Đường Lê Viết Thuật - Nét xưa trên phố mới

(Baonghean) - Đường thênh thang mang dáng vẻ cửa ngõ Thành Vinh năng động và hội nhập, nhưng vẫn còn đó chút dùng dằng lưu luyến những nếp cũ của vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa và cách mạng. Ấy là những cảm nhận của tôi về đường Lê Viết Thuật…
Một đoạn đường Lê Viết Thuật.
Một đoạn đường Lê Viết Thuật.
Với người dân Thành phố Đỏ anh hùng, con đường ấy thân thuộc từ thuở còn là lối mòn hoang vu đầu những năm 1800 của thế kỷ XIX. Cho đến quãng đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp cho mở rộng, đường Lê Viết Thuật nối Vinh - Cửa Hội trở thành tuyến giao thông quan trọng nội đô. Nay, đường Lê Viết Thuật còn được gọi là Tỉnh lộ 535, do Sở GTVT Nghệ An quản lý, bắt đầu từ điểm nối cầu Bưu điện - nơi giao giữa đường Nguyễn Sỹ Sách và Nguyễn Phong Sắc. Nói vậy để biết, con đường không chỉ là lối mòn đi mãi thành quen như ý nghĩa khởi phát gần 2 thế kỷ về trước, mà trỗi dậy thành “huyết mạch” không thể “đứt lìa” của đô thị loại 1.
Đường Lê Viết Thuật nằm ngay trung tâm vùng đất Hưng Lộc giàu hào khí, trải dài qua địa phận các xóm Tân Hùng, Xuân Hùng, Mẫu Đơn, Mẫu Lâm, Ngũ Phúc… Tôi đã bao lần thong dong trên con đường Lê Viết Thuật, để rồi rốt cuộc vẫn cứ tần ngần mê mải trước cổng chào “Văn hóa Mẫu Đơn” dẫn vào vùng trầm tích dày dặn, thôi thúc khám phá, tìm hiểu. Sắp tới, cư dân xóm Mẫu Đơn - cư dân của một phần đường Lê Viết Thuật ấy kỷ niệm 10 năm xóm được vinh dự công nhận là Xóm Văn hóa cấp tỉnh. 10 năm ấy hẳn cũng là con số tròn trĩnh tính về mặt danh hiệu, giấy tờ, còn thì cái chất văn hóa, cái bề dày dặn của đất và người nơi đây ắt phải kể từ hàng trăm năm trước. Từ thuở xa xưa, vùng này còn có ngôi đền làng Mẫu tọa lạc, oai nghiêm và linh thiêng nổi tiếng xa gần. Đền là nơi gửi tựa tâm linh cho cư dân làng, cũng mang ý nghĩa trấn giữ những điều không tốt xâm phạm. Khí linh một thuở của đền làng Mẫu, đã tỏa vào nếp sống thường nhật của cư dân làng, cho đến nay, trải hàng bao thế kỷ, vẫn nhịp nhàng dung dưỡng tâm thức an yên. Kể cả con đường Lê Viết Thuật, chỉ ngang qua địa phận xóm độ 500m quãng đầu, cũng được hưởng lây cái phúc phần thăm thẳm ấy mà phả vào hơi thở hôm nay vẻ tĩnh tại, bất chấp những xô bồ đổi mới.
Đi trên đường Lê Viết Thuật nay, là ta đang tưởng vọng lại những nhịp bước chân đi của ông cha, của lịch sử. Ấy là, rầm rập khí thế căm hờn của hàng ngàn người dân Lộc Đa - Đức Thịnh trong dòng thác cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh; hay sâu hoắm những hố bom giặc Mỹ, những trận địa pháo cao xạ lừng lẫy bầu trời Thành Vinh. Cư dân gốc của vùng này, giờ nhớ lại, chẳng mấy người dám tin rằng có một ngày, con đường đã chứng kiến bao biến động của đất và người nơi đây, lại có sức trỗi dậy mạnh mẽ đến thế. Từ một con đường bụi mù cát pha mùa nóng, lầy lội bùn mùa mưa từng là nỗi khổ sở của bao người lại qua, nay khang trang, bề thế với hai làn ngược xuôi, đôi dãy nhà dân và hàng quán san sát, ăm ắp những hàng quà tiện lợi. Cảm cái phong vị phố rõ nhất là vào chiều se lạnh như cữ mùa này, giữa hối hả tan tầm và bao nhọc nhằn của một ngày đã khép, là lãng đãng những hương vị quán lẩu, quán nướng, thịt chó… càng ngày càng hiện diện trên phố như định hình nét ẩm thực riêng của đường Lê Viết Thuật. 
Chợ Cọi.
Chợ Cọi (xã Hưng Lộc).
Con đường này còn lưu dấu ấn bởi chợ Cọi - ngôi chợ truyền thống đã có mặt ở đất Hưng Lộc dễ ngót trăm năm nay? Trong ký ức người ở tuổi “xưa nay hiếm”, chợ Cọi giản dị chỉ là ngôi chợ quê, bày bán dăm mẹt bún lá, vài xếp bánh mướt bóng mỡ hành, thoảng vài sạp thịt bung đỏ và ba, bốn hàng rau, gạo thóc… Tên gọi cũng không hiểu từ đâu mà có, người thì bảo, Cọi là cách gọi chệch đi của Cói - nghĩa là chiếu cói - thứ hàng hóa một thời khá thịnh ở ngôi chợ này. Người lại bảo, không phải rồi, Cọi cũng tức là Cói đấy, nhưng là loài chim cói (cùng họ với loài cò) vẫn thường trú chân ở các vùng đầm bãi Hưng Lộc thuở xa xưa. Chẳng dám khẳng định cách lý giải nào là chính xác, chỉ biết rằng, chợ đã làm nên một phong cách thị dân riêng biệt cho đến tận ngày nay. Dẫu đã hơn 2 năm, chợ Cọi được đầu tư xây mới thành ngôi chợ 2 tầng với hơn 8.600m2, hơi hướng chợ quê đã phai nhạt, thì đường Lê Viết Thuật vẫn tận hưởng vẹn nguyên cái náo nhiệt và sôi động có phần thân thiết chốn bán mua ấy cho đến tận đêm khuya.
Đường nằm trên vùng trầm tích lịch sử cách mạng, nên như một điều không thể khác, chất hào khí vẫn còn vọng vào âm hưởng phố, người dân phố vẫn thẳng thắn, chất phác và hiệp nghĩa. Tôi biết một anh chủ quán cơm quãng giữa đường Lê Viết Thuật. Anh là con trai út của một cựu chiến binh Trung đoàn Pháo cao xạ 280 năm nào. Những ký ức của người cha về những trận bom thù giặc Mỹ, tiếng nổ long trời, lở đất cày xéo thành phố nhỏ bé chưa kịp hồi sinh sau những tháng năm giữ đất giữ trời quê hương, và tiếng hò reo ngày chiến thắng, những giọt nước mắt hạnh phúc ngày đoàn tụ… đã trở thành thiên truyện cổ tích đi suốt ấu thơ anh. Anh yêu lắm thành phố còn nhiều gian khó này từ những ký ức hào hùng của người cha, và hơn hết, nó đã thành neo giữ anh ở lại, quyết làm giàu trên mảnh đất quê hương. Quán cơm của anh hướng mặt tiền ra phía đường Lê Viết Thuật, đối tượng phục vụ chủ yếu là sinh viên, lao động phổ thông và viên chức đồng lương còm cõi. Vài ngọn rau, dăm miếng thịt, bát canh nóng hổi và âu cơm lèn chặt… bao năm nay, giản dị và ân tình đối đãi với bao cảnh người khốn khó. Không hẳn là quán cơm miễn phí, bởi bản thân anh chủ quán cũng chưa lấy gì khấm khá, nhưng cứ hễ bước vào quán, thì khách ngồi dùng bữa có thể tự tin và vui vẻ với số tiền chẳng nhiều nhặn gì của mình…
Khấp khởi vui trên đường Lê Viết Thuật, với ý nghĩa đường là cửa ngõ của vùng Đông - Bắc thành phố, có sức vươn mạnh mẽ đến trung tâm du lịch biển Cửa Hội - Cửa Lò, nối thẳng đến “trái tim” nội đô Thành phố Vinh, nhưng vẫn phần nào chưa rũ hẳn nét trầm tư ngoại ô. Những ngày nắng hiếm hoi cuối Thu, thong thả dong xe cho đến tận cuối đường, thấy tâm trí mình lớn lên một hy vọng phố mai kia.
Lê Viết Thuật sinh năm 1902 trong gia đình nghèo ở phố Đệ Thập (nay là phường Bến Thuỷ), Thành phố Vinh. Năm 14 tuổi, anh theo người lớn vào làm thợ trong Nhà máy Diêm. Hàng ngày chứng kiến cảnh lao động khổ cực và thân thể bị dày vỏ bởi đòn roi của chủ Nhà máy Diêm, anh vô cùng căm tức và anh bắt đầu giác ngộ được ý thức giai cấp và dân tộc. Sau khi Hội Phục Việt ra đời, Lê Viết Thuật được kết nạp vào hội và là hội viên của tổ chức Công hội. Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ và phát triển tổ chức vào Trung Kỳ, trở thành nòng cốt của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng trong giai cấp công nhân. Từ một đảng viên Tân Việt, Lê Viết Thuật đã trở thành đảng viên và là Bí thư Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Nhà máy Trường Thi năm 1929. Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (3/2/1930), Tỉnh bộ Vinh được hình thành do Lê Mao làm Bí thư, Lê Viết Thuật là Ủy viên Tỉnh ủy lâm thời Vinh.  Từ tháng 4/1931, cán bộ lãnh đạo của Xứ ủy lần lượt hy sinh và bị sa lưới địch. Đầu năm 1932, cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ bị lộ, đồng chí Lê Viết Thuật - người Bí thư Xứ ủy cuối cùng bị sa vào tay địch. Sau một thời gian chịu đựng tra tấn của kẻ thù tại Nhà lao Vinh, đồng chí Lê Viết Thuật hy sinh tháng 3/1932.
Phương Chi

Tin mới