớt khó khăn, nhân lên tinh thần nỗ lực vượt qua hoàn cảnh.

Hỗ trợ về vật chất

Gia đình chị Lương Thị Luyến ở bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai (Tương Dương) là 1 trong 5 hộ được nhận hỗ trợ của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.

Năm 2019, chị Luyến và 4 gia đình khác được tặng lợn giống chăn nuôi phát triển kinh tế, nhờ vậy cả 5 hộ gia đình đều đã thoát nghèo. “Chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể thoát nghèo, trước đây nhiều bữa không có gạo ăn. Tất cả là nhờ sự quan tâm của các chị em, của Đồn Biên phòng Nhôn Mai”, chị Lương Thị Luyến bày tỏ.

Chị Lô Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN xã Nhôn Mai cho hay, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, cụ thể là Hội Phụ nữ Thị xã Hoàng Mai đã hỗ trợ các chị em khó khăn của xã với tổng kinh phí 60 triệu đồng. Đều đặn từ năm 2018 đến nay chị em thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tập huấn hướng về phát triển kinh tế, hỗ trợ nguồn vốn ban đầu 40 triệu đồng cho 5 hội viên phụ nữ nghèo đầu tư vay vốn mua bò sinh sản, đến nay bò đã phát triển thêm 6 con, nâng tổng số lên 11 con bò. Nhờ đó, 5 hội viên phụ nữ nghèo đến nay cả 5 hộ đều đã thoát nghèo bền vững.

Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương hỗ trợ chị em nghèo xã Nhôn Mai, Tương Dương. Ảnh: H.T
Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương hỗ trợ chị em nghèo xã Nhôn Mai, Tương Dương. Ảnh: H.T

Không chỉ các gia đình chị em ở xã Nhôn Mai, trên những vùng biên cương của Nghệ An, hàng chục gia đình các chị em khác cũng nhận được sự đồng hành thiết thực, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Bản Cửa Rào, xã Môn Sơn (Con Cuông), một bản tái định cư dành cho đồng bào Đan Lai sinh sống. những ngày cuối tháng 11 này đã có nhiều thay đổi. Nổi bật nhất là những trục đường chính của bản đã được đổ bê tông chắc chắn, rộng rãi đạt chuẩn đường nông thôn mới. Ngôi nhà ngói 2 gian khá nhỏ nhắn của chị La Thị Hà nằm ngay cạnh con đường bê tông vừa mới được hoàn thành.

"Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" là hoạt động thực hiện Chương trình phối hợp của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ban Thường vụ Hội LHPN Tỉnh và BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức ký kết chương trình số 206/ KHPN/BĐBP-HLHPN ngày 27/4/2018 về thực hiện hoạt động giai đoạn 2018 - 2020 và hướng dẫn cụ thể 21 huyện, thành, thị hội và hội Phụ nữ các đơn vị LLVT thực hiện chương trình phối hợp.

Chị Hà sinh năm 1979 nhưng nom già trước tuổi; chồng chị hiện đang đi làm thuê ở Lào nhưng nửa năm rồi chưa thấy về nhà, cũng chưa gửi tiền về. Một mình chị ở nhà nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học, lại đau ốm liên miên và không có việc làm nhưng may mắn có bò, dê để chăn nuôi. Nói đến bò, dê của gia đình, chị Hà vui hẳn, hồ hởi khoe những “báu vật” của gia đình chị đang ung dung gặm cỏ phía sau vườn nhà. Theo chị Hà, những “báu vật” sống này chính là món quà được các chị em hội viên ở miền xuôi, ở tỉnh bạn và các cơ quan, đơn vị quyên góp mua tặng. Món quà đó đã trở thành nguồn nuôi sống gia đình. “Nếu không có bò, có dê của Hội LHPN tỉnh và Đồn Biên phòng Môn Sơn tặng, các con của tôi đã phải nghỉ học, và tôi cũng không có tiền để mua thuốc”, chị La Thị Hà tâm sự.

Cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn thăm gia đình chị La Thị Hà và La Thị Nguyệt. Ảnh: H.T
Cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn thăm gia đình chị La Thị Hà (ảnh trên) và La Thị Nguyệt. Ảnh: H.T

Cũng ở bản Cửa Rào, chúng tôi ghé thăm gia đình bà La Thị Nguyệt - “hình mẫu” phát triển kinh tế của bà con đồng bào Đan Lai ở xã biên giới này. Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh - Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết, hộ bà La Thị Nguyệt năm 2019 trở về trước thuộc diện nghèo đói, hai vợ chồng bà Nguyệt cùng vợ chồng người con trai chỉ biết sống dựa vào mảnh ruộng nhỏ. Trong 2 năm (2019 – 2020), Đồn Biên phòng Môn Sơn tặng gia đình bà 1 con bò sinh sản, 1 đàn gà giống 50 con để giúp gia đình làm nguồn vốn phát triển kinh tế; Hội LHPN TX. Cửa Lò và Đồn Biên phòng Cảng Cửa Lò tặng thêm 1 con bò, 2 con dê đã giúp cho gia đình bà gây dựng vốn, dần khấm khá. Nay không chỉ mua thêm được con trâu, mà tháng 10 vừa qua gia đình bà còn vừa sắm được máy xay xát lúa, nâng cao thu nhập.

Chủ tịch Hội LHPN xã Môn Sơn -  Vi Thị thủy Dương cho biết, chị La Thị Hà, bà La Thị Nguyệt là 2 trong 6 gia đình chị em được Hội LHPN tỉnh kết nối với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nam Định, Hội LHPN thị xã Cửa Lò kết hợp với Đồn Biên phòng Cảng Cửa Lò - Bến Thủy quyên góp tiền mua tặng mỗi hộ 1 con bò giống sinh sản.

Còn tại xã Hạnh Dịch (Quế Phong), những bước chân đồng hành của Hội LHPN tỉnh cùng các tổ chức, cá nhân bằng mô hình “Nuôi lợn đen phát triển kinh tế” đã giúp cho 20 hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn có vốn để mua con giống, mỗi hộ được hỗ trợ 5 triệu đồng. Các hộ hội viên nghèo đã dùng số vốn được hỗ trợ để nuôi lợn, gà, bò (có 19 hộ nuôi lợn, 1 hộ chăn nuôi bò). Hiện số lợn đang nuôi là 50 con, bò đang nuôi 2 con, đang từng ngày giúp các hộ hội viên dần thoát nghèo bền vững.

Hội phụ nữ và Hội chữ thập đỏ tỉnh thăm, tặng quà các hộ hội viên phụ nữ nghèo ở xã Na Ngoi. Ảnh: H.T
Hội Phụ nữ và Hội Chữ thập đỏ tỉnh thăm, tặng quà các hộ hội viên phụ nữ nghèo ở xã Na Ngoi. Ảnh: H.T

Tùy theo đặc điểm địa hình, khí hậu để lựa chọn hình thức hỗ trợ phù hợp, tại xã biên giới Na Ngoi (Kỳ Sơn), Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã lựa chọn mô hình sinh kế “Nuôi gà đen” giúp chị em nơi đây vươn lên thoát nghèo. Thực hiện từ năm 2019 với sự đồng hành của Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã giúp cho 20 hộ hội viên nghèo tại 2 bản là Phù Khả 2 và bản Tặng Phăn 100 triệu đồng mua con giống gà đen.

Khuyến khích về tinh thần

Tại bản Phá Mựt, xã Nhôn Mai, thay vì thường trực nỗi lo lắng bị sập nhà, từ khi được ở trong ngôi nhà mới, gương mặt của chị Già Y Tranh đã tươi vui, rạng rỡ hơn nhiều. Vợ chồng chị Già Y Tranh ngoài làm nương rẫy, thu hái lâm sản phụ để nuôi 2 con còn nhỏ, đứa lớn mới 3 tuổi thì anh chị còn nhận nuôi dưỡng vợ chồng người bác không có khả năng lao động, chỉ sống dựa vào 600.000 đồng hỗ trợ người tàn tật, già cả mỗi tháng. Cuộc sống cơm áo, gạo tiền khiến chị Già Y Tranh nom khắc khổ, lo bữa ăn hàng ngày và chăm con cái, bác già yếu tàn tật nên ngôi nhà bao năm nay đã xập xệ, rách nát.

“Nhiều đêm mưa gió không dám ngủ vì lo nhà sập, lo hứng nước mưa”, chị Già Y Tranh bộc bạch. Nay nỗi lo ấy của chị đã được xua tan kể từ khi được Chương trình “Đồng hành cũng phụ nữ biên cương” quyên góp, kêu gọi xây tặng vợ chồng chị căn nhà vững chãi. Niềm vui có nhà mới gắn với niềm hạnh phúc vì được quan tâm, chia sẻ kịp thời đã giúp chị Già Y Tranh phấn chấn trong cuộc sống, giúp chị và chồng có thêm động lực để hăng hái, chăm chỉ lao động và tích cực hơn trong tham gia các hoạt động tập thể của thôn, bản.

Phụ nữ vùng biên giới Tương Dương vui mừng nhận hỗ trợ của chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Ảnh: H.T
Phụ nữ vùng biên giới Tương Dương vui mừng nhận hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Thái Hòa, Yên Thành, Hoàng Mai. Ảnh:P.V

Cũng ở xã Nhôn Mai, những hỗ trợ của Chương trình “Đồng hành cũng phụ nữ biên cương” không chỉ đến với chị Già Y Tranh, mà còn mang đến sự khuyến khích to lớn về tinh thần cho các chị như Vi Thị Chiên ở bản Nhôn Mai, Lữ Thị Ước ở bản Na Hỷ…Chị Lữ Thị Ước (SN 1990) thường xuyên ốm đau, lại không may có chồng mất sớm vì bệnh ung thư, để lại cho chị gánh nặng nuôi dưỡng 3 đứa con cùng cha mẹ hai bên nội, ngoại cũng lâm vào cảnh cùng quẫn cả về vật chất lẫn tinh thần. Thật may, như chị Ước tâm sự, ánh sáng niềm tin đã dần trở lại với chị khi được nhận bò giống của các cấp hội, các nhà hảo tâm trao tặng. Con bò giống được tặng nay đã sinh sản thêm, tạo nguồn nuôi sống gia đình chị Ước, tạo niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn cho chị và các con nhỏ.

Có thể thấy, bằng những chuyến đi, những bước chân đồng hành, chia sẻ không mệt mỏi, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã hỗ trợ về vật chất, cải thiện phần nào đời sống hội viên phụ nữ các xã biên giới; đồng thời động viên, khuyến khích các chị em nâng cao nhận thức, hiểu biết về mọi mặt.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã triển khai được 3 năm (2018 - 2020) trên phạm vi toàn tỉnh. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kết nối với các đơn vị như Hội LHPN tỉnh Nam Định, Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình, Hội LHPN Quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng), Ni trưởng Thích Đàm Thành, Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ biên giới tại xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), xã Hạnh Dịch (Quế Phong), xã Môn Sơn (Con Cuông), xã Nhôn Mai (Tương Dương) với kinh phí hơn 270 triệu đồng. Sau 3 năm đã có 24/24 Hội LHPN các huyện, thành, thị, các đơn vị LLVT triển khai các hoạt động hưởng ứng Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" hỗ trợ chị em các xã biên giới. Tổng nguồn lực thực hiện chương trình từ năm 2018 - 2020 đạt được là hơn 2,8 tỷ đồng.

Hội Phụ nữ TX Cửa Lò tặng bò giống cho phụ nữ nghèo xã Mỹ Lý huyện Kỳ Sơn. Ảnh:P.V
Hội Phụ nữ TX Cửa Lò tặng bò giống cho phụ nữ nghèo xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Ảnh:P.V

Hội LHPN các cấp còn tổ chức các hoạt động giúp đỡ hội viên các xã biên giới khắc phục hậu quả lũ lụt, vượt qua khó khăn. Các cấp hội cũng phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đồn biên phòng, các ban, ngành liên quan huy động nguồn lực ủng hộ hội viên, phụ nữ nghèo các xã biên giới thực hiện phong trào “Biến phế liệu thành con giống”; phát động quyên góp “Sách giáo khoa cũ”, “Tủ thuốc biên cương” và các hoạt động thiện nguyện khác. Nhờ vậy, chỉ trong 3 năm đã xây dựng được 20 “Mái ấm tình thương”, tặng 4 bộ vi tính, máy in, đầu tư nhiều mô hình sinh kế con giống sản xuất chăn nuôi, hàng trăm vật dụng đồ dùng thiết yếu như chăn màn, quần áo, đồ dùng học tập cho các cháu học sinh con em vùng biên giới...

Những hoạt động đồng hành cùng phụ nữ biên cương đang ngày càng lan tỏa đến từng hội viên phụ nữ toàn tỉnh và cả các tỉnh bạn. Những bước chân đồng hành của chương trình không chỉ hỗ trợ về vật chất, khuyến khích về tinh thần cho chị em nơi biên giới, mà như lời của Hội trưởng Hội LHPN thị xã Cửa Lò Phùng Thị Hạnh tâm sự “Không chỉ người được nhận hạnh phúc, mà người được cho, được đồng hành như chúng tôi cũng được truyền lửa yêu thương, được thêm động lực để tiếp tục chia sẻ”./.

Tin mới