Dân vận đi trước, đồng hành và về sau

(Baonghean) - Công tác dân vận có vai trò quan trọng trong việc tạo sự đồng thuận, đoàn kết, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định rõ những vấn đề này, những năm qua, công tác dân vận được cả hệ thống chính trị quan tâm, đẩy mạnh, vận dụng linh hoạt và mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực. 

Bài học gần dân, Sâu sát với nhân dân

Thôn 12, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn có địa bàn rộng, địa hình hoàn toàn đồi núi. Dân số toàn thôn có 153 hộ với 575 nhân khẩu, cư trú rải đều trên 11 quả đồi. Nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống nhìn chung còn nhiều khó khăn. Hệ thống đường giao thông, cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sinh hoạt cộng đồng còn nhiều hạn chế.

Xác định, nông thôn mới trước hết phải nâng cao đời sống của nhân dân, tổ dân vận thôn đã tuyên truyền vận động nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất, chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ lẫn nhau về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất.

Trong năm 2016, tổ đã vận động nhân dân trồng mới được 25 ha cây nguyên liệu giấy, 3,5 ha chè thực phẩm. Trong xây dựng hạ tầng, tổ đã vận động giải phóng được mặt bằng 3 tuyến đường cấp phối với tổng chiều dài hơn 4,2 km, nhân dân đóng góp ngày công, tiền của làm được 2 tuyến đường bê tông dài 1,8 km với tổng số tiền nhân dân đóng góp là 395 triệu đồng.

Đặc biệt, do khuôn viên nhà văn hóa thôn không đảm bảo diện tích, tổ đã vận động nhân dân thống nhất chủ trương và đóng góp 21,3 triệu đồng để đắp mặt bằng khuôn viên tại địa điểm mới và thống nhất chủ trương và đóng góp 300 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa, hiện đã khởi công đang làm phần móng.

Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ Dân vận thôn 12, xã Lĩnh Sơn Nguyễn Thị Kim Phương chia sẻ: “Có được những kết quả trên, tất cả các thành viên tổ dân vận thôn đã thấm nhuần làm tốt công tác dân vận gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nên chương trình xây dựng nông thôn mới đã được nhân dân thôn hưởng ứng, tham gia nhiệt tình”.

Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Quỳ Hợp trao đổi với người dânxóm Minh Hồng, xã Minh Hợp về hiệu quả mô hình tiêu hủy rác thải tại gia.
Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Quỳ Hợp trao đổi với người dân xóm Minh Hồng, xã Minh Hợp về hiệu quả mô hình tiêu hủy rác thải tại gia.

Tính trên bình diện chung, trong thời gian qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, được toàn dân hưởng ứng. 

Từ 345 mô hình “Dân vận khéo” năm 2009, đến năm 2016, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 3.262 mô hình. Nổi bật nhất là phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã vận động nhân dân hiến được 5.217.919 m2 đất, đóng góp 4.241.884 ngày công và 4.303,5 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Nghệ An đứng thứ 3 toàn quốc về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 117 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó có 112 xã đã được UBND tỉnh quyết định công nhận.

Mặt khác, công tác dân vận cũng đã có chuyển biến mạnh mẽ về mặt tư duy, cách làm của cả hệ thống chính trị. Đó không chỉ là công việc riêng của cán bộ dân vận, ngành dân vận mà còn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị, nhất là trong công tác dân vận chính quyền.

Với phương châm bám sát với cơ sở, lắng nghe, giải quyết ý kiến nhân dân, doanh nghiệp và giải quyết những kiến nghị kịp thời, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, hệ thống chính quyền các cấp đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Tại xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, 2 năm qua, thực hiện phương châm cán bộ hướng mạnh về cơ sở, UBND xã Châu Cường đã phân công cán bộ xã về phụ trách 11 xóm cùng với xóm trưởng và ban cán sự xóm để lãnh đạo, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hàng tuần, UBND xã tổ chức giao ban rà soát, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Với những chuyển động đó, kinh tế - xã hội xã Châu Cường có nhiều khởi sắc.

Người dân phát triển trồng rừng với giống keo đảm bảo chất lượng; chăn nuôi trâu, bò có quản lý, hạn chế thả rông kết hợp trồng cỏ voi, xây dựng cột rơm là thức ăn chăn nuôi sau thu hoạch lúa. “Đặc biệt, Châu Cường đã vận động nhân dân làm được 3 vụ đông bằng những giống cây trồng gắn với tiêu thụ như trồng ngô bán cho trại chăn nuôi bò sữa của Công ty Sữa TH, thay vì bỏ hoang ruộng vào vụ này so với những năm trước đây”, đồng chí Lưu Xuân Điểm - Chủ tịch UBND xã Châu Cường cho biết. 

Hay như trong công tác giải phóng mặt bằng, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và lãnh đạo nhiều địa phương như Thái Hoà, TX. Hoàng Mai, Quỳ Hợp… đã vận dụng khéo léo, linh hoạt trong công tác dân vận, qua đó tạo sự đồng thuận của người dân với những dự án đầu tư.

Nổi bật là cuộc đối thoại giữa Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường và người dân xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc kéo dài gần 5 giờ đồng hồ ngày 25/9 vừa qua, là diễn đàn mở để người dân nói lên những băn khoăn, thắc mắc của mình; ngược lại các cấp chính quyền, nhà đầu tư cũng trao đổi cho nhân dân rõ hơn về những dự án đang đầu tư gồm: Trạm nghiền Xi măng Nghi Thiết, Cảng biển Vissai và Tổng kho xăng dầu ĐKC cũng như chính sách đối với những hộ bị ảnh hưởng và các vấn đề phát sinh. Qua đó, nhiều nút thắt được tháo gỡ, cả người dân và chính quyền, nhà đầu tư thống nhất được chủ trương, quan điểm triển khai dự án và cùng nhìn về một phía vì sự phát triển chung của địa phương, tỉnh. 

Việc làm thường xuyên

Những kết quả trên đã khẳng định vai trò của công tác dân vận, đặc biệt là vai trò tham mưu của ngành Dân vận các cấp đối với những yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy xác định Nghị quyết số 25 -NQ/TW, khóa XI “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Quyết định 290 -QĐ/TW về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị là vấn đề chiến lược, cấp thiết, quan trọng có tính quyết định đối với công tác dân vận. Trên cơ sở đó, ngành Dân vận đã cụ thể hóa kịp thời vào địa phương, trong đó chọn đề án, kế hoạch thực hiện một cách thiết thực, phù hợp với tình hình của tỉnh; đồng thời phải thường xyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận tại cơ sở. 

Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu trao đổi với cán bộ xã Quỳnh Ngọc về phương thức hiệu quả trong việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới. Ảnh Hữu Nghĩa
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu trao đổi với cán bộ xã Quỳnh Ngọc về phương thức hiệu quả trong việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới. Ảnh Hữu Nghĩa

Bên cạnh đó, từ thực tế triển khai cũng để lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Đó là nơi nào thường trực cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho công tác dân vận, ban dân vận chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu thì ở đó công tác dân vận đạt hiệu quả cao; thực hiện phương châm: “Công tác dân vận phải đi trước, đồng hành và về sau” trong thực hiện các chương trình, dự án; phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải được cả hệ thống chính trị cùng tham gia, ban dân vận làm nòng cốt, trong đó phải thực hiện: “Khéo chọn việc, khéo tổ chức, khéo tuyên truyền, vận động”, cũng như thực hiện tổng kết, biểu dương, nhân rộng mô hình kịp thời.

Một vấn đề hết sức quan trọng là cán bộ phải nói đi đôi với làm, thường xuyên sâu sát cơ sở, kịp thời giải quyết nhu cầu chính đáng và phối hợp xử lý vụ việc phức tạp nảy sinh từ cơ sở, quan tâm đúng mức công tác dân vận chính quyền. 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Khôi - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Phát huy truyền thống 86 năm cùng với những kết quả, bài học kinh nghiệm đã đạt được, trong thời gian tới, ngành Dân vận tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò tham mưu, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức để đẩy mạnh công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết, phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển”.

Bài, ảnh: Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới