Nỗi lo học sinh miền núi bỏ học

(Baonghean) - Trong số gần 2.000 học sinh bỏ học trong năm học 2013 -2014, thì học sinh miền núi chiếm đa số. Thực trạng đó không quá bất ngờ nhưng đặt ra nhiều trăn trở cho các cấp, các ngành trước thềm năm học mới, nhất là việc học sinh sẽ đi về đâu sau khi rời  ghế nhà trường…
Đầu tháng 8, chúng tôi có chuyến thực tế lên huyện Tương Dương - 1 trong 3 huyện nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh. Làm việc với bà Vi Thị Bích Thủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, hỏi về công tác phân luồng của học sinh cấp II thì được biết, ở Tương Dương làm sao mà phân luồng được. Sau khi học hết bậc THCS, việc vận động để các em thi lên bậc THPT còn khó khăn nữa là…
Giờ ra chơi của học sinh Trường PTDL bán trú THCS Hữu Khuông (Tương Dương).
Giờ ra chơi của học sinh Trường PTDL bán trú THCS Hữu Khuông (Tương Dương).
Trong năm học 2013 - 2014, huyện Tương Dương có 915 học sinh tốt nghiệp THCS. Thế mà khi thi vào cấp III, dù các nhà trường đã cố hết sức để vận động, tuyên truyền nhưng chỉ huy động được 73% học sinh thi vào cấp III và đến thời điểm này dù đã có kết quả tuyển sinh nhưng theo lãnh đạo phòng Giáo dục - Đào tạo Tương Dương vẫn còn 80 em trúng tuyển nhưng chưa đến nhập học. Trước đó, trong năm học qua toàn huyện cũng đã thống kê được trên 50 em bỏ học, tập trung chủ yếu là học sinh cấp II ở những xã như Xá Lượng, Yên Hòa, Nga My, Lưu Kiền. Đây là điều khiến những người làm công tác giáo dục ở huyện Tương Dương rất băn khoăn, bởi họ biết một điều học sinh miền núi đã bỏ học thì chỉ khoảng 30% là ở nhà, giúp đỡ bố mẹ, còn lại rất có thể sẽ sa vào nghiện ngập, hư hỏng. 
Em Lô Thị Kháy 13 tuổi (thứ 2 trái sang) ở xã Yên Hòa, Tương Dương bỏ học đi làm việc ở Trung Quốc.
Em Lô Thị Kháy 13 tuổi (thứ 2 trái sang) ở xã Yên Hòa, Tương Dương bỏ học đi làm việc ở Trung Quốc.
Chúng tôi vào xã Yên Hòa, một trong những điểm nóng của huyện Tương Dương về tình trạng người lao động tự do đi làm việc ở nước ngoài không có giấy phép. Ở đây, chỉ chưa đầy 2 tháng trước, một đối tượng nghi là tổ chức đưa lao động trái phép sang Trung Quốc vừa bị tạm giam để điều tra. Đáng tiếc, trong số 23 trường hợp đưa sang Trung Quốc vừa trở về chỉ có 2 trường hợp sinh năm 1978 và 1985, còn lại chủ yếu thuộc thế hệ 9X sinh từ năm 1995 trở lại đây. Ngoài ra còn có những em mới sinh năm 2001 như cô bé Lô Thị Kháy, người ở bản Xốp Chảng. Đến nhà Kháy, nhìn cô bé mặt còn ngây thơ, nói chuyện ngơ ngác chúng tôi không khỏi chạnh lòng, bởi lẽ với một đứa bé mới 13 tuổi như em đáng lẽ được đến trường học cùng với thầy cô, bạn bè.
Thế mà, vì nghèo, vì gia đình khó khăn, bố lấy vợ hai, sau Kháy còn 3 em nhỏ nheo nhóc nên em đành bỏ học giữa chừng để nhờ người đưa sang Trung Quốc làm ăn. Tiếp xúc với một số trường hợp khác, các em đều bỏ học giữa chừng từ năm lớp 5, lớp 6. Thầy giáo Nguyễn Đăng Huy, Hiệu Trưởng Trường THCS Yên Hòa, cho biết: Mỗi năm Yên Hòa có trên 10 học sinh bỏ học, ngoài ra còn có rất nhiều trường hợp khác đi học không chuyên cần, nhà trường phải cử giáo viên vào nhà vận động đi học trở lại. Trong năm học 2013 - 2014, trường cũng chỉ có 48/83 học sinh tốt nghiệp cấp II thi đậu vào cấp III, còn lại là bỏ học. 
Phân tích nguyên nhân, thầy hiệu trưởng nói rằng: Nếu nói về điều kiện đi lại là không hẳn, bởi so với nhiều vùng khác trong huyện, học sinh của xã Yên Hòa ngoài 2 bản Xốp Kha và Yên Hương là còn hơi khó khăn, còn lại các em đều ở các xung quanh trường. Khó ở đây là học sinh và phụ huynh cho rằng học cũng chẳng để làm gì bởi ở xã, ở huyện có rất nhiều trường hợp học xong đại học, cao đẳng cũng chẳng có việc làm. Bà Vi Thị Bích Thủy, Trưởng phòng Giáo dục huyện cho biết: Học sinh bỏ học vì hoàn cảnh gia đình nghèo cũng rất nhiều. Ví như ở Tương Dương, trường cấp III của huyện không có trường nội trú nên học sinh khi xuống thị trấn học đều phải ở trọ. Theo quy định của Nhà nước, học sinh người dân tộc nội trú sẽ được hưởng 40% chế độ lương cơ bản, nhưng số tiền đó chẳng thấm tháp gì so với giá cả đắt đỏ như Thị trấn Hòa Bình. Các em cũng không được nhận tiền thường xuyên mà chỉ nhận theo đợt. Rồi khi học xong sẽ làm gì cũng là điều phụ huynh băn khoăn. Thực tế, Tương Dương đang có rất nhiều học sinh hệ cử tuyển, tốt nghiệp đại học xong vẫn chưa sắp xếp được việc làm. 
Tình trạng học sinh bỏ học nhiều cũng là điều mà chúng tôi đã thấy được khi lên xã Tri Lễ của huyện Quế Phong, đặc biệt là ở 8 bản người Mông.  Như ở bản Pả Khốm, 1 năm có gần 10 học sinh bỏ học vì những lý do như nhà xa trường, vì chán học do không theo kịp bạn bè, vì nghèo. Cả bản cũng chỉ có 2 học sinh đang học trường cấp III của huyện, đều là con cháu của trưởng bản. Nói về tình trạng học sinh bỏ học, thầy giáo Hồ Sỹ Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tri Lễ chia sẻ những khó khăn khi mùa tựu trường đang đến. Đó là, dù mỗi năm, phòng Giáo dục của huyện đều duyệt kế hoạch tuyển sinh cho nhà trường đúng với số học sinh lớp 5 ra trường. Nhưng khi vào năm học, cố gắng lắm nhà trường cũng chỉ huy động được khoảng 80 - 85% học sinh đến lớp.
Còn ở huyện Kỳ Sơn, ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cho biết: Mỗi năm toàn huyện có khoảng 100 học sinh cấp II bỏ học giữa chừng, nhiều nhất trong số này là học sinh người Khơ Mú. Tỷ lệ học sinh thi vào cấp III cũng chỉ chừng 70%. Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho các em vì nếu không tốt nghiệp cấp II thì để đi học nghề cũng rất khó. 
Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo,  từ năm học 2010 - 2011 đến nay, tình trạng học sinh bỏ học ở Nghệ An diễn ra khá phổ biến, một năm xấp xỉ gần 2.000 học sinh. Riêng năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh có 1.819 học sinh bỏ học, trong đó có 26 học sinh ở bậc tiểu học, 998 học sinh ở bậc THCS và 795 học sinh ở bậc THPT, trong đó tập trung nhiều ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo, đa phần học sinh bỏ học là vì hoàn cảnh nghèo, khó khăn, không có điều kiện đi học.
Nhiều nơi học sinh vẫn phải thuê trọ ngoài rất tốn kém. Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng nhiều học sinh bỏ học vì học kém, không theo kịp chương trình nên chán. Điều này cũng một phần xuất phát từ chất lượng dạy và học ở một số trường miền núi chưa cao, chưa có nhiều phương pháp tạo cho các em niềm đam mê, hứng thú. Ngoài ra, do tập quán ở nhiều vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng có đông người dân tộc Mông, Khơ Mú, các em sau khi nghỉ Tết, phần thì theo bố mẹ đi làm ăn xa, phần thì bỏ học để lấy vợ, lấy chồng. Một điều cũng rất đáng buồn nữa là do gần đây có rất nhiều thông tin sinh viên tốt nghiệp đại học xong không có việc làm đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, quan điểm của nhiều phụ huynh. Bởi thế, nhiều người không muốn cho con theo học.
Để hạn chế tình trạng này, ông Nguyễn Phùng  Đạt - Phó ban Giáo dục dân tộc miền núi, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thời gian qua Nhà nước và tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ học sinh vùng cao giúp các em yên tâm đến trường. Đó là  hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung, hỗ trợ gạo. Học sinh bán trú được ở trong khu bán trú của nhà trường; đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung. Tỉnh cũng đã đầu tư ngân sách để xây dựng các trường nội trú, bán trú ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã thành lập và xây dựng lại 7 trường nội trú, thành lập được 25 trường bán trú. Dự kiến đến năm 2020 sẽ nâng tổng số trường bán trú lên 40 trường. Nhiều nơi vận động phụ huynh, kêu gọi các nguồn xã hội hóa để xây dựng các trường bán trú dân nuôi, tổ chức nấu ăn cho học sinh để các em yên tâm đến trường. Ngoài ra, hàng năm vào đầu các năm học, các trường đều tổ chức đi vận động để con em đến trường đầy đủ, có chính sách ưu tiên giúp đỡ cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Về giải pháp lâu dài, theo quan điểm của nhiều người làm công tác giáo dục thì cố gắng vận động để ít nhất các em có thể học xong lớp 9. Trên cơ sở đó, có kế hoạch giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em học nghề, giới thiệu việc làm cho các em, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học rồi sa vào các tệ nạn như cờ bạc, ma túy, mại dâm. Ngoài ra, để giải quyết triệt để tình trạng học sinh bỏ học không phải là việc làm dễ dàng, ngày một ngày hai mà cần có các giải pháp đồng bộ, cần phải tìm hiểu rõ các nguyên nhân để có biện pháp  khắc phục. Trong đó,  cần nâng cao nhận thức của xã hội, gia đình và học sinh về tầm quan trọng và giá trị học tập, kiến thức đối với đời sống lao động, cơ hội việc làm, khuyến khích gia đình nghèo, gia đình người dân tộc thiểu số động viên con em đi học.
Cần tổ chức các cuộc vận động để huy động nguồn lực của toàn xã hội cho giáo dục, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là hội khuyến học, hội cựu giáo chức... trong việc vận động học sinh bỏ học đến trường; lập quỹ vì trẻ em nghèo hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học vì thiếu lương thực trong thời gian giáp hạt, vì ở vùng xa. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất các nhà trường, tổ chức lớp học ở các điểm lẻ để học sinh không phải bỏ học vì đi xa. Ngoài ra, cần bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, giáo viên có trình độ tiếng dân tộc và năng lực sư phạm để nâng dần chất lượng dạy và học ở các trường miền núi. Ngay từ đầu năm học phải tiến hành phân loại học lực của học sinh thật chính xác. Qua đó, có kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh yếu kém, không để học sinh “ngồi nhầm lớp” làm nản việc học của các em.
Được biết, trước tình trạng học sinh miền núi bỏ học ngày càng cao, cuối tháng 9 tới, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức hội thảo về vấn đề này. Hy vọng qua đó sẽ sớm đưa ra các giải pháp thiết thực để giảm số học sinh bỏ học, nhất là ở các huyện miền núi.
Bài, ảnh: Mỹ Hà - Khánh Ly

Tin mới