Lòng tốt và trách nhiệm tạo thành sức lan tỏa lớn!

(Baonghean) - Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện Chỉ thị 03 bằng những việc làm thiết thực. Trong đó, một cách làm sáng tạo là phong trào các cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhận giúp đỡ các xã nghèo vùng đặc biệt khó khăn đã tạo dấu ấn rõ nét nhất. 

Lãnh đạo Báo Nghệ An tặng áo cho học sinh bản Đình Tài, xã Xiêng My (Tương Dương). 	Ảnh: P.V
Lãnh đạo Báo Nghệ An tặng áo cho học sinh bản Đình Tài, xã Xiêng My (Tương Dương). Ảnh: P.V
Năm 2007, các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng ủy Khối CCQ tỉnh đã bắt đầu trực tiếp nhận giúp đỡ các xã miền núi đặc biệt khó khăn ở hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Từ hiệu quả của chủ trương này, tỉnh rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng mô hình, cách làm hay này bằng quyết định phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ xã nghèo.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ sự giúp đỡ chí tình, mỗi cơ quan, đơn vị đã dành tình cảm đặc biệt với trách nhiệm đối với các hộ nghèo, xã nghèo. Đến nay, sau 4 năm triển khai cuộc vận động giúp đỡ xã nghèo miền Tây của tỉnh đã mang lại kết quả đáng khích lệ. 
Để có được những kết quả đó, các cơ quan, đơn vị trực tiếp khảo sát thực trạng điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở sản xuất, hạ tầng và thu nhập, đời sống của người dân để từ đó xây dựng phương án hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp với đặc thù điều kiện tự nhiên, nhu cầu từng xã. Mỗi cơ quan đơn vị, với những cách làm khác nhau phù hợp với nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình.
Đơn cử, được phân công giúp đỡ xã Yên Tĩnh của huyện Tương Dương, với những hoạt động giúp đỡ cụ thể với đặc thù nghề nghiệp của mình như khám, chữa bệnh miễn phí, trang bị tủ thuốc cho 9/9 bản, xây dựng nhà bếp, nhà ăn cho học sinh bán trú; xây dựng nhà tình nghĩa…
Sở Y tế còn hướng dẫn, triển khai thí điểm mô hình phát triển kinh tế dựa trên kế hoạch phát triển cây dược liệu, chăn nuôi. Tổng kinh phí Sở Y tế thực hiện giúp đỡ xã Yên Tĩnh từ 2012 - 2015 là trên 1 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt và hiện vật đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân ở địa bàn xa xôi hẻo lánh này.
Trao tặng bò cho đồng bào nghèo
Các đơn vị trao tặng bò giống cho đồng bào nghèo phát triển chăn nuôi.
Ông Vi Văn Minh, bản Cặp Chạng, xã Yên Tĩnh, Tương Dương chia sẻ: “Từ khi có đoàn cán bộ y tế về thăm, khám bệnh, tặng bò, quần áo ấm, bản ta mừng lắm, cảm động lắm. Qua công tác tuyên truyền, của cán bộ y tế, nhận thức của bà con dân bản về các lĩnh vực được nâng lên, nhất là kiến thức chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh”.
Với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Tỉnh đoàn Nghệ An bằng các hình thức như xây nhà bán trú dân nuôi, tuyên truyền pháp luật, mô hình tập hợp thanh niên vùng dân tộc thiểu số, chỉ đạo phối hợp lực lượng ở Tổng đội TNXP 8 giúp đồng bào xây dựng mô hình trồng lúa lai từ 1 vụ sang 2 vụ.
Hỗ trợ vốn cho thanh niên và tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đơn vị còn nhận trao tặng bò giống giúp đỡ các hộ đặc biệt nghèo nơi đây với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,1 tỷ đồng.
Cuộc sống của bà con xã Đoọc Mạy, một trong những xã khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn thời gian gần đây đã có nhiều đổi thay, khởi sắc nhất là chuyển biến nhận thức trong phát triển kinh tế của bà con.
Còn với Ban Dân vận Tỉnh ủy lựa chọn hình thức giúp đỡ xã Thanh An, huyện Thanh Chương bằng việc củng cố hệ thống chính trị như hướng dẫn, góp ý, bổ sung và xây dựng quy chế làm việc, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã từng năm và giai đoạn.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng quà hộ nghèo tàn tật ở xã Diễn Ngọc  (Diễn Châu). Ảnh:  Nguyễn Hải
Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng quà hộ nghèo tàn tật ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu). Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải
Những mô hình như vậy, bên cạnh việc hỗ trợ con giống, cây trồng, các cơ quan, đơn vị còn chú trọng chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích tính tự lực của đồng bào vươn lên vượt qua nghèo đói.
Điển hình như Công an tỉnh hỗ trợ xã Châu Hoàn (Quỳ Châu) 98 con bò giống góp phần hỗ trợ được 34 hộ gia đình thoát nghèo; Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ 19 hộ gia đình ở xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Đàn 38 con dê.
Cũng cách làm này, Báo Nghệ An tặng bò cho một số hộ nghèo ở xã Xiêng My (Tương Dương) với cam kết cùng lãnh đạo xã và các hộ nhận bò là sau khi sinh sản, bò sẽ được chuyển sang cho các gia đình nuôi. Còn rất nhiều mô hình giúp “cái cần câu” của các đơn vị như:
Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBMTTQ tỉnh, Ban Dân tộc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại học Vinh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân, Sở GTVT... Nhờ đó, đã có hàng chục mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển sản xuất, chăn nuôi đang tạo ra những giá trị thiết thực mà ở đó có sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị và công sức lao động của đồng bào.
Cùng với đó, những hoạt động có hiệu quả được thực hiện thông qua chương trình giúp đỡ các hộ nghèo đó là hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở tạm bợ, dột nát và tặng sổ tiết kiệm.
Đặc biệt, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã có những chương trình, hoạt động có ý nghĩa như: Quỹ Thiện Tâm, Công ty Vicom thuộc Tập đoàn Vingroup hỗ trợ xây dựng 50 nhà tình cho hộ nghèo, với tổng số tiền 2.500 triệu đồng; thực hiện Chương trình “Chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới”, từ tháng 8/2014 đến nay Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã phối hợp với Công ty Viettel tổ chức trao tặng 10 đợt với 3.659 con bò giống, trị giá mỗi con 15 triệu đồng cho 3.659 hộ nghèo ở các xã biên giới trên địa bàn tỉnh, Tổng Công ty XDCT Giao thông 4 tặng “ngân hàng bò”… với trị giá hàng chục tỷ đồng.
Ngoài những việc giúp đỡ trên, các cơ quan, đơn vị, tổ chức còn hỗ trợ giúp đỡ các xã nghèo khắc phục hậu quả thiên tai, tổ chức các chương trình như: Ủng hộ quỹ vì người nghèo, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Tiếp sức đến trường”... để quyên góp ủng hộ giúp đỡ xã nghèo.
Thanh Lê

Tin mới