Điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu HĐND

Bộ Nội vụ đã đề xuất các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND.

Theo dự thảo, các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND được thực hiện theo quy định tại Điều 103 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của pháp luật.

Đại biểu HĐND tỉnh tại phiên họp.
Đại biểu tham dự kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVI- Ảnh minh họa.

Dự thảo nêu rõ, đại biểu HĐND đương nhiệm được cấp và sử dụng Giấy chứng nhận đại biểu HĐND. Mẫu giấy chứng nhận đại biểu HĐND do Chính phủ quy định. Giấy chứng nhận đại biểu HĐND do Chủ tịch HĐND cùng cấp ký. Khi làm nhiệm vụ đại biểu, đại biểu HĐND xuất trình Giấy chứng nhận đại biểu HĐND khi có yêu cầu.

Đại biểu HĐND đương nhiệm được cung cấp báo cáo của Thường trực HĐND, UBND cùng cấp và các tài liệu khác liên quan đến hoạt động của HĐND. Việc cung cấp báo chí và thông tin cần thiết khác cho đại biểu HĐND do HĐND quyết định.

Theo dự thảo, đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật bị cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc hoặc tạm đình chỉ công tác thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trước khi ra quyết định kỷ luật hoặc tạm đình chỉ công tác phải thông báo bằng văn bản đến Thường trực HĐND cấp đại biểu được bầu.

Đại biểu HĐND là cán bộ, công chức, viên chức chuyển công tác đi khỏi địa phương nơi đại biểu được bầu thì trước khi ra quyết định thuyên chuyển, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải tham khảo ý kiến của Thường trực HĐND cùng cấp. Thường trực HĐND báo cáo HĐND và thông báo tới Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, cử tri nơi bầu ra đại biểu HĐND đó biết việc chuyển công tác của đại biểu.

Đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách được cấp kinh phí hoạt động theo quyết định của HĐND.

Dự thảo nêu rõ, HĐND cấp tỉnh áp dụng quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội và hướng dẫn của Chính phủ để quyết định mức hỗ trợ đối với đại biểu HĐND ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Theo Điều 103 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND như sau:

1. Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được bố trí nơi làm việc, được trả lương, phụ cấp và hưởng các chế độ để hỗ trợ cho hoạt động của đại biểu HĐND.

2. Đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND. Thời gian làm việc trong năm mà đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu được tính vào thời gian làm việc của đại biểu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mà đại biểu làm việc và được bảo đảm trả lương, phụ cấp, các chế độ khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị đó đài thọ. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu làm việc có trách nhiệm sắp xếp công việc, tạo điều kiện cần thiết cho đại biểu HĐND làm nhiệm vụ.

3. Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đại biểu HĐND.

4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tạo điều kiện để đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, nguyện vọng và kiến nghị của Nhân dân với HĐND.

5. Đại biểu HĐND được cấp hoạt động phí hằng tháng và được hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động đại biểu.

6. Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới