Đột phá vào công tác dạy nghề

(Baonghean) - Sau bốn năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và nhất là sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020, tỉnh nhà đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt. Đó là nền tảng chắc chắn, tạo sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội cho những năm tới.
Điều ấn tượng nhất là trong năm 2014 , tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nghệ An đạt 7,29%. Trong khi đó, mức bình quân chung của cả nước là 5,8%. Có thể thấy rất rõ là, đạt được quả đó là nhờ trong thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong tỉnh, thì còn do Nghệ An đã có những bước đi mang tính đột phá trong xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng; trong cải cách các thủ tục hành chính và trong thu hút đầu tư từ bên ngoài.
Dĩ nhiên, trong những năm tới, để duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, Nghệ An vẫn phải tiếp tục có những chương trình, giải pháp để tạo sự đột phá mới trong các lĩnh vực đó. Song cũng cần có những giải pháp mang tính đột phá ở các lĩnh vực khác để tạo nền tảng cho sự phát triển liên tục và bền vững. Và dạy nghề, có thể sẽ là một khâu đột phá mới của Nghệ An trong thời gian tới. Vì lẽ, nếu vẫn giữ vững tốc độ thu hút đầu tư từ bên ngoài vào như hiện nay và khi các dự án đã cam kết đi vào hoạt động, thì Nghệ An sẽ cần có một nguồn lực lao động chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Hơn nữa, với xu thế tập trung ưu đãi để thu hút các dự án có sử dụng công nghệ cao như hiện nay, thì nhu cầu về đội ngũ lao động được đào tạo bài bản, có trình độ tay nghề cao để nắm bắt, làm chủ được các yêu cầu kỹ thuật cao, hiện đại của công nghệ mới sẽ là một yêu cầu bức thiết. Vì thế, cần có chiến lược đào tạo nghề để “đi tắt, đón đầu” kịp thời nhu cầu đó. Và đó cũng là một cách nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh bằng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất.
Theo tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, trong tổng số lao động xã hội hiện có trên địa bàn tỉnh thì khoảng 70% là lao động trực tiếp, vậy nên, muốn có sức cạnh tranh cao thì nguồn nhân lực sản xuất trực tiếp nhất thiết phải được đào tạo bài bản, có chất lượng. Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là đến năm 2020, Nghệ An sẽ trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ và là một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì thế, muốn hay không muốn, từ nay cho đến lúc đó, Nghệ An phải nhanh chóng thay thế lao động giá rẻ, năng suất thấp bằng lao động kỹ thuật tạo nên năng suất cao, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có chất lượng.
Để làm được điều đó, chỉ có hai cách. Một là, thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài vào. Hai là, nâng cao chất lượng nguồn lao động tại chỗ của địa phương. Trong đó cách thứ hai là vẹn toàn hơn cả, vì vừa giải quyết được khó khăn về nhu cầu lao động, vừa tận dụng và giải quyết được việc làm cho đội ngũ lao động có trình độ hiện đang dôi dư khá nhiều trên địa bàn.
Nếu có định hướng đúng, cùng một chiến lược đào tạo nghề bài bản, phù hợp nhu cầu hiện tại và cả ở tương lai gần, thì chỉ trong một thời gian không dài, Nghệ An sẽ có được một đội ngũ lao động đủ sức tiếp nhận và làm chủ được kỹ thuật công nghệ hiện đại trong sản xuất.
Điều cần nhất lúc này là phải có bước đột phá mạnh mẽ trong công tác đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh để có một hệ thống dạy nghề hiện đại, linh hoạt, cho ra lò nguồn nhân lực kỹ thuật có năng lực cạnh tranh trên thị trường việc làm với kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng và nhanh chóng tạo được thế chủ động trong môi trường sống và làm việc. 
Vì thế, cần nghiên cứu, xem xét để đưa ra những chủ trương, chính sách và các biện pháp cụ thể để tạo sự đột phá mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới.
Duy Hương