Éo le sự đời!

(Baonghean) - Chưa khi nào thấy bà hàng nước vui như hôm nay. Bà cười hơ... hơ... hơ một tràng dài và kết thúc chuỗi cười bằng một câu: Đi ăn cướp mà cũng sợ mất sĩ diện. Rõ là vẽ chuyện!
Thủ phạm vụ bắt cóc con tin (dấu x) ở nhà tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được dẫn giải ra xe cảnh sát. Ảnh: CAND
Thủ phạm vụ bắt cóc con tin (dấu x) ở nhà tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được dẫn giải ra xe cảnh sát. Ảnh: CAND
Đúng là vẽ chuyện thật. Mà người vẽ chuyện là tên cướp chứ không phải người kể chuyện. Ấy là hôm 16 tháng 9 vừa rồi, ở Hà Nội xảy ra vụ bắt cóc con tin rất ly kỳ. Nói ly kỳ là vì đã xông vào nhà người ta vô cớ chém người rồi trói giữ người trái pháp luật, ra yêu sách đủ thứ... toàn là những hành vi thiếu tính người, thế mà lại còn sợ mất thể diện. Nên khi biết những việc mình làm đã được báo chí đưa lên mạng, kẻ thủ ác liền liên lạc với công an yêu cầu các báo gỡ hết tin, bài liên quan đến vụ việc bắt cóc con tin do mình gây ra. Bởi thế một tờ báo, sau khi cân nhắc mức độ nguy hiểm có thể xảy ra với con tin, đã quyết định tạm gỡ tin khỏi trang. Yêu cầu khá là khiếm nhã này của nghi phạm, nhờ thông tin của các báo, đã đến Bộ Thông tin - Truyền thông. Và việc gỡ bỏ thông tin thế là đành...!
Từ chuyện này ngẫm kỹ mới thấy sự đời sao lắm nỗi éo le. Có không ít người sẵn sàng làm đủ thứ từ những việc kỳ quặc, đến phi thường và thậm chí là không ngần ngại phô bày cơ thể một cách nhăng nhít để được xuất hiện trên báo chí. Nhưng lại có những người khi thấy tên tuổi và sự nghiệp của mình xuất hiện trên báo chí theo cách không mong đợi, cho dù đó là sự thật thì liền tìm đủ mọi cách để gỡ xuống.
Để gỡ được, có nhiều cách lắm. Hoặc là gọi điện thoại hay trực tiếp đến các tòa soạn năn nỉ, ỉ ôi xin xỏ. Có khi còn dùng cả phong bì để thuyết phục. Hoặc là gây áp lực với báo chí, như cách kẻ bắt cóc con tin nói trên đã làm. Cách khác là nhờ ai đó thân quen, thuộc diện có quyền lực, lời nói có sức nặng, có thể chi phối được ra tay can thiệp. Mà sự can thiệp kiểu này rất tinh vi và núp dưới đủ mọi lý do, nhưng chủ yếu là vì “đại cục”. Nghĩa là người ra tay luôn phát đi một thông điệp rằng sự can thiệp này là vì lợi ích chung chứ không vì thể diện cũng như quyền lợi của một cá nhân nào cả. Thế là các tòa soạn phải ngậm ngùi bóc gỡ! Vì sự an toàn tính mạng mấy con tin mà khối báo đã phải nghe theo yêu cầu của kẻ thủ ác như đã nói ở trên. Huống hồ đây lại là chỉ lệnh từ miệng người “có gang, có thép” lại là vì ‘đại cục” nữa, ai mà chẳng phải nghe. Cho dù trong lòng không vui và không phục.
Vâng, quả chuyện đời không đơn giản. Có mỗi chuyện lên báo mà người thì thích, kẻ thì không. Lúc này, chuyện này lại thích. Lúc khác, chuyện khác thì lại không. Nên nói sự đời lắm nỗi éo le là vì thế!
Người Lắm Chuyện