Du lịch Nghệ An nỗ lực chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch được hiểu là việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh và tiếp thị truyền thống sang mô hình kinh doanh hiện đại hơn nhằm tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách du lịch theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu.

Nhờ chuyển đổi số, du khách sẽ được trải nghiệm những sản phẩm du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng thuận lợi, hoạt động vui chơi giải trí đẳng cấp và đáng nhớ…

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Chuyển đổi số trên lĩnh vực du lịch được bắt đầu từ năm 2018, trên cơ sở: “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam cần ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh. Đến năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lộ trình bị chậm lại nhưng từ năm 2022, để phục hồi nền kinh tế, Chính phủ cũng xác định bắt đầu tái khởi động hoạt động du lịch và lấy chuyển đổi số làm khâu đột phá, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

bna_Giới thiệu sp công nghiệp nông thôn tại các hội nghị kết nối kiên vùng là giải pháp tìm đầu ra cho sp công nghiệp nông thôn hay ocop Ảnh Nguyễn Hải.jpg
Nghệ An tham gia diễn đàn kích cầu du lịch các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Nguyễn Mạnh Lợi – Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An chia sẻ: Tại Nghệ An, du lịch được xác định là mũi nhọn kinh tế nên ngay từ khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm và xác định là nhiệm vụ ưu tiên. Vì thế, từ năm 2022, trên cơ sở định hướng của Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Nghệ An đã tham mưu xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó đặt mục tiêu hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh ở Nghệ An.

bna_Có một Hà Nội tại Vinh.jpg
Tái hiện hình ảnh Khuê Văn Các (Hà Nội) tại phố đi bộ Hồ Tùng Mậu -TP Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải

Trải qua đại dịch Covid-19, hơn ai hết những người làm du lịch nhận thấy chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết, vừa là một xu hướng tất yếu đối với ngành Du lịch hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, cũng như các ngành kinh tế khác, đây là nhiệm vụ không dễ dàng, để thực hiện, phải xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; xây dựng, tạo lập, lưu trữ, xử lý và khai thác cơ sở dữ liệu số tập trung ngành Du lịch phục vụ công tác quản lý ngành và nhu cầu tra cứu của người dùng...

bna_ du khách tham gia du lịch trải nghiệm tại đảo Chè Thanh Chương.jpeg
Du khách tham quan du lịch trải nghiệm tại đảo chè xã Thanh Thịnh, Thanh Chương. Ảnh Tư liệu Báo Nghệ An (Mai Hoa)

Do xuất phát điểm còn thấp nên Nghệ An ưu tiên xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số tập trung và xúc tiến, quảng bá du lịch trên các nền tảng truyền thông số như mạng xã hội, cổng thông tin du lịch, app. Mục tiêu bước đầu của chuyển đổi số du lịch Nghệ An là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, điều hành toàn diện hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch, hỗ trợ khách du lịch chuẩn bị trước, trong và chuyến đi, nhằm nâng cao chất lượng thông tin và trải nghiệm của khách du lịch. Đi đầu trong chuyển đổi số du lịch là hệ thống khách sạn của Tập đoàn Mường Thanh, Vinpearl Cửa Hội, Saigontourist… Những đơn vị này đã đầu tư xây dựng các phần mềm, ứng dụng thông minh để quảng bá, giới thiệu cũng như điều hành, quản lý hệ thống của mình.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phổ biến, các doanh nghiệp du lịch Nghệ An đã xây dựng, duy trì và vận hành các trang web, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, … để truyền thông, quảng bá cũng như phục vụ cho hoạt động kinh doanh du lịch. Không những thế, thông qua các phần mềm, doanh nghiệp lưu trú, tổ chức tour du lịch có thể tương tác, hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu của khách hàng hơn, qua đó giới thiệu, quảng bá, kịp thời điều chỉnh các sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp…

- Ông Nguyễn Đức Hiển - Tổng Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Sông Lam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An

Nhiều thách thức, khó khăn

Ông Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết thêm: Nhờ tích cực và chủ động triển khai các hoạt động chuyển đổi số gắn với du lịch thông minh nên nhận thức về chuyển đổi số du lịch trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi rõ nét hơn. Hiện tại, tỉnh đã xây dựng và vận hành Cổng thông tin du lịch visitenghean - nơi cập nhật các thông tin về địa điểm, các sản phẩm dịch vụ du lịch; đồng thời, hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng số tại một số điểm du lịch như phát sóng wifi miễn phí tại các điểm công cộng ở Cửa Lò, phố đi bộ TP Vinh; áp dụng công nghệ bản đồ số du lịch tương tác thông minh 3D/360o tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên…

bna_ hai trương cổng thông tin du lịch thông minh tại Nghệ An.jpg
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An ấn nút khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh. Ảnh Tư liệu BNA

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng ngành Du lịch nói chung và chuyển đổi số du lịch Nghệ An nói riêng phát triển chưa xứng với tiềm năng.

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh thẳng thắn: Sản phẩm du lịch muốn xúc tiến, quảng bá hay thì trước hết phải hoàn thiện, hấp dẫn và đẳng cấp. So với các tỉnh, Nghệ An còn thiếu các “ông lớn” thật sự đẳng cấp làm du lịch và nhiều sản phẩm du lịch, vì thế đang dang dở ở dạng tiềm năng.

bna_ du lịch cộng đồng tại thác Sao Va Quế Phong.jpg
Một hoạt động du lịch trải nghiệm tại thác Sao Va, huyện Quế Phong. Ảnh: Nguyễn Hải

Ngoại trừ hệ thống cơ sở lưu trú của Tập đoàn Mường Thanh là có thương hiệu, còn lại hầu hết các dự án đầu tư tạo điểm nhấn cho du lịch Nghệ An đều chưa hoàn thành (như Cụm công trình cáp treo ra đảo Ngư, dự án của Công ty CP Song Ngư Sơn tại đảo Lan Châu, dự án đảo chè Thanh Chương, khu du lịch Nghi Thiết); một số tour, tuyến du lịch mạo hiểm, điểm du lịch cộng đồng còn tự phát, hạ tầng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế.

Thực tế trên, từ năm 2021, tỉnh đã ban hành Đề án kèm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Có trên 150 doanh nghiệp làm du lịch tham gia đề án nhưng do vướng mắc về thủ tục giải ngân nên đến nay vẫn chưa triển khai được các phần mềm, ứng dụng thông minh. Việc tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp nói chung và làm du lịch nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.

bna_ các đại biểu.jpg
Đại diện các doanh nghiệp nhỏ và vừa các huyện, thị vùng Phủ Quỳ tham gia một đợt tập huấn do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An (NAPC) tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hải

Hy vọng thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn để các doanh nghiệp xây dựng được các phần mềm chuyên dụng; đồng thời, tỉnh xây dựng được bản đồ số du lịch thông minh. Bên cạnh đó, khi Đề án 06 về dữ liệu dân cư hoàn thành, các dữ liệu về công dân trên điện thoại thông minh được kết nối đồng bộ với hệ thống dữ liệu quốc gia thì chuyển đổi số du lịch Nghệ An sẽ rõ nét hơn.

- Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh

Tin mới