Đông Nam Á không còn yên tĩnh

(Baonghean) - Khủng bố không chỉ có mặt tại Đông Nam Á, nhiều nước trong khu vực còn đang trở thành cứ điểm cho nhiều tổ chức khủng bố. Những dấu hiệu đang cho thấy tương lai nguy hiểm này rõ ràng hơn.

Bộ trưởng Nội vụ Singapore K. Shanmugam cảnh báo những kẻ cực đoan hoàn toàn nghiêm túc với ý định tấn công Singapore. Ảnh: Straits Times.
Bộ trưởng Nội vụ Singapore K. Shanmugam cảnh báo những kẻ cực đoan hoàn toàn nghiêm túc với ý định tấn công Singapore. Ảnh: Straits Times.

Không còn xa lạ

Sự xuất hiện của các nhóm cực đoan núp danh tôn giáo đã có tại một số quốc gia khu vực Đông Nam Á từ trước tới nay như Philippines, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan. Điều này khiến các chính quyền tại khu vực đau đầu đối phó. Còn giờ đây thì công việc này chắc chắn còn khó khăn gấp nhiều lần bởi những mối đe dọa khủng bố đang được “toàn cầu hóa”. Bởi Đông Nam Á đang là mục tiêu để Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phát triển các cơ sở mới.

Trong một tuyên bố được đăng trên tờ The Star của Malaysia, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi hôm 6/8 đã xác nhận thông tin này. Những thông tin tình báo cho thấy khoảng 300 tay chân của Abu Bakar Bashir  – cựu lãnh đạo tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah và là chủ mưu loạt vụ đánh bom đẫm máu ở đảo Bali, Indonesia năm 2002, mới được ra tù. Số đối tượng này đã kịp đến Batam, đảo Riau của Indonesia, gần Singapore và Malaysia, và chuẩn bị xây dựng căn cứ mới cho IS tại nơi này. Thông tin này càng được chứng thực với mức độ cao bởi vụ bắt giữ trước đó một ngày của cảnh sát Indonesia. 6 đối tượng bị cáo buộc âm mưu tấn công Vịnh Marina của Singapore bằng rocket từ đảo Batam. Đây đều là những thành viên thuộc nhóm khủng bố KGR.

Công thức chắc chắn nhất để phát tán ảnh hưởng tại khu vực là sự kết hợp giữa những phần tử cực đoan khu vực và những mạng lưới khủng bố quốc tế. Trong số này, nổi bật là tổ chức Jemaah Islamiyah, nhóm khủng bố Hồi giáo xuyên quốc gia ở Đông Nam Á, từng có liên hệ với Tổ chức khủng bố Al Qaeda và Taliban. Jemaah Islamiyah từng được coi là đã bị sụp đổ sau chiến dịch trấn áp mạnh mẽ của chính phủ Indonesia những năm vừa qua, nhiều thủ lĩnh cùng thành viên tổ chức này đã bắt giữ và bị kết án tù giam. Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây cho thấy nhóm này đang được gây dựng trở lại và nhiều ý kiến cho rằng điều này có liên quan tới IS.

Thực tế, IS đã âm thầm có mặt tại Đông Nam Á và “đánh tiếng” bằng vụ đánh bom đẫm máu tại Bangkok, Thái Lan tháng 8/2015 hay cuộc tấn công hồi tháng 1 năm nay tại Jakarta, làm 8 người thiệt mạng. Đến tháng 4 năm nay, IS tiếp tục cảnh báo Malaysia, Philippines và Indonesia nằm trong số những mục tiêu tấn công tiếp theo.

Muhammad Bahrun Naim Anggih Tamtomo, còn gọi là Bahrun Naim – đối tượng bị buộc tội đứng sau vụ khủng bố ở Jakarta hồi tháng Một tại phiên thẩm vấn ở Tòa án quận Surakarta, Trung Java, Indonesia hồi tháng 2/2011. Ảnh: Jakarta Post.
Muhammad Bahrun Naim Anggih Tamtomo, còn gọi là Bahrun Naim – đối tượng bị buộc tội đứng sau vụ khủng bố ở Jakarta hồi tháng Một tại phiên thẩm vấn ở Tòa án quận Surakarta, Trung Java, Indonesia hồi tháng 2/2011. Ảnh: Jakarta Post.

Điểm mặt chỉ tên

Mục tiêu của Tổ chức Nhà nước (IS) tự xưng tại khu vực Đông Nam Á là xây dựng một căn cứ mới, nơi có thể vừa tuyển mộ binh lính, vừa gây ra những hành động sát thương có mức độ cao đủ để khuếch trương thanh thế. Indonesia và Malaysia – nơi có đông dân số theo Hồi giáo được coi là 2 địa chỉ đầy “tiềm năng” trong khu vực để IS chiêu mộ lực lượng. Mặt khác quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới - Indonesia cũng là nơi xuất thân của nhiều nhóm khủng bố địa phương trong lịch sử. Vì thế, việc phát triển mạng lưới dường như trở nên dễ dàng hơn. Chưa kể đến việc hàng năm, hàng nghìn dân Indonesia đã xuất cảnh để đầu quân cho IS. 

Singapore cũng thu hút sự chú ý của các cái đầu chứa đầy ý tưởng khủng bố. Tạp chí cực đoan tiếng Anh Resurgence năm ngoái đề cập đến căn cứ hải quân Sembawang của đảo quốc Sư tử khi bàn cách giúp phiến quân tấn công trên biển.

Nguy cơ đối với Singapore và các nước láng giềng gia tăng do Katibah Nusantara, đơn vị chiến đấu thuộc IS trên quần đảo Malay, đang lớn mạnh. Nhóm này được thành lập tại Syria hồi tháng 8 năm ngoái, gồm những phiến quân ở Đông Nam Á dễ trao đổi bằng tiếng Bahasa Indonesia và Malay hơn là tiếng Arab. Chiến trường Trung Đông hiện đang là lò đào tạo thực địa của nhóm này. Hiện có hơn 700 tay súng từ Indonesia và 200 tay súng từ Malaysia trong hàng ngũ IS. Katibah Nusantara đã kịp ghi “dấu ấn” khi chiếm thành công 5 khu vực của người Kurd ở Syria.

Trong bản chiến lược phát triển của IS, nhóm này dường như là phần cốt yếu giúp IS thiết lập một "đế chế" trên thế giới, thành viên Katibah Nusantara được điều động về nước để tổ chức tấn công, thậm chí là tuyên bố nhánh mới trong khu vực. Các tay súng người Malaysia còn nắm bắt những vấn đề địa phương để tìm sự ủng hộ. Gần dây nhất, nhóm ủng hộ IS trên mạng kêu gọi người Rohingya đang chạy trốn sự đàn áp ở Myanmar tới Syria. Giáo sư Rohan Gunaratna, thuộc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Chủ nghĩa khủng bố và Bạo lực Chính trị tại Singapore, nhận định: “Chúng (Katibah Nusantara) có nhiều chức năng: huấn luyện những người đủ khả năng tấn công ở Iraq và Syria, kích động người Đông Nam Á tấn công quê nhà rồi cực đoan hóa và tuyển mộ, đưa sang Iraq và Syria”.

Một đội cảnh sát chống khủng bố đang tìm kiếm bằng chứng trong vụ vây bắt tại một khu dân cư ở trung tâm Batam, indonesia hôm 5/8. Ảnh: Straits Times.
Một đội cảnh sát chống khủng bố đang tìm kiếm bằng chứng trong vụ vây bắt tại một khu dân cư ở trung tâm Batam, indonesia hôm 5/8. Ảnh: Straits Times.

Cần những nỗ lực khu vực

15 năm sau ngày Mỹ khai màn mặt trận chống khủng bố bằng chiến dịch tấn công al Qaeda và Taliban tại Afghanistan, mặt trận toàn cầu này đang được định hình lại. Sự có mặt của IS tại Đông Nam Á là một minh chứng rõ ràng rằng hoạt động khủng bố tiếp tục có nhiều biểu hiện khó lường và không giới hạn ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Các số liệu cho thấy sự nguy hiểm của những mối đe dọa này. Trung tâm nghiên cứu Pew tại Mỹ cho biết, khoảng 15% trong số 1,57 tỷ tín đồ Hồi giáo của thế giới đang sống ở Đông Nam Á. Và vì thế, lan truyền tư tưởng cực đoan và lôi kéo lực lượng theo con được khủng bố là điều nằm trong tầm tay. Không chỉ vậy, IS còn có tham vọng thành lập một “Vương quốc Hồi giáo” (Caliphate) tại đây.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi địa bàn và tầm ảnh hưởng bị thu hẹp đáng kể ở Syria, Iraq, các thủ lĩnh của IS buộc phải tìm kiếm địa bàn hoạt động mới, như khu vực Đông Nam Á, các nước Bắc Phi. Và muốn phát triển mạng lưới tại những khu vực này, rất có thể nhiều vụ tấn công ở mức độ lớn sẽ được chúng thực hiện để quảng bá thương hiệu trong khu vực và thu hút các phần tử cực đoan tại đây. Những nguy cơ đó hoàn toàn là có thật và sẽ là những thách thức lớn đối với các nước khu vực Đông Nam Á, trong việc phối hợp và chia sẻ tình báo ở mức độ lớn hơn để đối phó mối đe dọa này.

Phan Tùng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới